Sri Lanka "cầu cứu" IMF

Cẩm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nền kinh tế 81 tỷ USD đang phải đối mặt với các nghĩa vụ nợ trị giá 8,6 tỷ USD trong năm nay, bao gồm khoản nợ 1,03 tỷ USD đến hạn thanh toán vào tháng 7.

Sri Lanka đã đề xuất Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đưa ra một gói cứu trợ khẩn cấp nhằm chống chọi với cuộc khủng hoảng kinh tế, có nguy cơ leo thang thành khủng hoảng chính trị. 

Sri Lanka cần huy động khoảng 4 tỷ USD trong năm nay để giải quyết các vấn đề và trả tiền nợ. Ảnh: Bloomberg
Sri Lanka cần huy động khoảng 4 tỷ USD trong năm nay để giải quyết các vấn đề và trả tiền nợ. Ảnh: Bloomberg

Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka Ali Sabry đã bắt đầu cuộc đàm phán cứu trợ hôm 18/4 với IMF nhằm giải quyết tình trạng thiếu lương thực, nhiên liệu và thuốc ngày càng tăng.

Chính phủ cho biết trong tuyên bố hôm nay, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã đưa ra yêu cầu về Công cụ tài trợ nhanh (RFI) với IMF. Theo đó, các thành viên IMF có thể tiếp cận các khoản vay khẩn cấp một lần, với một số điều kiện, thông qua Cơ sở Tín dụng Nhanh và Công cụ Tài trợ Nhanh của bên cho vay. Khoản thanh toán này được giới hạn ở mức 50% hạn ngạch cho 1 quốc gia trong vòng một năm, trường hợp của Sri Lanka là 395 triệu USD.

Tuy nhiên đây chỉ là phần nhỏ so với những gì quốc gia Nam Á đang cần. Sri Lanka cần huy động khoảng 4 tỷ USD trong năm nay để giải quyết các vấn đề và trả tiền nợ trong bối cảnh dự trữ ngoại hối đang cạn kiệt, lạm phát nhanh nhất khu vực châu Á. Tuần trước, quốc gia này đưa ra cảnh báo vỡ nợ chưa từng có và tạm dừng thanh toán nợ nước ngoài và liên tiếp bị hạ bậc tín dụng quốc gia.

Trong khi các quỹ khẩn cấp có thể giúp ổn định mọi thứ trong ngắn hạn, Sri Lanka sẽ cần một kế hoạch nợ đáng tin cậy để huy động thêm các khoản tiền. Nền kinh tế 81 tỷ USD đang phải đối mặt với các nghĩa vụ nợ trị giá 8,6 tỷ USD trong năm nay, bao gồm khoản nợ 1,03 tỷ USD đến hạn thanh toán vào tháng 7, theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp.

Các nhà chức trách đã tăng tỷ giá tiêu chuẩn, phá giá tiền tệ và hạn chế các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu, đồng thời xem xét các biện pháp thắt lưng buộc bụng và công thức giá để giảm thiểu tổn thất. 

Tuy nhiên, lãnh đạo phe đối lập của Sri Lanka, hôm 19/4 cảnh báo nước này đang đối mặt với thời kỳ "thắt lưng buộc bụng cực độ" và cho biết đang thúc đẩy sự ủng hộ trong quốc hội để thay đổi hiến pháp và loại bỏ Tổng thống Gotabaya Rajapaksa. Trước đó vào hôm 18/4,  Tổng thống Rajapaksa cho biết ông sẵn sàng xem xét lại quyền hành pháp sau nhiều tuần diễn ra biểu tình đòi phế truất.