Sơ cứu người bị bỏng hô hấp

Nam Trần
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Vụ cháy tại Carina Plaza (quận 8, TP Hồ Chí Minh) khiến 13 người tử vong, hơn 90 người phải vào viện cấp cứu. Trong 13 ca tử vong, hầu hết là do ngạt khói độc. Theo các chuyên gia y tế, trong các vụ cháy đa phần nạn nhân chết vì ngạt khí trước khi chết vì nhiệt.

 Điều trị cho nạn nhân bị bỏng đường hô hấp do ngạt khói trong vụ cháy chung cư Carina Plaza.
Sơ cứu đúng cách, kịp thời
Theo bác sĩ Nguyễn Thống – nguyên Trưởng khoa Bỏng, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, bỏng đường hô hấp là loại bỏng đặc biệt do tác nhân gây tổn thương đường hô hấp.
Trong các vụ cháy, nạn nhân rất dễ bị ngộ độc bởi khói độc tạo ra trong đám cháy. Có thể phân ra ba mức độ bỏng đường hô hấp. Mức độ bỏng nhẹ: Giọng nói bình thường, rối loạn hô hấp nhẹ, không có tím tái, ít bị biến chứng phế viêm hoặc nếu có cũng diễn biến không nặng và khỏi. Bỏng vừa: Giọng nói khàn, rối loạn hô hấp nặng, tím tái, nghe phổi có tiếng thở thô, có ran rít, ran khô; thường có biến chứng viêm phổi với diễn biến khá nặng; suy hô hấp và suy tim độ I, II. Bỏng nặng: Giọng nói khàn nặng, khó thở nặng, có thể tắc thở, tím tái, tĩnh mạch cổ nổi, ho khàn hoặc có đờm đặc, suy hô hấp và suy tim cấp nặng; khí phế thũng, xẹp phân thùy phổi, hoại tử; giai đoạn cuối thường gặp phù phổi cấp dễ dẫn đến tử vong.

Bác sĩ Thống khuyến cáo, với tất cả những trường hợp bỏng hô hấp, việc sơ cứu kịp thời là một kỹ thuật vô cùng quan trọng góp phần cứu sống nạn nhân. Theo đó, ngay lập tức đưa nạn nhân ra khỏi khu vực khói và nhiệt, nhanh chóng mở cửa, bật quạt để khói tản ra, đảm bảo nạn nhân ở khu vực thoáng khí, an toàn.
Nếu nạn nhân còn tỉnh, đảm bảo đường hô hấp được lưu thông, lấy bỏ dị vật trong khoang miệng (nếu có). Nếu nạn nhân bị nôn thì tránh đặt nạn nhân nằm thẳng mà phải cho nằm nghiêng đầu sang một bên để tránh chất nôn sặc vào đường hô hấp. Dùng khăn mùi xoa hay vải mỏng lót tay móc hết đờm dãi, dị vật, khai thông đường thở cho nạn nhân. Nếu nạn nhân bị ngừng thở, ngừng tim phải tiến hành ngay việc hà hơi thổi ngạt, hô hấp nhân tạo, xoa bóp tim ngoài lồng ngực.

Tại bệnh viện, bệnh nhân sẽ được hút loại bỏ hết dị vật, dịch tiết ở mũi miệng, đường thở. Ngay sau đó, bệnh nhân thở oxy, thông khí nhân tạo là một biện pháp bắt buộc trong điều trị bỏng hô hấp. Theo dõi chặt chẽ và đặt ống nội khí quản và mở khí quản sớm khi bệnh nhân có dấu hiệu khó thở. Phòng tránh nhiễm khuẩn bằng kháng sinh theo kháng sinh đồ. Khi đã ổn định, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn tập thở hàng ngày, vỗ rung, tập vận động sớm để phục hồi.

Kỹ năng thoát khỏi đám cháy

Theo các chuyên gia phòng cháy chữa cháy, khi phát hiện có hỏa hoạn xảy ra, cần đóng các cửa trên đường lan truyền để tránh lửa lan rộng ra. Tuyệt đối không không sử dụng thang máy, vì hệ thống cấp điện cho thang máy có thể bị ảnh hưởng do cháy nổ. Do đó, dùng cầu thang bộ để thoát hiểm. Cúi thấp người khi di chuyển nhằm hạn chế tối đa lượng khói bị hít vào cơ thể.
Để tránh bị bỏng nặng hoặc ngạt khí khi hỏa hoạn xảy ra, mọi người nên tìm khăn hoặc chăn dày nhúng nước che kín miệng và mũi, sẽ giúp lọc khí. Khi tóc hoặc quần áo bén lửa, nằm ngay xuống đất và lăn qua lăn lại, không nên chạy vì chạy có thể làm ngọn lửa bùng lên. Khi mở bất kỳ cánh cửa nào để thoát hiểm, nên kiểm tra liệu cánh cửa đó có nóng không bằng mu bàn tay.
Không mở cửa nếu thấy cửa ấm và nóng vì phía sau cánh cửa lửa đang bùng lên. Nếu bị mắc kẹt trong đám cháy, hãy làm mọi cách để thu hút sự chú ý của nhân viên cứu hỏa như la lớn, vẫy tay, vỗ tay, dùng đèn pin, điện thoại bật đèn phát sáng. Lấy chăn, khăn hoặc bất cứ thứ gì tìm thấy để chặn ở cửa giúp ngăn lửa và khói vào phòng.

Khi có hỏa hoạn xảy ra, một trong những nguyên nhân gây tử vong nhiều đó là mất bình tĩnh dẫn đến không xử lý đươc tình huống. Vì vậy điều quan trọng là phải thật bình tĩnh và thực hiện các biện pháp thoát hiểm ngay lập tức.