Sóc Trăng: Nâng cao chất lượng giáo dục đồng bào dân tộc thiểu số

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm qua tỉnh Sóc Trăng luôn quan tâm và đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm nâng cao chất lượng giáo dục vùng dân tộc thiểu số, thực hiện tốt chính sách đối với học sinh dân tộc thiểu số.

Với đặc thù là địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) sinh sống, nhiều năm qua, tỉnh Sóc Trăng luôn có nhiều cơ chế, chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng dân tộc thiểu số, nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa các vùng.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng, đến cuối năm học 2022-2023, toàn tỉnh có 10 trường Phổ thông dân tộc nội trú (PTDTNT) với 102 lớp, 3.352 học sinh; toàn tỉnh có 98.480 học sinh DTTS, chủ yếu là dân tộc Khmer và dân tộc Hoa được huy động đến lớp từ mầm non đến THPT, chiếm tỷ lệ 37,23% số học sinh toàn tỉnh. 

Công tác giáo dục dân tộc luôn được Sóc Trăng quan tâm và triển khai hiệu quả.
Công tác giáo dục dân tộc luôn được Sóc Trăng quan tâm và triển khai hiệu quả.

Để nâng cao chất lượng dạy và học, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng đã hướng dẫn và khuyến khích các đơn vị trường thường xuyên tổ chức chuyên đề theo cụm trường, chuyên đề cấp huyện, tỉnh; sinh hoạt chuyên môn liên trường trong hệ thông các trường PTDTNT để trao đổi, học tập kinh nghiệm trong công tác dạy và học. Hầu hết các đơn vị đều tích cực tham gia các hoạt động này và mang lại hiệu quả thiết thực.

Điển hình một trong những địa phương có đông đồng bào DTTS đã được các cấp, ngành tỉnh Sóc Trăng quan tâm đầu tư về cơ sở hạ tầng giáo dục là huyện Mỹ Tú.

Địa phương đã đầu tư hàng chục tỷ đồng để sửa chữa nhiều điểm trường, mua sắm thêm trang thiết bị, máy tính, bàn ghế, tivi để phục vụ cho công tác dạy và học. Đồng thời, xây mới hai ngôi trường Tiểu học Phú Mỹ C và Tiểu học Thuận Hưng A với tổng kinh phí gần 30 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trường Trung học cơ sở Thuận Hưng đang được đầu tư xây dựng mới. Ngôi trường này đã hoàn thành khối công trình chức năng, dự kiến sẽ đưa vào sử dụng trong tháng 9/2023; phòng học sẽ hoàn thiện vào đầu năm 2024.

Ông Châu Tuấn Hồng - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Sóc Trăng cho biết: Chăm lo giáo dục vùng đồng bào DTTS, trong đó có hệ thống các trường dân tộc nội trú được tỉnh và ngành Giáo dục xác định là giải pháp quan trọng nhằm nâng cao dân trí, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS nói riêng và tỉnh Sóc Trăng nói chung.

"Năm học 2023-2024, Sóc Trăng tiếp tục thực hiện chính sách ưu tiên đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo vùng DTTS, vùng nông thôn nhằm thu hẹp khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa vùng DTTS, vùng nông thôn với khu vực thành thị; bảo đảm các điều kiện phát triển giáo dục bền vững góp phần ổn định chính trị vùng dân tộc. Đồng thời, ưu tiên đầu tư phát triển và nâng cao chất lượng dạy và học các trường PTDTNT và các cơ sở giáo dục vùng DTTS, vùng nông thôn; tổ chức và quản lí tốt việc dạy học tiếng DTTS trong các cơ sở giáo dục theo quy định; tiếp tục tăng cường công tác quản lí giáo dục dân tộc." - ông Châu Tuấn Hồng nhấn mạnh.

Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng dân tộc và các trường PTDTNT, tỉnh Sóc Trăng còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa đa dân tộc tại địa phương. 
Bên cạnh việc nâng cao chất lượng giáo dục trong vùng dân tộc và các trường PTDTNT, tỉnh Sóc Trăng còn đặc biệt quan tâm đến việc dạy và học tiếng dân tộc để góp phần gìn giữ tiếng nói, chữ viết và đặc trưng văn hóa đa dân tộc tại địa phương. 

Trước thềm năm học mới 2023 - 2024, ngành giáo dục và đào tạo Sóc Trăng kiến nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm biên soạn sách giáo khoa tiếng Khmer lớp 1, lớp 2, lớp 3 và lớp 4 kịp thời đầu năm học 2023-2024; tiếp tục quan tâm đầu tư xây dựng các trường PTDTNT theo hướng đạt chuẩn quốc gia, mở rộng quy mô trường lớp nhằm đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh dân tộc được học ở các trường PTDTNT ngày càng nhiều.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh công tác đào tạo và bồi dưỡng giáo viên dạy tiếng DTTS cho các địa phương có dạy chữ dân tộc. Đặc biệt là đào tạo giáo viên dạy tiếng dân tộc có trình độ đại học; cung cấp trang thiết bị, đồ dùng phục vụ cho việc dạy học tiếng dân tộc vì các đơn vị còn gặp nhiều khó khăn cho việc đổi mới phương pháp, nâng cao chất lượng dạy tiếng dân tộc; sớm ban hành chương trình giảng dạy tiếng Hoa tại các trường phổ thông có nhu cầu học tiếng Hoa; đồng thời mở lớp đào tạo giáo viên dạy tiếng Hoa phục vụ các địa phương theo đúng quy định.