Siết quản lý, bình ổn thị trường vàng

Ngọc Trâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tổng cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) vừa kiểm tra nhiều cửa hàng buôn bán vàng ở các địa phương và phát hiện không ít vi phạm, chủ yếu về nhãn hàng hóa, niêm yết giá không rõ ràng, vi phạm điều kiện kinh doanh, không rõ nguồn gốc...

Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại một cơ sở vàng bạc đá quý trên địa bàn. Ảnh: Bảo Tích
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra tại một cơ sở vàng bạc đá quý trên địa bàn. Ảnh: Bảo Tích

Hơn 50% có vi phạm

Liên tiếp trong những ngày gần đây, lực lượng quản lý thị trường các tỉnh, TP như: Quảng Ninh, Hà Nội, An Giang, Tiền Giang, Đồng Tháp, Long An, Đắk Lắk, Bắc Kạn... tiến hành kiểm tra, phát hiện DN bán vàng trang sức nghi giả nhãn hiệu.

Bước đầu, đoàn kiểm tra đã phát hiện một số vi phạm như bày bán các sản phẩm vàng trang sức không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có hóa đơn chứng từ, không có nhãn hàng hóa.

Có DN vi phạm quy định về niêm yết giá; có DN vi phạm về điều kiện kinh doanh hoặc xâm phạm sở hữu công nghiệp (các mặt hàng bông tai, mặt dây chuyền, lắc tay… có dấu hiệu giả mạo các nhãn hiệu nổi tiếng như Chanel, Versace, Louis Vuitton...).

Bên cạnh đó, có DN sản xuất hàng không công bố tiêu chuẩn áp dụng theo quy định; có DN vi phạm trong kinh doanh hàng hóa trên nền tảng thương mại điện tử như vận hành website bán hàng trên nền tảng thương mại điện tử nhưng chưa thông báo đến Bộ Công Thương...

Rất nhiều địa phương có tới 50% số DN được kiểm tra vi phạm. Đơn cử, Cục Quản lý thị trường tỉnh Quảng Ninh kiểm tra 18 cơ sở kinh doanh vàng thì phát hiện có tới 12 cơ sở vi phạm.

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê cho biết, việc kiểm tra hoạt động kinh doanh vàng tại một số tỉnh, TP trong thời gian qua nhằm triển khai có hiệu quả Công điện số 23/CĐ-TTg ngày 20/3 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp quản lý thị trường vàng...

Cũng theo chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường, từ nay đến cuối năm, lực lượng quản lý thị trường cả nước sẽ phối hợp với cơ quan chức năng địa phương tăng cường kiểm tra các cửa hàng, DN kinh doanh vàng, kịp thời phát hiện các hành vi vi phạm, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, góp phần bình ổn thị trường vàng.

Bất cập thị trường vàng

Thị trường hàng hóa đã chứng kiến một “cơn sốt nóng” vàng miếng SJC, khi giá của mặt hàng này liên tục “nhảy múa”, tăng nhanh và đắt hơn rất nhiều so với thế giới, có thời điểm lên tới 20 triệu đồng/lượng. Đặc biệt, có không ít phiên giao dịch, giá vàng SJC diễn biến trái chiều với giá vàng thế giới.

Trước tình hình trên, Thủ tướng Chính phủ đã giao Ngân hàng Nhà nước phối hợp chặt chẽ với các cơ quan có liên quan khẩn trương thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ, toàn diện, có trọng tâm, trọng điểm đối với thị trường vàng.

Gắn với đó là việc giám sát, thanh tra, kiểm tra với hoạt động của các DN kinh doanh vàng, các cửa hàng, đại lý phân phối và mua bán vàng miếng và chủ thể khác tham gia thị trường. Mục tiêu nhằm bảo đảm ổn định, bình ổn, an toàn thị trường vàng, góp phần hạn chế tình trạng vàng hóa nền kinh tế. Đồng thời, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia và phát triển thị trường vàng an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững.

Thị trường vàng từ đầu tuần đến nay tiếp tục diễn biến tăng không ngừng. Bên cạnh đó, khoảng cách mua - bán lên tới 2 - 3 triệu đồng/lượng. Trong vòng 9 ngày đầu tháng 4, giá vàng nhẫn tăng khoảng 8 triệu đồng mỗi lượng, giá vàng miếng SJC tăng 4 triệu đồng.

Đến chiều 11/4, giá vàng miếng tại Công ty Vàng bạc đá quý Sài Gòn - SJC mua vào 82,4 triệu đồng/lượng và bán ra 84,4 triệu đồng. Riêng vàng nhẫn đà tăng mạnh hơn lên gần 79 triệu đồng và tình trạng khan hiếm vàng nhẫn còn diễn ra.

Hệ lụy từ vàng lậu

 

Các chuyên gia tài chính cho rằng, khoảng cách chênh lệch càng lớn thì người mua vàng càng thiệt bởi các DN luôn bảo toàn lợi nhuận bằng cách kéo doãng khoảng cách giữa giá mua và bán, đẩy rủi ro về phía người tiêu dùng. Cộng với việc giá vàng trong nước cao hơn thế giới, người mua sẽ hai lần chịu thiệt.

Thời gian vừa qua, tình trạng mua bán, vận chuyển trái phép vàng qua biên giới diễn biến khá phức tạp. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mai và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389), từ năm 2022 trở lại đây, lực lượng công an đã phát hiện và triệt phá nhiều đường dây, tổ chức buôn lậu vàng với quy mô lớn, tính bằng tấn chứ không phải kg như trước.

Tháng 9/2022, Cục Cảnh sát kinh tế (C03 - Bộ Công an) triệt phá đường dây buôn lậu hơn 4 tấn vàng từ Campuchia về Việt Nam qua cửa khẩu Chàng Riệc (Tây Ninh), khởi tố 18 bị can.

Tháng 6/2023, C03 phá chuyên án buôn lậu, trốn thuế trên 3 tấn vàng với tổng trị giá trên 5.000 tỷ đồng từ Lào về Việt Nam qua cửa khẩu Lao Bảo (Quảng Trị), do Nguyễn Thị Hóa cầm đầu. Vụ việc này có tới 20 người bị khởi tố...

Theo Hội đồng Vàng thế giới, trung bình mỗi năm Việt Nam có nhu cầu tiêu thụ khoảng 20 tấn vàng trang sức, mỹ nghệ. Nhu cầu lớn nhưng mua vàng SJC để sản xuất nữ trang thì đắt nên hàng lậu càng có cơ hội tuồn vào kênh này.

Điều này cho thấy, lượng nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng trang sức là không hề nhỏ. Nguồn vàng nguyên liệu trên thị trường hiện nay chủ yếu từ mua đi bán lại và lượng vàng DN mua trôi nổi trên thị trường, trong đó bao gồm cả vàng nhập lậu. Vậy số vàng lậu đang được hợp thức hóa như thế nào trong bối cảnh thị trường vàng đang được quản lý chặt chẽ?

Được biết, các đối tượng mua vàng lậu sẽ nấu chảy thành vàng nguyên liệu, không để lại chút dấu vết nào, trở thành nguồn vàng nguyên liệu trôi nổi tuồn vào các xưởng chế tác, từ đó sẽ ra đời một sản phẩm vàng mới, có dấu vàng mới, “thoát xác” hoàn toàn khỏi mác vàng lậu.

Theo phân tích của Ban Chỉ đạo 389, nguyên nhân nạn buôn lậu vàng hoành hành là bởi chính sách quản lý vàng của thế giới khá thông thoáng với mức thuế, phí thấp. Đặc biệt, các quốc gia như Lào, Campuchia quy định về khai thác, quản lý, mua bán vàng khá thuận lợi, nguyên liệu vàng khai thác không được chế biến sâu nên giá thành rẻ hơn so với Việt Nam. Do đó, các đối tượng buôn lậu dễ dàng tiếp cận nguồn vàng và giao dịch.

Hậu quả của vàng “chìm”, theo Ban Chỉ đạo 389, còn làm thất thu ngân sách, tạo ra sự cạnh tranh không bình đẳng cho những DN làm ăn chân chính, gây vàng hóa nền kinh tế. Hơn thế, buôn lậu vàng còn tác động trực tiếp đến tỷ giá USD, gây áp lực lên thị trường ngoại tệ và tỷ giá chính thức, từ đó ảnh hưởng bất lợi tới việc điều hành chính sách tiền tệ, kiểm soát lạm phát, cũng như ổn định kinh tế vĩ mô.

Các chuyên gia và người dân đều đồng tình, nên tiếp tục kiểm tra toàn bộ các cửa hàng kinh doanh vàng trên phạm vi cả nước. Việc kiểm tra cần được tăng cường thường xuyên để quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Cơ quan chức năng đã có đề xuất bỏ cơ chế độc quyền sản xuất vàng miếng, cấp phép sản xuất vàng miếng cho các DN đủ điều kiện. “Do chúng ta không khuyến khích, không mở cửa, không liên thông với vàng quốc tế nên nó trở thành quý hiếm, bị đẩy giá lên rất cao" - luật sư Trương Thanh Đức, Trọng tài viên Hội đồng Khoa học pháp lý, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam cho biết.

Nhiều chuyên gia nhận định, nếu các cơ quan quản lý không sớm vào cuộc và có động thái can thiệp để kiềm chế đà tăng, ổn định thị trường thì giá vàng sẽ còn điên loạn. Trong lúc đang chờ sửa Nghị định 24/2002/NĐ-CP, cơ quan quản lý vẫn cần có động thái ổn định giá vàng đang rất nóng hiện nay.

 

Việc kiểm tra đối với các mặt hàng kim loại vàng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh từ nay đến hết năm 2024 trên cả nước, đặc biệt trong việc tăng cường quản lý chất lượng, góp phần bình ổn thị trường vàng.

Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ quản lý thị trường (Bộ Công Thương) Nguyễn Đức Lê