Sổ tay kinh tế: Thiệt đơn, thiệt kép

Ngọc Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Khâu bán lẻ đang ăn quá nhiều lợi nhuận của người sản xuất như phí đầu kệ, phí gầm bàn, chiết khấu…, vì vậy việc các siêu thị lớn phải nối phần mềm bán hàng thường xuyên với cơ quan thuế để kiểm soát doanh thu là rất cần thiết.

Để chứng minh việc nhiều siêu thị không xuất hóa đơn đang làm ảnh hưởng không nhỏ tới thu ngân sách, các ngành sản xuất trong nước cũng như quyền lợi của người tiêu dùng không khó. Đơn cử dễ thấy nhất là những hóa đơn do các siêu thị in ra xuất cho khách hàng là không có giá trị pháp lý, bởi chỉ có hóa đơn giá trị gia tăng VAT do ngành thuế phát hành mới có giá trị pháp lý. Đó là thuế gián thu, siêu thị thu hộ Nhà nước qua người tiêu dùng với mức 10%/từng nhóm hàng. Như vậy, khi không xuất hóa đơn cho khách hàng, siêu thị "ăn" hai đầu: VAT thu của người tiêu dùng mà họ không nộp cho Nhà nước; Không thể hiện rõ mức lợi nhuận của từng siêu thị, điều này đồng nghĩa với việc thuế thu nhập DN thu được sẽ giảm so với thực tế.
Không chỉ có vậy, hàng hóa tại Việt Nam phải trải qua nhiều khâu trung gian và lợi nhuận bị khâu bán lẻ hưởng một cách quá mức. Người sản xuất trong nước thường bị thiệt thòi, ép cấp, ép giá; người tiêu dùng phải sử dụng hàng hóa với giá cao vô lý... Phó Tổng Giám đốc Công ty Sữa Hà Nội (Hà Nội Milk) Đặng Anh Tuấn từng đề cập đến khó khăn khi đưa hàng vào hệ thống siêu thị. Nhiều siêu thị đã gây khó khăn cho Hà Nội Milk, trong khi bán hàng thông qua các hộ tiểu thương dễ dàng hơn rất nhiều. Thực tế này cũng xảy ra với rất nhiều nhà cung cấp khác đang bị một số siêu thị lấy thế mạnh của mình ép về mọi mặt như doanh số, quy mô kinh doanh và nhất là những chi phí vô lý. Một minh chứng nữa cho thấy, từ tháng 5 - 6/2017, trong khi giá thịt lợn hơi của người chăn nuôi xuống dưới 50% thì giá thịt lợn tại một số siêu thị vẫn khoảng 100.000 đồng/kg. Có đại biểu Quốc hội đã nhận xét, không thể chấp nhận điều phi lý đó, hoặc tại sao giá thịt lợn hơi tại chợ và siêu thị lại cao gấp 3 - 4 lần giá của bà con nông dân bán ra trên thị trường, hiện tượng này có phải thao túng giá không? Việc chứng minh không ít siêu thị bán lẻ ép nhà cung ứng bằng phí đầu kệ, sinh nhật, phí gầm bàn, chiết khấu… là rất cần thiết, bởi thực tế thời gian qua cho thấy, tình trạng này không chỉ làm nản chí các nhà cung ứng hàng hóa vào khâu bán lẻ, mà vô hình trung còn kìm hãm sản xuất trong nước.