Siết quy chế tuyển sinh để chặn tiêu cực

Thủy Trúc – Chi Lê
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thực hiện Nghị quyết 29-NQ/TW (NQ29), ngành GD&ĐT đã chuyển dần từ mục tiêu giáo dục tăng cường kiến thức sang phát triển phẩm chất và năng lực người học, chất lượng giáo dục phổ thông ở một góc độ nào đó được đánh giá tiệm cận chuẩn thế giới. Tuy nhiên, rất cần có những thay đổi, điều chỉnh để sát với điều kiện thực tế của đất nước.

Rà soát thông tin của thí sinh tại điểm thi Đại học Công nghiệp Hà Nội trong kỳ thi THPT quốc gia 2018. Ảnh: Phạm Hùng
Nội dung đào tạo sát hơi thở cuộc sống
Ngày 18/9, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề “5 năm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo: Thành tựu và thách thức”.
PGS.TS Nguyễn Kim Sơn – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ, giáo dục phổ thông đã có sự chuyển biến rõ rệt, cụ thể như các chính sách được ban hành theo hướng đảm bảo chất lượng; chuẩn hóa đầu ra, tạo điều kiện môi trường dạy và học cho giáo viên và học sinh. Cùng với đó là sự chuyển đổi về xây dựng Chương trình phổ thông theo hướng phát triển năng lực, tích hợp ở bậc tiểu học, tự chọn và phân hóa ở bậc THPT và tích lũy theo tín chỉ…
Khi thực hiện NQ29, các địa phương gặp nhiều thuận lợi nhưng cũng có những khó khăn, trở ngại. Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An Nguyễn Thị Kim Chi, đối với giáo dục phổ thông, Bộ GD&ĐT đã có thay đổi lớn trong đánh giá, chuyển từ điểm số sang định kỳ, dẫn đến nhiều thay đổi về hình thức thi.
“Trước đây, các kỳ thi học sinh giỏi được tổ chức định kỳ ở cấp trường, sở thì nay là sân chơi trí tuệ. Học sinh hào hứng tham gia, tạo thành động lực chứ không phải vì áp lực thành tích” – bà Chi nói. Không chỉ thế, đối với giáo dục phổ thông, rèn luyện tư duy, định hình kỹ năng và phát triển được những năng lực, tố chất của học sinh. Trường phổ thông không chỉ truyền thụ kiến thức mà chương trình dạy bám sát hơi thở thực tế. Vì thế, khi ra trường học sinh sẽ không bị bỡ ngỡ.
Duy trì kỳ thi THPT quốc gia
Tại hội thảo, các nhà khoa học cũng chỉ ra những kết quả đáng ghi nhận đối với đổi mới kiểm tra đánh giá theo định hướng phát triển năng lực. Tuy nhiên, chương trình hiện hành vẫn đang nặng về kiến thức, còn một số tiêu cực trong quá trình triển khai kỳ thi THPT quốc gia.
PGS.TS Hoàng Minh Sơn – Hiệu trưởng trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, cần tập trung làm rõ kết quả và tác động của kỳ thi, đảm bảo độ tin cậy và trung thực, đánh giá đúng năng lực học sinh, cải tiến đề thi để làm cơ sở tuyển sinh cho các trường ĐH và CĐ. Đối với xét tuyển vào ĐH, ông Sơn đưa ra đề xuất cần có đánh giá về phẩm chất, bên cạnh năng lực.
Nhiều đại biểu đồng tình với việc tiếp tục duy trì kỳ thi THPT quốc gia những năm tới nhưng có điều chỉnh về kỹ thuật để tránh tiêu cực, gian lận thi cử. Theo PGS.TS Nguyễn Phương Nga – Giám đốc Trung tâm Kiểm định chất lượng giáo dục, Hiệp hội các trường ĐH, CĐ Việt Nam, đây không phải là kỳ thi tuyển chọn mà là đánh giá năng lực học sinh phổ thông một cách khách quan, công bằng.
“Chúng tôi kiến nghị quy chế tuyển sinh cần làm chặt hơn nữa, có quy định thưởng – phạt nghiêm minh. Đồng thời hoàn thiện hơn nữa phần mềm chấm thi, quản lý thi. Không nên chấm chéo mà phải có ma trận chấm thi phức tạp để tránh việc các tỉnh bắt tay nhau” – bà Nga nói.
Về lâu dài, cần có sự chuẩn bị về cơ sở vật chất, xây dựng thêm ngân hàng câu hỏi phong phú hơn, thi theo chuẩn năng lực chứ không phải theo sách giáo khoa. Thực hiện đổi mới căn bản toàn diện GD&ĐT, sẽ có nhiều kỳ thi diễn ra trong một năm.
Theo đó, thực hiện thí điểm trên máy tính từ 2021- 2023 trên tinh thần tự nguyện và năm 2024 – 2025 thi chuyên nghiệp, với 3 môn Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ. Cùng với 3 môn thi bắt buộc này, học sinh có thể chọn các môn thi khác khác để lấy điểm xét tuyển vào ĐH.