Sổ tay kinh tế: Lợi chưa thấy, chỉ thấy lo

Hữu Lân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khi đề xuất tăng thuế giá trị gia tăng (VAT) từ mức 10% lên mức 12% và có thể lên 14%, Bộ Tài chính đưa ra rất nhiều lý do để thuyết phục.

Đơn cử như theo tính toán của Bộ này, mức tăng có thể khiến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng thêm 0,06 - 0,39%, đồng thời tác động không lớn đến chi tiêu của hộ gia đình có thu nhập thấp, tới DN. Tăng VAT cũng đồng nghĩa giảm bớt một phần khó khăn cho ngân sách khi có thêm khoảng 70.000 tỷ đồng. Cùng với đó là sự so sánh, thuế suất VAT ở Việt Nam đang thấp so với nhiều nước trên thế giới, có nước lên tới 20%, 25%...

Tính chất của VAT là thuế gián thu, tức là người tiêu dùng cuối cùng sẽ nộp thuế này. Như vậy, DN, nhà phân phối chỉ là thu hộ. Bên cạnh đó, VAT có tính “lũy thoái” so với thu nhập, thuế đánh vào hàng hóa, dịch vụ và người tiêu dùng - không phân biệt thu nhập cao hay thấp, đều phải trả số thuế như nhau. Điều đó có nghĩa, việc Bộ Tài chính cho rằng VAT không ảnh hưởng đến hoạt động DN không hoàn toàn thuyết phục, bởi theo dự báo phần lớn người tiêu dùng vẫn thuộc phân khúc thu nhập thấp đến năm 2030. Do đó, việc tăng VAT có thể khiến chi tiêu dùng yếu đi. Điều này sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến DN. Kịch bản đơn giản nhất mà ai cũng sẽ nghĩ đến, đó là do thuế tăng, người tiêu dùng giảm chi tiêu, sức mua của xã hội giảm xuống, đồng nghĩa với việc hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN cũng khó tránh khỏi khó khăn. Đó là chưa kể theo nghiên cứu gần đây nhất, việc tăng VAT sẽ khiến quy mô của nền kinh tế phi chính thức ở Việt Nam tăng lên. Theo nghiên cứu gần đây nhất, nền kinh tế ngầm của Việt Nam chiếm trung bình khoảng 15,1% GDP trong giai đoạn 1991 - 2015. Nếu nền kinh tế phi chính thức phát triển, thì tăng trưởng GDP cũng sẽ bị ảnh hưởng.

Ngân sách đang gặp nhiều khó khăn. Các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thu để đáp ứng các yêu cầu phát triển là cần thiết. Tuy nhiên, có thể thấy đề xuất tăng thuế trong bối cảnh hiện nay gặp phải những ý kiến trái chiều là điều dễ hiểu. Nó đi ngược lại với quyết tâm lâu nay của Chính phủ trong việc giảm chi phí, giảm phiền hà, tạo mọi điều kiện cho DN phát triển. Trong khi để giảm gánh nặng nợ công và thâm hụt ngân sách, điều cần nhất và cấp thiết hiện nay không phải là tận thu ngân sách, chỉ mang tính trước mắt, mà cần những giải pháp căn cơ, lâu dài hơn, trong đó tập trung vào tiết giảm và tăng hiệu quả chi tiêu.