Sim đẹp vẫn giữ ngưỡng "trên trời" dù ế ẩm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - tất cả sim của nhà mạng, dù xấu hay đẹp, xuất kho đều đồng giá 65.000 đồng mỗi bộ kit. Việc giá sim lên tới bạc trăm, bạc triệu, thậm chí tiền tỷ là do người buôn, đại lý thét giá hoặc giá cả bị đội cao khi sim qua quá nhiều cầu trung gian.

Giá một chiếc sim đẹp vẫn ở mức bạc triệu dù rất ít khách hỏi mua. Người buôn sim không thể thanh lý với "giá gốc" bởi phải mua qua nhiều trung gian.

Nhận nhiệm vụ mới ở cơ quan, cần giao dịch, liên lạc thường xuyên với đối tác, chị Thanh, (Tô Hiệu, Hà Nội) tìm mua một chiếc sim đẹp, dễ nhớ. Song lượn qua các diễn đàn rao số, chị đều bất ngờ vì mức giá quá cao. Nhờ người bạn thân cũng kinh doanh sim đẹp dò tìm, những số mà chị Thanh muốn mua cũng không có giá dưới 5 triệu đồng.

"Tôi chẳng cần số tứ quý với lộc phát, chỉ loại nhàng nhàng dễ nhớ, không quá xấu là được. Vậy mà cứ đụng đến số nào, họ cũng thét giá gần 6 triệu, 7 triệu, thậm chí trên chục triệu đồng vì... là tam hoa, gánh đào, kép lặp...", chị Thanh nói.

Chị Thanh ngạc nhiên hơn khi hiện nay, chị nghe nhiều người nói sim số đẹp rất vắng khách mua, vậy mà mức giá vẫn giữ ngưỡng "trên trời". Bởi với mỗi sim tạm ưng ý, chị mặc cả người bán khoảng một triệu đồng nhưng đều không thành công.

Chị kể, với những số như 09xxx13579, chủ hiệu ra giá 5,5 triệu đồng hay 09xxx23888 giá 6 triệu đồng, chị chỉ cần người bán bớt xuống còn 4,5 triệu đồng thì sẽ cố để mua. Nhưng chủ kinh doanh đều từ chối. "Nhà mạng phát hành sim, giá đều chỉ 65.000 đồng, sao họ nói thách vậy nhỉ, đã không có khách mà cũng không chịu giảm giá", chị Thanh băn khoăn.

Thừa nhận thực tế trên, anh Nguyễn Anh Vũ, kinh doanh sim đẹp trên phố Nguyễn Thái Học, Hà Nội cho biết, lượng khách mua số VIP giảm khoảng 50% so với giữa năm ngoái nhưng không thể hạ giá quá rẻ. Anh giải thích, đúng là sim nhà mạng phát hành giá đều chỉ 65.000 đồng, thậm chí dân buôn có thể nhập với giá rẻ hơn. Nhưng rất ít sim trong lô hàng rao bán là "đời F1".

"Chúng đều được nhập qua tay người A, người B, có khi đến tay khách đã nhảy tới 10 cầu trung gian, buôn đi bán lại, mỗi lượt chỉ cần lãi 100.000 đồng, giá đã chênh bạc triệu, chưa kể yếu tố tâm lý, phong thủy nữa", anh Vũ giải thích.

Anh Nguyễn Văn Phi, chủ buôn sim trên phố Đại La, Hà Nội lại cho rằng, chính vì bán chậm nên giá sim càng không thể giảm. Bởi cứ mỗi tháng "nuôi" sim, anh mất từ 10.000 đồng đến 50.000 đồng tiền phát sinh cước hoặc phí thuê bao, để tránh bị thu hồi.

"Ai chẳng muốn buôn may bán đắt, nhưng có phải lúc nào cũng có khách đâu. Số đẹp lại ngày càng hiếm nên lúc nhập được là phải nhập ngay. Cung cầu không khớp, ế khách, hạ giá nhiều thì lỗ, dân buôn như tôi cũng méo mặt", anh Phi nói.

Theo anh, chỉ những người cần tiền gấp, lỡ vay tiền để buôn sim hoặc trước đó phóng giá quá bạo mới chấp nhận hạ giá mạnh để thu hồi vốn. Nhưng dù vậy, sim đẹp từ các đại lý cũng rất khó trở về giá sàn 65.000 đồng như các nhà mạng phát hành.

Trao đổi với PV, đại diện của VinaPhone khẳng định, tất cả sim của nhà mạng, dù xấu hay đẹp, xuất kho đều đồng giá 65.000 đồng mỗi bộ kit. Việc giá sim lên tới bạc trăm, bạc triệu, thậm chí tiền tỷ là do người buôn, đại lý thét giá hoặc giá cả bị đội cao khi sim qua quá nhiều cầu trung gian.

Ông cho biết thêm, việc người tiêu dùng phải mua qua các đại lý trung gian là một trong những nguyên nhân đẩy giá sim cao gấp nhiều lần so với giá trị thực. Theo đó, từ năm 2010, nhà mạng này đã triển khai chương trình chọn số điện tử cho khách hàng. Đến nay đã có khoảng 150.000 bộ kit xuất kho theo phương thức này.

"Bất kỳ thuê bao nào cũng có thể tham gia, chọn số trực tiếp, bất kỳ với giá gốc là 65.000 đồng", ông nói. Nếu sau 24h, khách hàng không ra điểm giao dịch đăng ký và kích hoạt, sim đó sẽ được trả lại kho số của nhà mạng.

Vị đại diện của VinaPhone thông tin, ngoài việc giúp khách hàng tiếp cận sim đẹp với giá gốc, chương trình đấu số trực tiếp còn nhằm ngăn chặn tình trạng đầu cơ, găm hàng của đại lý kinh doanh. "Sim đã ra khỏi kho số rồi sang nhượng thì đúng là khó can thiệp. Nhưng ít nhất, khách đấu số điện tử phải trực tiếp mang chứng minh thư ra điểm giao dịch hòa mạng. Điều này hạn chế phần nào tình trạng sim ảo, thông tin khống, giả mạo", vị đại diện cho hay.

Hiện, các doanh nghiệp viễn thông lớn như MobiFone, VinaPhone, Viettel đều triển khai hàng loạt biện pháp để bảo vệ kho số và giúp người tiêu dùng mua sim đẹp giá gốc. Đó là ban hành quy định về hạn sử dụng của sim, thẻ cào; chặn và thu hồi sim không phát sinh cước, sim thông tin khống theo quy định của Bộ thông tin và Truyền thông...