Sở hữu trí tuệ và những điều cần biết

PV
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Câu chuyện hãng A "vô tư" sử dụng hình ảnh thương hiệu của hãng B không còn là câu chuyện ngoài vỉa hè quán nước. Mỗi hành động xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ đều có nguy cơ đưa nhau ra tòa để giải quyết. Thậm chí, việc vi phạm còn bị truy tố trách nhiệm hình sự trong một số trường hợp. Đó cũng là lý do để "sở hữu trí tuệ" ra đời...

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Quyền sở hữu trí tuệ là gì?

Sở hữu trí tuệ hay còn gọi là tài sản trí tuệ, là những sản phẩm được cấu thành do trí tuệ của con người. Tài sản trí tuệ ở đây có thể là các sáng chế, tác phẩm nghệ thuật, các thiết kế, biểu tượng, tên gọi, hình ảnh được sử dụng trong thương mại,... tài sản trí tuệ là một tài sản vô hình, được pháp luật thừa nhận và bảo vệ.

Người tạo ra tài sản trí tuệ có quyền được ghi nhận và hưởng lợi ích từ sản phẩm do chính mình tạo ra. Nói cách khác, quyền sở hữu trí tuệ là kết quả của quá trình sáng tạo, đầu tư trí tuệ, công sức, tiền bạc của cá nhân, tổ chức. Hoạt động sáng tạo trí tuệ mong muốn đạt được những lợi ích nhất định bằng việc bảo hộ tài sản trí tuệ sẽ khuyến khích và hỗ trợ phát triển sản phẩm, ngành nghề kinh doanh. Quản lý tốt vấn đề sở hữu trí tuệ là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp, quan trọng quá trình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, cá nhân.

Thuật ngữ "sở hữu trí tuệ" được dùng để chỉ các loại quyền tài sản bắt nguồn từ những thành quả sáng tạo trí tuệ của con người. Điều thú vị là thuật ngữ "sở hữu trí tuệ" trong Công ước Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO) chưa có được một định nghĩa chính thức. Các quốc gia thành viên soạn thảo Công ước này lựa chọn cách đưa ra một danh mục mang tính liệt kê các quyền liên quan đến: "Các tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học; chương trình biểu diễn của các nghệ sĩ biểu diễn, các bản ghi âm và các chương trình phát thanh truyền hình; các sáng chế trong tất cả các lĩnh vực hoạt động của con người, các phát minh khoa học; kiểu dáng công nghiệp; nhãn hiệu hàng hóa, nhãn hiệu dịch vụ, các chỉ dẫn và tên thương mại; bảo hộ chống cạnh tranh không lành mạnh,...... (Công ước Thành lập Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới được ký tại Stockholm vào ngày 14 tháng 7 năm 1967, Điều 2 khoản viii).

Quyền sở hữu trí tuệ

Thứ nhất là quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký.

Thứ hai là quyền liên quan đến quyền tác giả là quyền của tổ chức cá nhân đối với cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa. Quyền liên quan phát sinh kể từ khi cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng, tín hiệu vệ tinh mang chương trình được mã hóa được định hình hoặc thực hiện mà không gây phương hại đến quyền tác giả.

Thứ ba là quyền sở hữu công nghiệp. Quyền sở hữu công nghiệp bao gồm sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn, bí mật kinh doanh, nhãn hiệu, tên thương mại, chỉ dẫn địa lý và quyền chông cạnh tranh không lành mạnh.

Thứ tư là quyền đối với giống cây trồng. Quyền đối với giống cây trồng được xác lập trên cơ sở quyết định cấp Bằng bảo hộ giống cây trồng của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký quy định.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet.

Giá trị của việc bảo hộ sở hữu trí tuệ

Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nhằm tạo dựng môi trường cạnh tranh lành mạnh. Thật bất công nếu một người bỏ vốn đầu tư, nghiên cứu tạo ra các sản phẩm mới cũng như đầu tư cho quảng cáo, khuyến mại để người tiêu dùng các sản phẩm mới cũng như đầu tư cho quảng cáo, khuyến mại để tiêu dùng biết và mua sản phẩm trong khi một người khác không phải tốn kém vẫn bán được hàng do nhái sản phẩm của người khác.

Đây chính là chức năng tạo dựng và bảo đảm môi trường cạnh tranh lành mạnh của cơ chế bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ nói chung cũng như bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp nói riêng. Bằng cơ chế bảo hộ độc quyền, pháp luật sở hữu trí tuệ chống mọi hành vi sử dụng các dấu hiệu trùng hoặc tương tự với nhãn hiệu đang được bảo hộ cũng như những hành vi bộc lô, sử dụng trái phép thông tin bí mật được bảo hộ từ đó tạo dựng và bảo vệ được môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa quan trọng đối với không chỉ chủ thể quyền sở hữu trí tuệ, chủ thể sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng mà còn liên quan đến sự phát triển của quốc gia.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ khuyến khích sự sáng tạo, thúc đẩy những nỗ lực, cống hiến của các cá nhân vào hoạt động nghiên cứu khoa học, cải tiến kỹ thuật, tạo ra những sản phẩm vật chất và tinh thần cho xã hội. Bên cạnh đó, nó cũng góp phần giảm thiểu tổn thất cho các nhà sản xuất, kinh doanh và thúc đẩy họ phát triển sản xuất, kinh doanh hợp pháp.

Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ hiệu quả giúp cho người tiêu dùng có cơ hội lựa chọn và được sử dụng các hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao, đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với quốc gia, sở hữu trí tuệ đã được khẳng định là "một công cụ đắc lực để phát triển kinh tế", là động lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là chỉ số đánh giá sư phát triển của công nghệ, thu hút chuyển giao công nghệ và đầu tư nước ngoài. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế hiện nay, với sự luân chuyển mạnh mẽ, liên tục của các tài sản hữu hình cũng như tài sản vô hình giữa các quốc gia, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần bảo vệ lợi ích quốc gia. Bên cạnh đó, bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ còn góp phần thúc đẩy hoạt động thương mại lành mạnh trên phạm vi toàn cầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần