Sóc Sơn nỗ lực đưa 3 xã về đích

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo kế hoạch xây dựng nông thôn mới (NTM) năm 2017, huyện Sóc Sơn phấn đấu đưa 3 xã: Quang Tiến, Nam Sơn và Hồng Kỳ về đích. Với cách làm có trọng tâm, trọng điểm, cùng sự chỉ đạo sát sao suốt quá trình thực hiện, mục tiêu này đang dần trở thành hiện thực.

Ưu tiên nâng cấp hạ tầng
Là một trong 3 xã theo kế hoạch về đích NTM, khó khăn lớn nhất hiện nay đối với Nam Sơn là bài toán hạ tầng. Nắm bắt tâm tư, điều kiện thực tế của địa phương còn tỷ lệ hộ nghèo thuộc nhóm lớn nhất huyện, Sóc Sơn đã dành ưu tiên nguồn lực để hỗ trợ xã xây dựng hàng chục kilômét đường giao thông, hệ thống thủy lợi phục vụ sản xuất tưới tiêu. Trường THCS Nam Sơn đã được nâng cấp đạt chuẩn quốc gia, trường Tiểu học xã Nam Sơn cũng đang được hoàn thiện...

Hệ thống kênh mương được đầu tư xây dựng tại xã Nam Sơn, huyện Sóc Sơn. Ảnh: Lâm Nguyễn

Không chỉ tại Nam Sơn, 2 xã khác nằm trong kế hoạch về đích NTM năm 2017 là Quang Tiến, Hồng Kỳ cũng được ưu tiên nguồn lực thực hiện đối với các dự án trọng điểm về hạ tầng. Tại 3 xã này, huyện Sóc Sơn đã đầu tư xây dựng gần 28km đường giao thông trục thôn, liên thôn, 28km kênh mương và 31km đường giao thông ngõ xóm, rãnh thoát nước theo cơ chế đặc thù của Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội. Cùng với đó là 11 nhà văn hóa (NVH) thôn, 4 dự án cải tạo, nâng cấp trường học.
Xét trên bình diện toàn huyện, 9 tháng năm 2017, Sóc Sơn đã hoàn thành, đưa vào sử dụng 7 trạm biến áp, trên 97km đường dây trung thế. Huyện cũng có 9 trường học các cấp được hoàn thành, kịp thời đáp ứng nhu cầu dạy - học trong năm học 2017 - 2018. Ngoài ra, 18 NVH thôn cũng đã được hoàn thiện nâng cấp, góp phần nâng cao đời sống tinh thần cho người dân.
Vượt khó về đích
Theo Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Chí Dũng, rào cản lớn nhất đối với công tác xây dựng NTM tại 3 xã Nam Sơn, Hồng Kỳ và Quang Tiến là nguồn kinh phí. Đặc biệt là đối với 2 xã nằm xa trung tâm huyện, liền kề Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn là Nam Sơn và Hồng Kỳ.
Thực tế, đời sống của người dân 3 xã này nói riêng, Sóc Sơn nói chung vẫn còn khá nhiều khó khăn. Do đó, nguồn vốn đầu tư xây dựng hạ tầng kinh tế - xã hội trong xây dựng NTM chủ yếu từ ngân sách. Dù vậy, toàn huyện đã và đang tiếp tục  huy động sức dân, các nguồn vốn xã hội hóa trong Nhân dân. Đến hết quý III/2017, toàn huyện đã huy động được trên 120 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa. Cùng với ngân sách Nhà nước hỗ trợ khoảng 280 tỷ đồng, đã giúp Sóc Sơn có được nguồn tài chính đủ lớn để thực hiện, hoàn thành các tiêu chí chưa đạt trong xây dựng NTM năm 2017. Điểm đáng chú ý, Sóc Sơn là một trong số ít địa phương của Hà Nội đến nay không để xảy ra nợ đọng xây dựng cơ bản.
Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Vi Thị Bình Anh cho biết, với tinh thần tập trung cao nhất, huyện đang đốc thúc các đơn vị đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các dự án phát triển hạ tầng. Trọng tâm là 5 dự án giao thông và 6 công trình NVH thôn tại 3 xã phấn đấu về đích NTM năm 2017. Cùng với đó là đôn đốc việc triển khai công tác đầu tư mới đối với 34 dự án trường học, 9 NVH thôn và 48km kênh mương. Riêng đối với hạ tầng giao thông nông thôn, huyện chỉ đạo các xã hoàn thành kiên cố hóa theo cơ chế đặc thù của Quyết định số 16/2012/QĐ-UBND trước ngày 30/11/2017.
Theo bà Anh, trong quá trình triển khai xây dựng NTM, địa phương không tránh khỏi phát sinh vướng mắc. Theo đó, đối với các xã, nếu có khó khăn liên quan tới công tác quản lý của phòng, ban chuyên môn nào, huyện chỉ đạo và giao các phòng, ban chuyên môn đó trực tiếp phối hợp, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn cùng với thôn, xã. Không chỉ tăng cường mối liên hệ mật thiết, nâng cao tinh thần trách nhiệm đối với nhiệm vụ chung, điều này còn góp phần đẩy nhanh tiến độ hoàn thành mục tiêu xây dựng NTM của địa phương.
Tính đến tháng 10/2017, huyện Sóc Sơn đã có 15/25 xã được công nhận đạt chuẩn NTM. Tỷ lệ hộ nghèo toàn huyện giảm còn dưới 3,7%. Thu nhập bình quân đầu người liên tục tăng qua các năm, hiện đạt gần 39 triệu đồng/năm.