Sự kiện kinh tế tuần: Duy nhất một chuyên gia kinh tế ủng hộ đề xuất tăng thuế

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Tài chính đã lấy ý kiến chuyên gia về đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, đề xuất bỏ thuế linh kiện ô tô, chính phủ phê duyệt Đề án quản lý tiền ảo Bitcoin... là nội dung chú ý tuần qua.

Bộ Tài chính đã lấy ý kiến về đề xuất tăng thuế VAT
 
Bộ Tài chính đã tổ chức một cuộc họp với một số chuyên gia kinh tế để lấy ý kiến về dự án luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế (thu nhập cá nhân, giá trị gia tăng, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt và thuế tài nguyên).
Một chuyên gia kinh tế có mặt tại cuộc họp cho biết: "Tại cuộc họp, phần lớn các chuyên gia không ủng hộ đề xuất tăng thuế VAT từ 10% lên 12%, chỉ có duy nhất một chuyên gia ủng hộ hết mình".
Vị chuyên gia cũng cho biết, nhiều chuyên gia cho rằng, Bộ Tài chính chưa đưa ra được luận cứ cho thấy đề xuất tăng thuế là chưa hợp lý cũng như chưa đưa ra mức độ đánh giá tác động của tăng thuế đến kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội.
chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Trí Hiếu cho biết: "Riêng tôi chưa ủng hộ được vì chưa thấy thuyết phục. Thứ nhất, Bộ Tài chính chưa đưa ra được thống kê và luận chứng cụ thể nếu tăng VAT thì bổ sung ngân sách được bao nhiều và tác động thế nào tới đời sống người dân".
Theo ông Hiếu, Bộ Tài chính đưa ra luận chứng VAT của Việt Nam rất thấp so với các nước, ví dụ như EU lên tới 20% là "không thuyết phục".
Vị chuyên gia lấy ví dụ tại Mỹ có thuế tương tự VAT, nhưng không phải VAT mà là thuế cho bán hàng, áp dụng cho người tiêu dùng cuối cùng khi mua 1 món hàng phải trả thuế 5%, 7%, hoặc 10% tuỳ bang nhưng trong quá trình sản xuất qua bao nhiêu công đoạn thì không phải trả thuế đó.
Trong khi đó, ở Việt Nam, thuế VAT cơ cấu khác, cứ mỗi một công đoạn từ người sản xuất cho tới ng mua hàng tiếp theo thì người mua hàng phải trả thuế VAT cho công đoạn đó. Theo đó, nếu từ sản xuất qua tiêu dùng chỉ 1 công đoạn thì thuế chỉ 10% nhưng qua nhiều công đoạn, mỗi công đoạn lại phải nộp 10%, thành ra người tiêu dùng phải trả hết tất cả VAT từ các công đoạn đó thực tế sẽ lớn hơn 10%.
Bên cạnh đó, ông Hiếu cũng cho rằng, thu nhập bình quân của Việt Nam thấp, chỉ trên 2.000 USD. Do đó, với người giàu có, VAT tăng 10% lên 12% sẽ không đáng kể và dễ dàng chịu được. Tuy nhiên, với người thu nhập thấp, chỉ vài trăm USD mỗi năm, thì 2% rất nhiều. Ngoài ra, không chỉ mặt hàng họ tiêu thụ tăng giá mà tất cả hàng hoá liên quan cũng tăng, thành ra tác động với người nghèo rất lớn.
Đề xuất bỏ thuế linh kiện ô tô
 
Theo quan điểm Bộ Tài chính, không giảm thuế nhập khẩu linh kiện đại trà cho tất cả các chủng loại xe mà tập trung vào các loại xe có lợi thế cạnh tranh, phù hợp với Việt Nam và có ràng buộc với 3 doanh nghiệp: dự kiến là Toyota, Trường Hải và Hyundai Thành Công.
Trước mắt, giảm thuế nhập khẩu sẽ tập trung vào xe chở người đến 9 chỗ có dung tích xi lanh từ 2.000 cc trở xuống và xe tải từ 5 tấn trở xuống. Cả hai loại xe này đều phải đáp ứng tiêu chuẩn khí thải mức 4 (vào giai đoạn 2018 - 2021); mức 5 từ năm 2022 trở đi.
Cụ thể, bỏ thuế nhập khẩu đối với linh kiện ô tô nhập khẩu trong 05 năm từ năm 2018 - 2022: Phương án 1: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 163 dòng thuế linh kiện ô tô nhập khẩu để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên về 0%.
Phương án 2: Giảm thuế suất thuế nhập khẩu MFN của 19 dòng thuế linh kiện là động cơ, hộp số, cụm truyền động, bơm cao áp để lắp ráp cho 2 nhóm xe trên xuống 0%.
Mức thuế suất trung bình của cả bộ linh kiện sẽ được giảm từ 14-16% hiện nay xuống khoảng 7% đối với xe dưới 9 chỗ và khoảng 1% đối với xe tải dưới 5 tấn.
Theo Bộ Tài chính, lợi ích của giảm thuế nhập khẩu sẽ nâng cao sự cạnh tranh so với xe ô tô nhập khẩu, tăng sản lượng tiêu thụ trong nước và tiến tới xuất khẩu. Bên cạnh đó, khuyến khích phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ thông qua việc tăng nhu cầu đối với linh kiện sản xuất trong nước. Cuối cùng là khuyến khích xuất khẩu ô tô sang thị trường ASEAN.
Về thu ngân sách khi bỏ thuế nhập linh kiện, Bộ Tài chính cho biết, nếu thực hiện hai phương án trên, có thể khiến tổng số thuế nhập khẩu giai đoạn 2018 - 2022 giảm từ 3.000 - 5.200 tỷ đồng. Tuy nhiên, thuế thu nhập DN thu được tăng lên hơn 530 tỷ đồng.
Chính phủ phê duyệt Đề án quản lý Bitcoin
 
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Đề án Hoàn thiện khung pháp lý để quản lý, xử lý đối với các loại tài sản ảo, tiền điện tử, tiền ảo.
Theo đó, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế liên quan.
Trong đó, giao Bộ Tư pháp khảo sát, tập hợp các vướng mắc, bất cập trong thực tiễn đối với các vấn đề liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, khảo sát kinh nghiệm quốc tế tại một số nước (Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản...) về pháp luật và thực tiễn liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo; tổ chức hội thảo, toạ đàm với các chuyên gia trong và ngoài nước về tài sản ảo, tiền ảo để nhận diện, làm rõ vài trò của tiền ảo, tài sản ảo và đề xuất hướng hoàn thiện pháp luật Việt Nam trong lĩnh vực này.
Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tư pháp chủ trì nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng văn bản quy phạm pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo; nghiên cứu, lập đề nghị xây dựng luật (các luật) sửa đổi, bổ sung các luật có liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo.
Thủ tướng Chính phủ giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong tháng 8/2018 hoàn thành rà soát, nghiên cứu, đề nghị sửa đổi, bổ sung, ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về tiền điện tử trình Thủ tướng Chính phủ.
Giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu, đề xuất sửa đổi, bổ sung và ban hành mới văn bản quy phạm pháp luật về thuế đối với tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 6/2019.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Công an chủ trì nghiên cứu, đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất biện pháp phòng, chống, xử lý các vi phạm hình sự về gian lận, rửa tiền, tài trợ khủng bố và các tội phạm khác liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo vào tháng 9/2019.
Doanh nghiệp bỏ ra 14.300 tỷ đồng/năm để kiểm tra chuyên ngành
 
Theo số liệu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, hiện nay có khoảng 100.000 mặt hàng phải kiểm tra chuyên ngành. Mỗi năm doanh nghiệp phải bỏ ra 28,6 triệu ngày công và 14.300 tỷ đồng chi phí cho kiểm tra chuyên ngành.
Trên thực tế, hiện còn rất nhiều thủ tục chồng chéo, trong số các lô hàng phải kiểm tra chuyên ngành, có tới 58% phải thực hiện 2-3 lần thủ tục kiểm tra khiến tăng chi phí cho doanh nghiệp.
"Bên cạnh đó, hiện nay nhiều bộ vẫn còn độc quyền trong đánh giá sự phù hợp. Nhiều hàng hóa nhập khẩu của các nhà sản xuất hàng đầu thế giới nhưng chúng ta vẫn kiểm tra chuyên ngành và kiểm tra theo cách thủ công. Có tình trạng bộ chỉ giao 1 cơ quan trên cả nước thực hiện giám định, khiến chi phí cho doanh nghiệp đội lên rất lớn do phải vận chuyển hàng từ Bắc vào Nam, từ Nam ra Bắc chỉ để kiểm tra, giám định”, ông nói.
Dù vậy, trong việc kiểm tra hiện đang áp dụng hình thức thủ công là chính, kết nối công nghệ thông tin giữa các cơ quan còn hạn chế, chưa áp dụng quản lý rủi ro. Do đó, kiểm tra rất nhiều nhưng tỉ lệ phát hiện vi phạm rất thấp, chỉ khoảng 0,1%.