Slovakia báo tin vui về đường ống vận chuyển khí đốt Nga duy nhất sang EU

Nguyễn Phương
Chia sẻ Zalo

Kinntedothi - Thủ tướng Slovakia cho biết, Ukraine có khả năng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt Nga sang châu Âu vào cuối năm 2024, trước thời điểm thỏa thuận hiện tại hết hạn.

Ukraine sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu sau thời điểm năm 2024. Ảnh: RT
Ukraine sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu sau thời điểm năm 2024. Ảnh: RT

Ngày 25/1, thông báo trên trang mạng xã hội sau cuộc gặp với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal trước đó một ngày ở Uzhhorod (Ukraine), Thủ tướng Slovakia Robert Fico nói rằng việc gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt hiện tại sẽ có lợi cho cả Bratislava và Kiev, cũng như một số quốc gia EU khác vẫn phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

“Ukraine sẵn sàng gia hạn thỏa thuận trung chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu sau thời điểm năm 2024. Thỏa thuận về việc có thể tiếp tục vận chuyển khí đốt của Nga qua Ukraine là một thông tin tuyệt vời. Điều đó có nghĩa là Slovakia cũng sẽ có thể tiếp tục vận chuyển lượng khí đốt này, qua đó cũng mang lại lợi ích cho Áo và Italia. Tôi tin rằng chúng ta sẽ sớm hoàn tất các chi tiết của thỏa thuận" – đài RT dẫn chia sẻ của Thủ tướng  Fico.

Hợp đồng vận chuyển khí đốt 5 năm hiện tại giữa Nga và Ukraine do EU làm trung gian đã được ký vào năm 2019, chỉ 24 giờ khi thỏa thuận trước đó hết hạn.

Theo thỏa thuận, tập đoàn năng lượng quốc gia Gazprom của Nga đã đồng ý vận chuyển 65 tỷ mét khối khí đốt qua Ukraine vào năm 2020 và 40 tỷ mét khối khí đốt hàng năm từ năm 2021 đến năm 2024.

Tuy nhiên, khối lượng vận chuyển khí đốt trên thực tế thấp hơn nhiều. Nguyên nhân là do Ukraine đóng cửa trạm bơm chính Sokhranovka vào tháng 5/2022. Kiev đã đóng cửa cơ sở xử lý khoảng 1/3 lượng khí đốt Nga chảy qua nước này tới EU với lý do “có sự can thiệp của lực lượng chiếm đóng”.

Thỏa thuận trung chuyển khí đốt giữa Moscow và Kiev có hiệu lực đến cuối năm 2024. Trước đó, hồi tháng 9/2023, Nga và Ukraine đã không thành công trong việc đạt một thỏa thuận trung chuyển khí đốt mới tới châu Âu. Tuy nhiên, hai bên cho biết các cuộc đối thoại diễn ra tích cực và sẽ có cuộc gặp tiếp theo để tìm kiếm sự đồng thuận trước khi thỏa thuận hiện nay hết hạn.