Sự kiện kinh tế tuần: Cân nhắc điều chỉnh giá điện mức thấp nhất

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cân nhắc điều chỉnh giá điện ở mức thấp nhất, cảnh cáo người kinh doanh Facebook né kê khai thuế, Hà Nội cấm dịch vụ đi chung Grab, Uber... là nội dung đáng chú ý tuần qua.

Cân nhắc điều chỉnh giá điện ở mức thấp nhất
 
Ban Chỉ đạo điều hành giá vừa có thông báo về kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ - Trưởng Ban Chỉ đạo tại cuộc họp đánh giá về kết quả thực hiện công tác điều hành giá 6 tháng đầu năm 2017 và đề ra phương hướng điều hành giá những tháng còn lại của năm 2017.
Trong tháng 6/2017, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) đã tiếp tục giảm 0,17% so với tháng trước, tăng 2,54% so với cùng kỳ năm 2016, bình quân 6 tháng đầu năm 2017 tăng 4,15% so với cùng kỳ năm trước. So với tháng 12/2016, chỉ số CPI chỉ tăng 0,2%. Lạm phát cơ bản bình quân 6 tháng đầu năm 2017 chỉ tăng 1,52%, thấp hơn so với mục tiêu kế hoạch cả năm (trong khoảng 1,6% - 1,8%).
Ban Chỉ đạo đánh giá, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân được kiểm soát theo hướng giảm dần đã tạo dư địa thuận lợi cho công tác điều hành giá, kiểm soát lạm phát từ nay cho đến cuối năm 2017.
Tại thông báo kết luận, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ yêu cầu: “Nhiệm vụ của công tác điều hành giá trong 6 tháng cuối năm bên cạnh mục tiêu kiểm soát lạm phát còn cần phải bám sát và hỗ trợ cho mục tiêu tăng trưởng kinh tế, tránh tạo lạm phát kỳ vọng và tạo độ trễ áp lực lạm phát cho năm 2018 và các năm tiếp theo”.
Phương hướng công tác điều hành giá chung từ nay đến cuối năm là tiếp tục kiên trì theo nguyên tắc của nền kinh tế thị trường, Nhà nước quản lý giá chủ yếu trên cơ sở điều hòa quan hệ cung cầu.
Công tác điều hành giá vừa phải đảm bảo mục tiêu kiểm soát lạm phát vừa phải thực hiện được mục tiêu đưa giá các dịch vụ thiết yếu (y tế, giáo dục) theo lộ trình giá thị trường, đồng thời tập trung đặc biệt cho hỗ trợ tăng trưởng. Tiếp tục nâng cao năng lực chỉ đạo điều hành của Ban chỉ đạo điều hành giá, sự phối hợp chặt chẽ, nhịp nhàng giữa các Bộ, ngành thành viên.
Cảnh cáo người kinh doanh Facebook né kê khai thuế
 
Cục Thuế TP Hà Nội vừa có thông báo đề nghị các cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử (TMĐT) cung cấp thông tin, thực hiện đăng ký thuế và kê khai thuế với cơ quan thuế.
Hoạt động kinh doanh TMĐT ở đây bao gồm việc bán hàng hóa, cung ứng dịch vụ thông qua các trang mạng xã hội, các trang web bán hàng trên mạng Internet (trong đó có Facebook, Youtube, Zalo…).
Nhấn mạnh việc đăng ký thuế, kê khai thuế là nghĩa vụ và trách nhiệm của cá nhân tham gia kinh doanh, trước đó, vào ngày 19/6 và 25/6, Cục Thuế TP Hà Nội cũng đã gửi thông báo đến các cá nhân có hoạt động kinh doanh TMĐT, đề nghị các cá nhân này thực hiện cung cấp thông tin qua phiếu khảo sát. Trong đó, Cục Thuế TP Hà Nội đã hướng dẫn chi tiết các thủ tục đăng ký thuế, kê khai thuế cần phải thực hiện theo quy định của pháp luật thuế.
Đại diện Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, đến nay đã có nhiều các cá nhân đã hoàn thiện các thủ tục và được cấp mã số thuế để sử dụng trong quá trình hoạt động kinh doanh. Tuy nhiên, còn một số cá nhân chưa thực hiện cung cấp thông tin phản hồi hoặc đăng ký, kê khai thuế với cơ quan thuế.
“Việc các cá nhân không đăng ký thuế, không phản hồi cung cấp thông tin là không tuân thủ và vi phạm pháp luật về thuế đã được quy định tại Luật quản lý thuế”, đại diện Cục Thuế TP Hà Nội nhấn mạnh.
Theo hướng dẫn của cơ quan thuế TP Hà Nội, khi nhận được thông báo qua tin nhắn SMS của cơ quan thuế thì người nộp thuế cần thực hiện phản hồi thông tin về cơ quan thuế theo mẫu khảo sát đã được cung cấp sẵn.
“Nếu quý vị không thực hiện phản hồi, không đăng ký, kê khai thông tin với cơ quan thuế, cơ quan thuế sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng để áp dụng các biện pháp ngăn chặn các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật”, Cục Thuế TP Hà Nội nêu rõ thông điệp.
Hà Nội cấm dịch vụ đi chung Grab, Uber
 
UBND Thành phố Hà Nội cho biết, Sở Giao thông Vận tải Hà Nội mới đây đã chính thức ban hành Văn bản số 2727/SGTVT-QLVT về việc không áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng.
Theo đó, dịch vụ đi chung xe do Công ty TNHH Grab Taxi và Công ty TNHH Uber Việt Nam đăng ký với Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) được viết tắt là GrabShare và UberPOOL.
Dịch vụ đi chung xe ghép các hành khách có trùng hành trình vào 1 chuyến xe (chia sẻ hành trình). Do vậy, tối ưu hóa hiệu quả vận hành xe và giảm số lượng xe lưu thông trên đường. Tuy nhiên, theo Sở GTVT Hà Nội, dịch vụ này chưa có các biện pháp đảm bảo an toàn cho hành khách đi xe, bảo vệ quyền lợi của hành khách.
Đồng thời, dịch vụ đi chung cũng được cho là không phù hợp với quy định tại Thông tư số 63 năm 2014 của Bộ GTVT quy định về tổ chức, quản lý hoạt động vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ.
Cũng theo Sở GTVT Hà Nội, dịch vụ này không trong kế hoạch triển khai thí điểm ban hành kèm theo Quyết định số 24 ngày 7/1/2016 của Bộ trưởng Bộ GTVT và hiện nay chưa có quy định quản lý đối với hình thức vận tải này.
"Vì vậy, để đảm bảo an toàn, bảo vệ quyền lợi của hành khách và công tác quản lý của cơ quan nhà nước, Sở GTVT đề xuất UBND thành phố thống nhất với quan điểm chỉ đạo của Bộ GTVT tại Văn bản số 6781 ngày 22/6/2017 tạm thời chưa áp dụng hình thức đi chung xe đối với xe hợp đồng trên địa bàn thành phố Hà Nội trong thời gian chờ quy định của Bộ GTVT đối với hình thức vận tải này", văn bản của Sở GTVT Hà Nội nêu.
Thị trường M&A khó vượt con số 5 tỷ USD
 
Theo dự báo, hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD.
Trong giai đoạn 2014 - 2018, thị trường M&A Việt Nam bắt đầu bước vào một làn sóng mới, được ghi nhận là làn sóng thứ hai với tổng giá trị M&A được dự báo lên đến 20 tỷ USD. Những cam kết cổ phần hóa của các doanh nghiệp nhà nước lớn; sự trỗi dậy của các công ty khối tư nhân, tiến trình hội nhập quốc tế của Việt Nam và sự quan tâm của các dòng vốn ngoại đối với các cơ hội đầu tư và M&A là động lực quan trọng của làn sóng thứ hai này.
Sau khi đạt đỉnh năm 2015, mốc kỷ lục trong 10 năm qua với giá trị M&A ước đạt 5,2 tỷ USD, năm 2016 theo thống kê của IMAA, giá trị các thương vụ M&A đạt 5,8 tỷ USD, mức cao nhất từ trước đến nay và tăng trưởng 11,92% so với năm 2015.
Tuy nhiên, hoạt động M&A từ nửa cuối năm 2016 đến nay có dấu hiệu chậm lại và ít các thương vụ quy mô lớn. Riêng trong quý I/ 2017, tổng giá trị các thương vụ M&A tại Việt Nam mới đạt 1,1 tỷ USD.
Trong bối cảnh chung, theo báo cáo của Diễn đàn M&A Vietnam Forum 2017, trong năm 2016, giá trị các thương vụ M&A trên toàn thế giới đạt 3.500 tỷ USD, giảm 27% so với năm 2015, dù đây vẫn là mức cao và duy trì được trong một thời gian dài.
Hoạt động M&A cũng đang gặp phải không ít khó khăn và nếu không có gì đột phá, giá trị M&A năm 2017 sẽ không dễ vượt qua con số 5 tỷ USD. Điều này đòi hỏi một cú hích lớn từ các doanh nghiệp và của chính phủ để thúc đẩy hoạt động M&A phát triển mạnh mẽ hơn cả về số lượng giá trị và chất lượng các thương vụ.