[Sông Hồng kêu cứu] Bài cuối: Đi tìm giải pháp căn cơ

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để giảm thiểu tác động tiêu cực của tình trạng mực nước sông Hồng xuống thấp, các bộ ngành và TP Hà Nội đã chủ động vào cuộc, nghiên cứu giải pháp nhằm nâng cao mực nước sông phục vụ đời sống, sản xuất.

Tuy nhiên, đó chỉ là phương án “xử lý tình huống” trong ngắn hạn. Về lâu dài, cần có những giải pháp triệt để nhằm hạn chế tối đa thất thoát bùn cát trên sông Hồng.
Tạo cơ chế thúc đẩy sản xuất “cát nhân tạo”
Cát tự nhiên hiện vẫn là loại vật liệu chưa thể thay thế trong xây dựng. Tuy nhiên, theo TS Trần Bá Việt – Chuyên gia cao cấp của Viện Khoa học công nghệ xây dựng (Bộ Xây dựng), hiện nay, “cát nhân tạo” có nguồn gốc từ đá nghiền đang được sử dụng ngày một phổ biến.
Tuy nhiên, loại “cát” này hiện mới được sử dụng nhiều trong sản xuất bê tông, và chưa thể sử dụng để thay thế cát hạt mịn hoặc cát hạt trung cho các công đoạn xây dựng khác.
“So với cát tự nhiên, quy trình sản xuất cát từ đá nghiền khá phức tạp, do cần có dây chuyền hoàn chỉnh từ nghiền vỡ, đến thau rửa, làm sạch bột đá, rồi phối trộn với phụ gia để tạo thành cát. Thêm nữa, đá được sử dụng để sản xuất cát chủ yếu phân bố ở miền núi; sau thành phẩm phải vận chuyển xuống các tỉnh, TP có nhu cầu xây dựng cao nên chi phí bị tăng. Tại một số tỉnh, TP, giá cát từ đá nghiền lên tới 350.000 – 400.000/m3” – TS Trần Bá Việt thông tin thêm.
 Một điểm tập kết cát sỏi ven sông Hồng trên địa bàn  quận Tây Hồ. Ảnh: Phạm Hùng
Ngoài “cát nhân tạo” từ đá nghiền, PGS.TSKH Bạch Đình Thiên – Viện trưởng Viện Nghiên cứu và ứng dụng vật liệu xây dựng nhiệt đới (ĐH Xây dựng Hà Nội) cho biết, đã có một số đơn vị đầu tư sản xuất cát từ tro xỉ sau quá trình nhiệt điện. Theo tính toán của các nhà khoa học, cứ 100 triệu tấn than được tiêu thụ cho nhiệt điện sẽ tạo ra khoảng 150.000 – 300.000 tấn tro xỉ.
Tuy nhiên, cũng giống như “cát nhân tạo” từ đá nghiền, chi phí để chế tạo cát từ tro xỉ tương đối cao. Không chỉ cần quy trình sản xuất được đầu tư bài bản, mà ngay cả chi phí vận chuyển từ các nhà máy nhiệt điện xuống các tỉnh, TP lớn, có nhu cầu về cát xây dựng cao cũng làm gia tăng giá của loại cát này.
Theo một số chuyên gia về vật liệu xây dựng, hiện xu hướng sử dụng “cát nhân tạo” từ đá nghiền và tro xỉ đang ngày một phổ biến, đặc biệt là tại Trung Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Hồng Kông, Singapore… Chính vì vậy, để giảm thiểu tình trạng khai thác cát trái phép, bảo vệ tài nguyên khoáng sản, nhiều ý kiến đề xuất Nhà nước cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ vốn vay cho các DN tham gia đầu tư, sản xuất “cát nhân tạo”.
Bên cạnh đó, cần nghiên cứu, đánh thuế khai thác cát tự nhiên ở mức cao hơn. Chỉ khi giá thành và chất lượng của hai loại cát tự nhiên – nhân tạo được đưa về mức tương đương nhau, thì tình trạng tận diệt lòng sông để kiếm lời từ cát mới mong được giảm thiểu.
Tăng chế tài để tạo sức răn đe
Ngày 19/12/2018, Công an huyện Đan Phượng đã khởi tố vụ án Trần Văn Dự (SN 1981, quê ở xã Trung Châu) do vi phạm quy định pháp luật về khai thác tài nguyên. Tòa án Nhân dân huyện Đan Phượng sau đó tuyên phạt Trần Văn Dự 9 tháng án treo, cho thử thách 18 tháng. Trước đó, vào tháng 6/2018, Công an huyện Phúc Thọ cũng đã khởi tố đối tượng Lê Văn Thành (SN 1982, quê ở xã Vân Hà) với cùng tội danh trên. Đối tượng Lê Văn Thành sau đó bị tuyên phạt 6 tháng tù giam.
Tuy nhiên, đây chỉ là hai trong số ít những trường hợp đối tượng khai thác cát trái phép bị khởi tố hình sự. Trong khi, hầu hết các trường hợp có vi phạm về khai thác trái phép tài nguyên khoáng sản bị bắt giữ chỉ bị xử phạt vi phạm hành chính. Điều này được cho là chưa đủ sức răn đe đối với “cát tặc”, do nhiều đối tượng sau khi bị xử phạt vẫn tiếp tục quay trở lại hoạt động trái phép.
Theo Đại úy Trần Mạnh Tiến – Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế, ma túy và môi trường (Công an huyện Phúc Thọ), mức xử phạt hành chính đối với các hành vi vi phạm quy định khai thác tài nguyên khoáng sản hiện đã tương đối cao. Tuy nhiên, giá trị kinh tế mà cát mang lại lớn hơn rất nhiều. Do đó, nhiều đối tượng sau khi bị phạt tiếp tục quay lại… hành nghề. Chính vì vậy, việc tăng cường xử lý hình sự là rất cần thiết.
Mặc dù vậy, Đại úy Trần Mạnh Tiến cho rằng, việc xử lý hình sự các trường hợp “cát tặc” lại… không đơn giản. Cụ thể, theo quy định tại Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015, để khởi tố hình sự các đối tượng thì cần phải xác định được đối tượng “thu lợi bất chính từ nghiên cứu, thăm dò khai thác tài nguyên nước, dầu khí hoặc loại khoáng sản khác từ 100 đến dưới 500 triệu đồng”.
Áp vào thực tiễn công tác xử lý thì rất khó xử phạt do rất khó “chứng minh hành vi”. Thực tế, cả hai đối tượng Trần Văn Dự và Lê Văn Thành nêu trên đều là các trường hợp tái phạm nên mới bị xử lý hình sự theo Khoản 4 Điều 227 Bộ luật Hình sự 2015.
Hiện, việc xử lý “cát tặc” chủ yếu được cơ quan chức năng các địa phương áp dụng theo Nghị định số 33/2017/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản”, và Nghị định số 132/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định về “Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa”.
Nhiều ý kiến đề xuất các bộ, ngành nên sớm nghiên cứu, tham mưu Chính phủ ban hành quy định tịch thu phương tiện và xử lý hình sự ngay các trường hợp khai thác cát trái phép, thay vì phải “chứng minh hành vi” như hiện nay. Đây sẽ là hai nhóm chế tài được cho là bảo đảm đủ sức răn đe.
Giải pháp công trình
Trong bối cảnh tình trạng khai thác cát trái phép vẫn diễn biến phức tạp, việc thực thi pháp luật còn gặp không ít khó khăn, mực nước sông Hồng trong thời gian tới được cho sẽ còn hạ thấp. Chính vì vậy, các giải pháp công trình nhằm bảo đảm nguồn nước phục vụ đời sống, sản xuất là rất cấp thiết.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi (Bộ NN&PTNT) Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, đơn vị đang nghiên cứu xây dựng hệ thống đập dâng trên hệ thống sông Hồng. Đây là giải pháp mang tính dài hạn nhằm chủ động dâng, điều tiết mực nước, lưu lượng trong mùa kiệt trên sông Hồng. “Kết quả nghiên cứu chỉ ra, giải pháp này có thể giúp dâng mực nước sông Hồng lên từ 0,45 – 2,6m; bảo đảm các công trình thủy lợi dọc tuyến có thể lấy được nước” – ông Tỉnh cho biết.
Một giải pháp công trình khác được Trưởng ban Khoa học công nghệ (Hội Đập lớn và phát triển nguồn nước) Hoàng Xuân Hồng đưa ra là chỉnh trị khu vực cửa vào sông Đuống. Giải pháp này nhằm hạn chế lưu lượng nước từ sông Hồng đổ vào sông Đuống, qua đó, giúp tăng mực nước trên sông Hồng. Tuy nhiên, đối với cả hai giải pháp công trình kể trên, kinh phí thực hiện đều sẽ rất lớn. Chính vì vậy, các bộ ngành, địa phương phải cùng nhau thảo luận, thống nhất phương thức huy động nguồn vốn phù hợp.
Nâng cấp các công trình thủy lợi thích nghi với điều kiện nguồn nước cũng giải pháp được Hà Nội chú trọng thực hiện trong những năm qua. Theo đó, hàng trăm tỷ đồng đã được TP đầu tư nâng cấp các trạm bơm: Phù Sa, Ấp Bắc, Thanh Điềm… Dù vậy, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Phạm Văn Khương cho rằng, các giải pháp công trình sẽ chỉ có ý nghĩa về mặt lâu dài, khi bảo đảm được mức cân bằng giữa lượng bùn cát về hạ du và khối lượng được khai thác hàng năm.
Và để làm được điều đó, giải pháp cấp bách hiện nay là cần kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát trên sông Hồng. Có như vậy mới giải quyết được tình trạng lòng sông cạn kiệt, tài nguyên thất thoát, bảo đảm an toàn nguồn nước trên sông Hồng.

"Nhu cầu về sử dụng vật liệu xây dựng hiện rất lớn. Chính vì vậy, đề nghị UBND TP Hà Nội đẩy nhanh tiến độ đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại các mỏ được xác định; đồng thời, có cơ chế cho thuê đất tập kết, trung chuyển vật liệu tại những khu vực phù hợp quy hoạch. Điều này sẽ góp phần ngăn chặn tình trạng lập bến bãi, khai thác cát trái phép, gây thất thoát ngân sách và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn đê điều." - Phó Chủ tịch UBND huyện Đông Anh Nguyễn Xuân Linh