Sở Giáo dục Hà Nội tổ chức khai bút đầu Xuân

Trung Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 20/2 (mùng 5 Tết Mậu Tuất), ngành GD&ĐT Hà Nội phối hợp UBND huyện Thanh Trì tổ chức trọng thể Lễ Khai bút - Xuân Mậu Tuất 2018 tại Đình thờ Tiên triết Chu Văn An, xã Thanh Liệt, huyện Thanh Trì (Hà Nội).rn

 Tục lệ khai bút đầu năm có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng.
Tới dự có Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc; Phó chủ tịch UBND TP Ngô Văn Quý.
Tục lệ khai bút đầu năm có một ý nghĩa vô cùng thiêng liêng, đó là để nhắc nhở con cháu nhớ về cội nguồn, giáo dục lòng yêu nước, đạo làm người, khơi dậy niềm đam mê học tập, tìm tòi, sáng tạo. Lễ khai bút đầu Xuân là việc làm thiết thực của ngành GD&ĐT Thủ đô nhằm thực hiện truyền thống, đạo lý uống nước nhớ nguồn, tôn sư trọng đạo của dân tộc, đồng thời bày tỏ tấm lòng thành kính đối với ân đức của các bậc thánh nhân đã có nhiều đóng góp cho nền giáo dục nước nhà...
 Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng phát biểu tại buổi lễ.
Bộ chữ Khai bút đầu Xuân Mậu Tuất 2018 với thông điệp về việc học tập, gồm 5 câu thành ngữ, tục ngữ: Học ăn, học nói, học gói, học mở. Học để làm người. Học đi đôi với hành. Học một biết mười. Học, học nữa, học mãi.
Tại buổi lễ, sau khi báo cáo những cố gắng mà toàn Ngành đã đạt được trong nửa đầu năm học 2017 – 2018, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Chử Xuân Dũng nhấn mạnh, khai bút có ý nghĩa đề cao sự học, vì thế những nét bút đầu tiên của năm mới cũng là sự tượng trưng cho khởi đầu một sự nghiệp, sự học, sự viết trong năm mới và hơn hết, gửi gắm trong những nét chữ đầu Xuân ấy còn là ước nguyện chung về một năm thi cử đỗ đạt, học hành tấn tới, sự nghiệp như ý. “Những nét chữ đầu tiên của năm mới luôn hướng con người đến với cái Đẹp, cái Thiện, gửi gắm trong đó những hy vọng, mong muốn về những điều hạnh phúc, thành đạt, sự may mắn… Đồng thời, đây cũng là sự thể hiện sự hiếu học, tôn trọng chữ nghĩa” – ông Dũng khẳng định.