Sóc Trăng: Xây dựng cảng Trần Đề để đưa vùng đất Chín Rồng "cất cánh"

Hoàng Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Được xác định là cảng biển kết nối kinh tế Đồng bằng sông Cửu long (ĐBSCL) với tuyến đường hàng hải quốc tế qua biển Đông, cảng Trần Đề được kỳ vọng là đột phá để đưa nhanh hàng hóa của vùng đất Chín Rồng ra với thế giới.

Sóc Trăng: Xây dựng cảng Trần Đề để đưa vùng đất Chín Rồng "cất cánh" - Ảnh 1
Hội thảo về Đâu tư cảng biển Trần Đề tại Sóc Trăng sáng 7/8

Cửa ngõ ĐBSCL ra thế giới

Phát biểu khai tại Hội thảo về đầu tư cảng biển Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng) khai mạc sáng 7/8, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Trần Văn Lâu thông tin, hơn 70% lượng hàng hóa xuất nhập khẩu của vùng ĐBSCL phải vận chuyển bằng đường bộ lên cụm cảng TP Hồ Chí Minh. Thực trạng này đã làm tăng chi phí vận chuyển, mất nhiều thời gian, ảnh hưởng chất lượng hàng hóa, chưa kể tạo áp lực lên hệ thống giao thông đường bộ của khu vực.

Mới đây, Trung ương đã có nhiều chủ trương, quyết sách tập trung nguồn lực đầu tư phát triển cho vùng ĐBSCL, nhất là hạ tầng giao thông vận tải. Việc quy hoạch, triển khai đầu tư hệ thống cao tốc trục dọc, trục ngang đồng bộ với hệ thống cảng, kỳ vọng sẽ giải quyết “điểm nghẽn” bấy lâu nay của vùng. Nghị quyết số 13-NQ/TW ngày 2/4/2022 của Bộ Chính trị và Nghị quyết số 78/NQ-CP ngày 18/6/2022 của Chính phủ về phương hướng phát triển KTXH và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng ĐBSCL xác định rõ đến năm 2030 phát triển cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt và cửa ngõ vùng, ông Lâu cho biết thêm.

Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng
Ông Trần Văn Lâu, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng

“Với những định hướng trên, cảng biển Trần Đề với vai trò là cảng cửa ngõ cho vùng ĐBSCL; giúp đồng bộ hạ tầng giao thông, trực tiếp thúc đẩy phát triển KTXH của vùng. Triển khai thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị, Nghị quyết của Chính phủ và Quyết định của Thủ tướng, tỉnh Sóc Trăng đang phối hợp Bộ GTVT khẩn trương hoàn thành, trình phê duyệt các quy hoạch cụ thể hóa để kêu gọi đầu tư cảng biển Trần Đề; tổ chức định hướng quy hoạch phát triển các công trình giao thông, các khu chức năng (công nghiệp, thương mại, dịch vụ, logistics) kết nối đồng bộ với các dự án giao thông trọng điểm, đặc biệt là dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng - Trần Đề” – người đứng đầu UBDN tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.

Đưa GDP vùng đất Chín Rồng tăng trưởng

Ông Nguyễn Văn Thể, UVTW Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng cho rằng, vùng ĐBSCL chiếm tỷ lệ GDP rất cao ở nhiều giai đoạn. Nhưng gần đây đã có dấu hiệu tụt hậu trong khi đây là vùng đất đai phù sa màu mở, GDP chỉ gần 10% cả nước. Nguyên nhân vùng chưa có một cảng trung tâm cửa ngõ. Theo ông, hàng hóa xuất và nhập hàng hóa mỗi tấn phải gánh thêm 10 USD chi phí. Vì vậy, triển khai sớm, sẽ phá vỡ thế bế tắc để thúc đẩy kinh tế vùng.

“So với các cảng khác, Trần Đề có nhiều lợi thế hơn. ĐBSCL hiện đang phát triển mạnh nông lâm nghiệp nhưng chưa phát triển mạnh công nghiệp vì chưa có đủ cao tốc, cảng. Nếu đủ, sẽ thúc đẩy công nghiệp ĐBSCL phát triển mạnh khi giao thông vận tải kết nối hoàn chỉnh” – ông Thể nhấn mạnh.

Ông Nguyễn Văn Thể, UVTW Đảng, Bí thư Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương, nguyên Bí thư tỉnh Sóc Trăng cho rằng, cảng Trần Đề đi vào hoạt động sẽ thúc đấy GDP ĐBSCL tăng trưởng cùng cả nước.

Với biến đổi khí hậu hiện nay, cần có chiến lược đầu tư lâu dài trong xây kè chắn sóng. Cần tính toán xây các khu vận chuyển tàu dưới 30.000 tấn để phát huy ngay hiệu quà kinh tế, sau đó có chiến lược xây dựng các khu bốc dỡ tàu 80.000 – 100.000 tấn.

Ông Nguyễn Anh Tuấn Phó Tổng GĐ Tập đoàn T&T cho rằng, Cảng Trần Đề là cửa ngỏ để đưa hàng hóa ĐBSCL ra thế giới nhanh nhất, góp phần to lớn trong thúc đẩy  kinh tế vùng. Vì thế, đề xuất Chính phủ xem xét và áp dụng cơ chế đặc biệt đầu tư. với các yếu tố cơ bản. Trong đó, đề xuất Chính phủ xem xét hỗ trợ vốn đầu tư cầu dẫn 18km để hoàn thiện cơ sở hạ tầng cảng Trần Đề. Đây là đường giao thông dùng chung cho cả hệ thống cảng nên việc sử dụng ngân sách của Nhà nước sẽ khả thi, dễ quản lý, Về cơ chế đầu tư: đề xuất áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư đối với các dự án đặc biệt ưu đãi. thời gian đầu tư: Việc đầu tư cảng Trần Đề thành cảng đặc biệt cần nguồn vốn đầu tư lớn, do vậy đề xuất thời gian dự án là 70 năm để các nhà đầu tư có thể bảo đảm được nguồn thu ổn định và đầu tư lâu dài.

Ông Hồ Quốc Lực cho rằng, đưa cảng Trần Đề vào hoạt động sẽ góp phần tăng sức cạnh tranh của doanh nghiệp khi doanh nghiệp ông tiết kiệm được vài chục tỷ đồng chi phí vận chuyển

Ông Hồ Quốc Lực, Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần thực phẩm SaoTa ở Sóc Trăng cho rằng, Cảng Trần Đề đi vào hoạt động sẽ đáp ứng được nhu cầu phát triển của doanh nghiệp ở khu vực. Doanh nghiệp ông với 5.000 lao động, mỗi năm xuất khẩu 1.500 – 4.000 contener 40feet, qua 2 cảng Cát Lái, Vũng Tàu. Chi phí mỗi contener phải chịu chi phí 700 USD, chưa kể mất trắng nếu chậm trễ. Nên có cảng Trần Đề, sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp mỗi năm tiết kiệm 20 tỷ đồng, điều này sẽ tăng sức cạnh tranh sức cạnh tranh của doanh nghiệp.

Còn ông Lê Văn Quang, người đúng đầu Tập đoàn Minh Phú - doanh nghiệp thủy sản số 1 hàng đầu của Việt Nam và thế giới thì lạc quan cho rằng, cảng Trần Đề đi vào hoạt động sẽ đưa ĐBSCL cất cánh.

Tâm huyết của Trung ương

Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định số 886/QĐ-TTg ngày 24/7/2023 phê duyệt kế hoạch, chính sách, giải pháp và nguồn lực thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam. Theo đó, xác định một trong những nhiệm vụ phát triển kết cấu hạ tầng hàng hải là kêu gọi đầu tư Khu bến cảng Trần Đề - Sóc Trăng giai đoạn khởi động với nhu cầu vốn là 50.000 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải  cho rằng cảng Trần Đề là lựa chọn tối ưu để ĐBSCL phát triển.

Ông Nguyễn Xuân Sang, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải cho biết, đén hết năm 2023, trễ nhất năm 2024, Bộ sẽ hoàn tất quy hoạch vùng nước cảng biển của khu vực và tỉnh Sóc Trăng để nhanh chóng trình Chính phủ phê duyệt sớm triển khai thực hiện dự án.

Theo ông, Chính phủ đã đưa cảng Trần Đề vào mục tiêu đầu tư phát triển quốc gia. Đây là dự án rất tâm huyết của Chính phủ, Quốc hội để đưa vùng ĐBSCL phát triển. Cảng Trần Đề được triển khai, được kết nối với hệ thống cao tốc sẽ là lựa chọn tối ưu cho ĐBSCL để đưa vùng này phát triển cùng nền kinh tế cả nước. 

Sau Hội thảo, tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các ngành liên quan tập trung tham mưu các cấp uỷ, chính quyền tỉnh thực hiện công tác lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi đầu tư xây dựng cảng biển Trần Đề. Đặc biệt là nghiên cứu các cơ chế, chính sách thu hút, ưu đãi nhằm kêu gọi các nhà đầu tư có đầy đủ tiềm lực đến tìm hiểu cơ hội và đầu tư cảng biển Trần Đề.

 

Theo quy hoạch, diện tích cảng biển nước sâu Trần Đề khoảng 550ha, với cầu cảng vượt biển dài khoảng 16km. Cảng có năng lực tiếp nhận tàu tổng hợp, tàu Container tải trọng 100.000 DWT hoặc lớn hơn, tàu hàng rời 160.000 DWT… Từ năm 1994 đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu về việc xây dựng cảng nước sâu trung tâm vùng ĐBSCL nhằm tìm vị trí thích hợp xây dựng cảng biển nước sâu trình Chính phủ bổ sung vào quy hoạch hệ thống cảng biển Việt Nam. Trần Đề của tỉnh Sóc Trăng là vị trí ưu thế nhất, chiếm số điểm cao nhất (62 điểm) về lợi thế so sánh. Việc xây dựng cảng biển nước Trần Đề còn có ý nghĩa quan trọng về mặt quốc phòng, an ninh của vùng và khu vực; tạo điều kiện thuận lợi cho kết hợp giữa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh...