Sổ hộ khẩu hết thời

Đông Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ra đời từ đầu những năm 60 của thế kỷ trước, sổ hộ khẩu đóng vai trò quản lý dân cư gắn liền với người dân Việt Nam.

Trước chủ trương phát triển chính quyền điện tử các cấp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký nghị quyết bãi bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu.
Xóa bỏ sổ hộ khẩu

Ngày 30/10, trên cơ sở đề xuất của Bộ Công an, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ký Nghị quyết số 112/NQ-CP về đơn giản hóa thủ tục hành chính (TTHC) giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư. Nghị quyết bãi bỏ hình thức quản lý dân cư đăng ký thường trú bằng sổ hộ khẩu và thay thế bằng hình thức quản lý thông qua mã số định danh cá nhân trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư quy định tại Luật Cư trú. Thay thế bản khai, thay đổi nhân khẩu bằng biểu mẫu mới. Đồng thời, các loại giấy tờ về chuyển hộ khẩu, chứng minh mối quan hệ gia đình, giấy khai sinh đối với trẻ em đăng ký thường trú cũng sẽ được bãi bỏ. Việc quản lý tạm trú cũng sẽ không còn sổ tạm trú. Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, các thủ tục như tách sổ, cấp đổi sổ hộ khẩu, cấp đổi sổ tạm trú, gia hạn tạm trú… cũng được bãi bỏ.

Học sinh THPT tại huyện Thanh Trì khai thông tin trong sổ hộ khẩu khi làm hồ sơ cấp thẻ căn cước công dân. Ảnh: Công Hùng

Cùng với việc bỏ sổ hộ khẩu, Chính phủ cũng thông qua việc bãi bỏ các thủ tục cấp mới, cấp đổi và cấp lại giấy chứng minh nhân dân (CMTND - 9 số) đang được thực hiện tại công an cấp tỉnh, huyện. Ngoài ra, nghị quyết đã lược bỏ việc phải xuất trình, đối chiếu sổ hộ khẩu trong một số TTHC khác như: Bỏ yêu cầu xuất trình CMTND đối với người đến làm thủ tục đăng ký xe; quá trình đăng ký, cấp biển số xe sẽ không yêu cầu xuất trình sổ hộ khẩu; không yêu cầu giấy tờ ủy quyền đối với thân nhân trong cùng một gia đình trong hộ khẩu. Một số nhóm TTHC lĩnh vực quản lý xuất nhập cảnh; quản lý ngành nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự đã lược bỏ thông tin trong tờ khai và thay thế số CMTND bằng số định danh cá nhân…

Chính phủ giao Bộ Công an chủ trì, phối hợp cùng các bộ ngành liên quan sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ các thủ tục hành chính. Từ đó, ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành phù hợp với thời điểm vận hành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Quản lý bằng số định danh cá nhân

Để thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 112/NQ-CP, 2 dữ liệu điện tử tối quan trọng đã được triển khai thời gian qua, đó là mã số định danh cá nhân và hoàn thành Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Mã định danh cá nhân là một dãy gồm 12 số tự nhiên, do Bộ Công an quản lý thống nhất trên toàn quốc và không cấp trùng, sẽ giúp công dân thuận tiện khi giải quyết các TTHC, giao dịch dân sự. Hiện tại, việc cấp mã số định danh cá nhân đang được Bộ Công an và Bộ Tư pháp song song tiến hành. Theo đó, Bộ Công an thông qua cấp thẻ căn cước, CMTND (12 số) sẽ ghi nhận, nhập thông tin định danh cá nhân cho công dân từ 14 tuổi trở lên. Thông qua phần mềm Hộ tịch điện tử toàn quốc, Bộ Tư pháp tiến hành việc đăng kí khai sinh, cấp mã số định danh cá nhân cho trẻ em ngay khi chào đời. Các dữ liệu từ Bộ công an, Bộ Tư pháp đều được kết nối với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Cơ quan quản lý Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dựa trên tập hợp thông tin cơ bản về công dân Việt Nam sẽ cung cấp chính xác, kịp thời thông tin cơ bản về dân cư phục vụ công tác quản lý nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và yêu cầu chính đáng của công dân.

Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát đăng ký quản lý cư trú và dữ liệu quốc gia về dân cư (C72, Bộ Công an) Thượng tá Trần Hồng Phú cho biết, chậm nhất vào đầu năm 2019, dự án Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư sẽ đi vào vận hành. Việc thu thập thông tin về công dân không chờ đến khi có dữ liệu đầy đủ của Thẻ căn cước công dân, cơ sở dữ liệu hộ tịch của Bộ Tư pháp mà sẽ thực hiện trước thông qua các nguồn như: Tàng thư căn cước của Bộ Công an, bảo hiểm xã hội, tổ chức phát phiếu cho người dân cùng khai. Sau khi có đủ thông tin, Bộ Công an sẽ đồng loạt nhập dữ liệu. Khi đó, công dân đến các cơ quan Nhà nước để giải quyết TTHC chỉ cần đưa ra 3 thông tin cơ bản, gồm: Họ, tên; mã số định danh cá nhân và chỗ ở.

Đối với việc cắt, giảm TTHC liên quan đến trách nhiệm của Bộ Tư pháp, Chánh Văn phòng Bộ Tư pháp Đỗ Đức Hiển cũng nêu rõ: Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành nghị quyết về việc đơn giản hóa TTHC, giấy tờ công dân liên quan đến quản lý dân cư thuộc phạm vi chức năng quản lý Nhà nước của Bộ Tư pháp, trong đó có Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư. Khi đó Bộ Tư pháp sẽ kết nối và tiếp tục đề xuất việc cắt giảm các giấy tờ liên quan đến dân cư…

Bỏ sổ hộ khẩu đã xóa đi phiền phức khá lớn cho những trường hợp ngoại tỉnh sinh sống tại Hà Nội. Đơn cử, dù họ thực tế đang sinh sống dài hạn, mua nhà ở tại Hà Nội nhưng làm việc chưa có hợp đồng không xác định thời hạn thì chưa thể có sổ hộ khẩu thường trú. Kéo theo đó là việc con cái xin học tại các trường công lập, giao dịch dân sự bị ảnh hưởng, thậm chí có thể sinh ra tiêu cực trong thủ tục hành chính… Trước chủ trương hoàn thiện Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, công dân cần nhận thức rõ, khai báo chính xác thông tin. Đây là trách nhiệm, đồng thời chính là lợi ích của công dân khi thụ hưởng những chính sách đơn giản TTHC.

Luật sư Phạm Đức Thảo Đoàn luật sư TP Hà Nội

Chính phủ có chủ trương xóa bỏ quản lý dân cư bằng sổ hộ khẩu là một quyết sách lớn, hợp lòng dân. Tiện ích việc xóa bỏ sổ hộ khẩu giảm thiểu thời gian, chi phí, phiền hà trong TTHC cho người dân là điều hiển nhiên. Hiện tại, người dân rất mong Bộ Công an và các ngành liên quan sớm triển khai, trước mắt là tại các TP lớn.

Ông Đặng Ngọc Thịnh

Tổ trưởng dân phố số 30, cụm 5, phường Văn Chương, quận Đống Đa