[Sổ tay kinh tế] Nâng tầm doanh nghiệp Việt

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tối 20/12, Hội đồng Thương hiệu Quốc gia đã trao chứng nhận "Thương hiệu quốc gia" cho 97 DN ở nhiều lĩnh vực khác nhau, trong đó có những tên tuổi lớn như Công ty CP Sữa Việt Nam (Vinamilk); Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank); Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines); Công ty CP Ô tô Trường Hải (Thaco)…

"Thương hiệu Quốc gia" đã được tổ chức 6 kỳ, định kỳ 2 năm một lần từ năm 2008 đến nay, với số DN có sản phẩm, dịch vụ được công nhận liên tục tăng lên: 30 DN (2008), 43 DN (năm 2010), 54 DN (năm 2012), 63 DN (năm 2014) 88 DN (năm 2016) và 97 DN (2018). Để được công nhận, DN phải trải qua một quá trình xét chọn rất nghiêm ngặt. Bộ tiêu chí mà “Thương hiệu Quốc gia” đặt ra cho các sản phẩm, dịch vụ bao gồm: Chiếm tỷ trọng lớn trên thị trường nội địa và trong kim ngạch xuất khẩu, quy trình sản xuất và quản trị kinh doanh hiện đại, đáp ứng các yêu cầu, quy định của các cơ quan chức năng có thẩm quyền trong từng thời kỳ; được sản xuất và cung ứng bằng công nghệ tiên tiến, thân thiện môi trường, sử dụng nguyên vật liệu trong nước; thương hiệu sản phẩm được đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam.

Giải "Thương hiệu Quốc gia" không chỉ có ý nghĩa rất lớn đối với DN mà còn khẳng định, thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế là có triển vọng, nhất là năm 2019 và những năm tới đây, bên cạnh thời cơ, vận hội do tình hình thế giới và trong nước đem lại thì khó khăn, thách thức còn nhiều.

Vì vậy, rất dễ hiểu khi ngay trước thềm lễ công bố các sản phẩm "Thương hiệu quốc gia 2018", Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gặp mặt các DN được giải. Thủ tướng khẳng định: Sức khỏe của DN chính là sức mạnh của nền kinh tế. Và thương hiệu chính là nhiệt kế, là thước đo quan trọng hàng đầu cho sức khỏe của DN. Thủ tướng nhắn nhủ, phải coi trọng thị trường trong nước với gần 100 triệu dân trong điều kiện sức tiêu dùng ngày càng tăng. Đồng thời mở rộng thị trường khu vực và thế giới.

Các DN đều khẳng định quyết tâm giữ gìn thương hiệu, đưa các sản phẩm “Made in Việt Nam” vươn xa và mong muốn có sự quan tâm, hỗ trợ của Chính phủ. Đáp lại, Chính phủ khẳng định sẽ tiếp tục hoàn thiện thể chế, đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, đẩy mạnh cải cách hành chính đặc biệt là thủ tục hành chính, tạo môi trường để huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển, tạo các điều kiện thuận lợi cho DN phát triển sản xuất, kinh doanh.

Việc xây dựng chiến lược phát triển hình ảnh "Thương hiệu Quốc gia" sẽ là bệ phóng giúp DN Việt vững bước phát triển trong thời kỳ hội nhập. Tin rằng, sẽ có nhiều hơn nữa các DN được xướng tên với những thương hiệu hàng hóa, dịch vụ Việt Nam đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, ngang hàng với các nước trong khu vực và thế giới.