Sớm bàn giao 7 mỏ cát cho các đơn vị thi công cao tốc

Xuân Lương - Hồng Thắm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng vừa thống nhất quản lý, sử dụng 7 mỏ cát để cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với diện tích 585ha, trữ lượng gần 17 triệu m³.

Ngày 6/10, Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng tổ chức kỳ họp thứ 16 (chuyên đề) khóa X, thông qua 19 tờ trình, trong đó có tờ trình về quyết định biện pháp quản lý, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1.

Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh PL
Đại biểu HĐND tỉnh Sóc Trăng biểu quyết thông qua nghị quyết. Ảnh PL

Tại hội nghị, 100% đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh Sóc Trăng thống nhất biểu quyết thông qua tờ trình về quản lý, sử dụng 7 mỏ cát phục vụ cho dự án thành phần 4 thuộc dự án đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng với diện tích khoảng 585 ha, trữ lượng gần 17 triệu m³.

Theo ông Ngô Thái Chân - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sóc Trăng, khu vực khai thác 7 mỏ cát này đều trên sông Hậu thuộc địa phận tỉnh Sóc Trăng.

“Sóc Trăng sẽ sớm bàn giao 7 mỏ cát này cho các đơn vị trực tiếp thi công cao tốc đoạn qua tỉnh Sóc Trăng theo cơ chế đặc thù tại Nghị quyết 43, 60 của Quốc hội và Nghị quyết 91 của Chính phủ”, ông Ngô Thái Chân thông tin.

HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa thống nhất quản lý, sử dụng 7 mỏ cát để cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh Hồng Lĩnh
HĐND tỉnh Sóc Trăng vừa thống nhất quản lý, sử dụng 7 mỏ cát để cung cấp cho dự án thành phần 4 thuộc dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng. Ảnh Hồng Lĩnh

Ông Ngô Thái Chân cho biết thêm: Trước khi khai thác cát, nhà thầu thi công phải lập hồ sơ đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác .

Ngoài ra, còn phải thực hiện đánh giá tác động môi trường và thực hiện đầy đủ nghĩa vụ nộp tiền cấp quyền khai thác cát, thuế, phí và lệ phí theo quy định.

“Sau khi đã khai thác cát đủ khối lượng cung cấp cho dự án, nhà thầu có trách nhiệm thực hiện các nghĩa vụ cải tạo, phục hồi môi trường, bàn giao mỏ cát và đất đai để địa phương quản lý theo quy định pháp luật về khoáng sản và pháp luật khác có liên quan”, ông Ngô Thái Chân nhấn mạnh.

* Liên quan đến vấn đề trên, trước đó, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt danh mục 21 khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh An Giang. 21 khu vực này nằm trên sông Tiền và sông Hậu thuộc địa bàn thị xã Tân Châu và các huyện: Phú Tân, Chợ Mới, Châu Phú, Châu Thành, An Phú. Việc khai thác 21 mỏ cát này là để cung cấp nguyên vật liệu phục vụ xây dựng các công trình sử dụng ngân sách Nhà nước (phát triển hạ tầng giao thông; công trình thủy lợi); công trình khắc phục thiên tai; khu vực có khoáng sản dùng làm vật liệu san lấp phục vụ công trình hạ tầng giao thông, công trình phúc lợi thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới.