Siết trái phiếu chưa hợp thời điểm

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hiệp hội bất động sản (BĐS) TP Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có công văn gửi Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành kêu cứu cho DN trong lĩnh vực này. Nếu Dự thảo sửa đổi nghị định về phát hành trái phiếu riêng lẻ được thông qua, cửa gọi vốn qua kênh trái phiếu đóng lại, nhiều DN đứng trước nguy cơ phá sản.

Cửa vốn ngân hàng ngày càng hẹp
Lâu nay, tín dụng ngân hàng vẫn là cửa trông chờ lớn nhất của DN. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, kênh dẫn vốn này đang có nhiều biến động. Số liệu phân tích từ các ngân hàng niêm yết cho thấy, tỷ trọng cho vay ngắn hạn và dài hạn đang có xu hướng tăng lên; trong khi cho vay trung hạn (từ 1 - 5 năm) đang giảm dần.
Thay vào đó, trái phiếu trong 2 năm gần đây đã trở thành kênh huy động vốn cứu cánh cho DN trong bối cảnh kênh dẫn vốn là ngân hàng thu hẹp, thị trường chứng khoán đang ngày càng khó khăn do đó DN không thể phát hành cổ phiếu.
 Một dự án bất động sản tại TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Tiểu Thúy
Năm 2019, đã có hơn 210 DN phát hành trái phiếu với hơn 900 lượt phát hành, với tổng giá trị phát hành gần 297.000 tỷ đồng (tăng 32% so với năm 2018. Trong đó, DN BĐS phát hành 106.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 38%. Đà tăng trưởng này tiếp tục vào đầu năm 2020. Tổng giá trị phát hành trái phiếu DN tháng 1/2020 theo số liệu của Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội là 13.374 tỷ đồng, trong đó, DN BĐS đã phát hành 7.364 tỷ đồng, chiếm đến 55%. 
Cái lý để Hiệp hội BĐS TP Hồ Chí Minh kêu cứu cho DN là thủ tục đầu tư xây dựng các dự án nhà ở bị vướng mắc nên bị mất rất nhiều thời gian, dẫn đến DN bị đọng vốn trong nhiều năm (hầu hết dự án mất không dưới 5 năm mới được huy động đủ vốn). Trong đó, có các chi phí chính gồm chi phí giải phóng mặt bằng; ký quỹ từ 1 - 3% vốn đầu tư dự án; phải nộp tiền sử dụng đất trước khi được thi công; chi phí thi công các công trình của dự án mới đến thời điểm đủ điều kiện được huy động vốn...

Do tác động của dịch cúm Covid - 19, thị trường lại càng thêm khó khăn, bởi vậy Hiệp hội đề nghị không nên có quan điểm siết lại thị trường trái phiếu DN BĐS tại thời điểm này, mà chỉ nên tập trung xây dựng các quy định pháp luật nhằm tăng cường tính minh bạch của phương án phát hành trái phiếu; thẩm định, đánh giá tín nhiệm của DN phát hành trái phiếu; trách nhiệm giải trình của DN phát hành trái phiếu; tăng cường cơ chế giám sát, kiểm soát...
Cần thúc đẩy các nguồn lực đầu tư
Nhận định về tiềm năng của kênh huy động vốn này, các chuyên gia của Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương (TCBS) và Công ty Chứng khoán SSI đều cho rằng có triển vọng trong năm 2020. Lâu nay, huy động vốn của DN Việt Nam, đặc biệt là vốn trung dài hạn đang phụ thuộc lớn vào tín dụng ngân hàng, tăng trưởng tín dụng hàng năm thường ở mức cao (gần 20%/năm giai đoạn 2015 - 2017).
Tuy nhiên, NHNN gần đây đã kiểm soát tăng trưởng tín dụng và đến năm 2019 chỉ còn tăng ở mức 12,5%. Thêm vào đó, những chính sách mới như Thông tư 22 của NHNN điều chỉnh tăng hệ số rủi ro cho vay lĩnh vực BĐS từ 150% lên 200% và giảm dần tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn từ 40% xuống còn 30% từ sau 1/10/2022 sẽ định hướng các NHTM về đúng chức năng là kênh cung cấp vốn lưu động cho hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nếu như trước đây nhà đầu tư trái phiếu DN chủ yếu là các định chế tài chính trong và ngoài nước bao gồm nhóm 4 ngân hàng TMCP có vốn sở hữu nhà nước, ngân hàng chính sách, ngân hàng thương mại cổ phần, các ngân hàng nước ngoài và quỹ đầu tư nước ngoài. Trái phiếu thường được nắm giữ đến ngày đáo hạn, các giao dịch mua bán thứ cấp chỉ ở quy mô rất nhỏ nhằm cơ cấu lại danh mục đầu tư trước các kỳ báo cáo. Thì nay, theo TCBS, bên cạnh các tổ chức tín dụng, đã xuất hiện nhiều loại hình nhà đầu tư mới, năng động và tiềm năng gia nhập thị trường. Trong đó, các công ty bảo hiểm xuất hiện với tư cách là những nhà đầu tư chuyên nghiệp và giàu có. Tính đến hết 2018, tổng số tiền bảo hiểm tích lũy đầu tư vào nền kinh tế là hơn 324.000 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2017.
Do đặc thù kinh doanh nên các công ty bảo hiểm chủ yếu tập trung vào các sản phẩm an toàn như trái phiếu chính phủ hay tiền gửi ngân hàng. Tuy nhiên, để có thể tối ưu hóa danh mục đầu tư trong khi vẫn duy trì sự an toàn, nhiều công ty đang xem xét đa dạng hóa các sản phẩm đầu tư của mình, trong đó có trái phiếu DN trong bối cảnh trái phiếu chính phủ đang chững lại những năm gần đây.
Theo ước tính, tỷ trọng đầu tư vào trái phiếu DN khá khiêm tốn ở mức dưới 10% danh mục đầu tư của các công ty bảo hiểm tại Việt Nam. Nếu chính sách đầu tư và các quy định quản lý đầu tư được điều chỉnh thì đây sẽ là một nhóm khách hàng vô cùng tiềm năng.
Nhóm tiềm năng khác là các nhà đầu tư cá nhân. Người dân Việt Nam vẫn duy trì thói quen tiền gửi vào ngân hàng khi tìm kiếm lợi nhuận cố định và an toàn, hay đầu tư vàng hoặc bất động sản để bảo toàn giá trị, nhưng thói quen này đang dần thay đổi. Dữ liệu của TCBS cho thấy, đến cuối 2019, chỉ riêng giá trị trái phiếu DN phân phối cho nhà đầu tư cá nhân là khách hàng của TCBS đã lên đến hơn 84 nghìn tỷ đồng.
Tuy nhiên, con số trên còn rất khiêm tốn so với quy mô tổng tài sản của các nhà đầu tư. Bởi chỉ riêng số dư tiền gửi tiết kiệm tính đến cuối tháng 9/2019 là 4,8 triệu tỷ đồng theo NHNN. Gần đây sự xuất hiện của các quỹ đầu tư trái phiếu cũng góp phần kích hoạt giao dịch sôi động của thị trường.
Cung cầu đều có, bởi vậy điều quan trọng đối với cơ quan quản lý thị trường là có các chính sách đảm bảo sự minh bạch và phát triển lành mạnh, bền vững thay vì chặn đứng dòng chảy đang cần khơi thông.

"Một số DN đang đẩy mạnh gọi vốn trái phiếu như Vinfast, lãi suất chào bán 8,5%/năm; Hưng Thịnh Land lãi suất 10%/năm; Masan gọi vốn 1.000 tỷ đồng… Song không phải cứ lãi suất cao là nhà đầu tư kéo đến. Chẳng hạn trường hợp Công ty BĐS S.B chào bán 150 tỷ đồng trái phiếu 24 tháng có lãi suất 18%/năm, nhưng không có nhà đầu tư mua. " - Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP Hồ Chí Minh Lê Hoàng Châu