Sự kiện kinh tế tuần: Giá xăng tăng mạnh lần thứ 2 liên tiếp

Hà Thanh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá xăng tăng mạnh từ 17h chiều 17/7; Về với Ủy ban quản lý vốn, các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi; MB sẽ bán 7,5% vốn cho đối tác ngoại... là nội dung chú ý tuần qua.

Giá xăng tăng mạnh
Theo thông tin từ liên Bộ Công Thương - Tài chính, giá xăng dầu tiếp tục được điều chỉnh tăng kể từ 17h00, chiều 17/7. Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh tăng 626 đồng/lít; xăng RON95 tăng 718 đồng/lít. Dầu diesel tăng 48 đồng/lít; dầu hỏa tăng 22 đồng/lít; dầu mazut tăng 760 đồng/kg.
 Ảnh minh họa
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 không cao hơn 20.279 đồng/lít; xăng RON 95 không cao hơn 21.235 đồng/lít; dầu diesel không cao hơn 16.997 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 15.959 đồng/lít; dầu mazut không cao hơn 15.980 đồng/kg.
Tại kỳ điều chỉnh này, cơ quan điều hành thực hiện giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với xăng E5RON92 xuống mức 100 đồng/lít (kỳ trước trích 200 đồng/lít); giảm mức trích lập Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đối với các mặt hàng xăng RON95 và các loại dầu xuống mức 500 đồng/lít,kg (kỳ trước trích 700 đồng/lít,kg). Đồng thời, không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu.
Theo Liên Bộ, bình quân giá thành phẩm xăng dầu thế giới trong 15 ngày trước kỳ điều hành giá xăng dầu ngày 17/7/2019 có xu hướng tăng khá cao và lên mức: 72,109 USD/thùng xăng RON92 dùng để pha chế xăng E5RON92; 74,503 USD/thùng xăng RON95... Như vậy giá xăng dầu được điều chỉnh tăng lần thứ 2 liên tiếp kể từ đầu tháng 7.
Tại kỳ điều chỉnh gần đây nhất (ngày 2/7), xăng RON95 được điều chỉnh tăng 383 đồng/lít; xăng E5RON92 tăng 420 đồng/lít; dầu diesel 0.05S tăng 292 đồng/lít; dầu hỏa tăng 326 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S tăng 105 đồng/kg.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, tính đến hết ngày 31/3/2019, số dư Quỹ bình ổn giá xăng dầu đã âm hơn 620,6 tỷ đồng. Tổng số trích quỹ bình ổn giá trong quý 1/2019 (từ ngày 1/1/2019 đến hết ngày 31/3/2019) là 1.659 tỷ đồng.
Về với Ủy ban quản lý vốn, các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi
Tuần qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chủ trì cuộc làm việc của Thường trực Chính phủ với Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết các vấn đề đối với cơ quan mới chính thức đi vào hoạt động cách đây 10 tháng.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc. Ảnh: VGP/Quang Hiếu
Tại cuộc buổi việc, một số tập đoàn, tổng công ty cho rằng, cần có cơ chế làm sao phân cấp mạnh hơn cho DN để ra quyết định kinh doanh kịp thời, không để bỏ lỡ cơ hội thị trường bởi “chậm là thua”.
Có ý kiến cho rằng, việc phối hợp công tác giữa quản lý Nhà nước và quản lý vốn Nhà nước đối với DN là một vấn đề rất mới, chưa từng có trong thực tiễn, cần có thêm thời gian để nghiên cứu, đề ra các quy chế, phương thức quan hệ công tác phù hợp.
Các ý kiến cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, là cơ quan quản lý Nhà nước với Ủy ban, là cơ quan quản lý vốn.
Việc thành lập Ủy ban là một chủ trương lớn của Đảng nhằm tách chức năng quản lý Nhà nước ra khỏi chức năng đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước tại DN. Thủ tướng quán triệt cần thực hiện nghiêm chủ trương này của Đảng.
“Điều quan trọng hiện nay là cần rút kinh nghiệm những vấn đề đặt ra đối với Ủy ban sau 10 tháng hoạt động, trong đó có 2 việc cấp bách là phối hợp chặt chẽ, tập trung tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc trong xử lý các vấn đề của các tập đoàn, tổng công ty đã chuyển giao về Ủy ban, vì chúng ta đã nói là việc thành lập cơ quan mới này để tạo điều kiện tốt nhất cho các tập đoàn, tổng công ty hoạt động. Việc thứ hai là cần kiện toàn tổ chức, tiếp tục nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của Ủy ban”, Thủ tướng nói.
Tại buổi làm việc, Thủ tướng cũng nhấn mạnh vai trò của kinh tế Nhà nước, cụ thể là DN Nhà nước, trong đó có 19 tập đoàn, tổng công ty được bàn giao sang Ủy ban, với số vốn 2,3 triệu tỷ đồng. Không chỉ lớn về vốn mà các tập đoàn, tổng công ty này đóng góp sản phẩm quan trọng, tham gia vào các cân đối lớn của nền kinh tế, đóng góp cho tăng trưởng GDP, tạo việc làm, nộp ngân sách Nhà nước.
Thủ tướng yêu cầu Ủy ban cần chủ động hơn, đổi mới cách làm, linh hoạt, sáng tạo, vận dụng tốt, đúng quy định của pháp luật trong xử lý các vấn đề cụ thể đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Qua báo cáo, các tập đoàn phần lớn làm ăn có lãi. Doanh thu của các tập đoàn, tổng công ty thời gian qua đã tăng 15%, lợi nhuận trước thuế tăng hơn 21%, nộp ngân sách tăng trên 31%. Định hướng nhiệm vụ của Ủy ban thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần tiếp tục hoàn thiện thể chế, trong đó có thể chế tạo điều kiện, khắc phục vướng mắc, bất cập kéo dài đối với các tập đoàn, tổng công ty.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa, hoàn thiện hơn nữa Nghị định 131, trong đó tiếp tục hoàn thiện quy định, quy chế nội bộ, rà soát, kiện toàn tổ chức bộ máy, lưu ý bố trí đúng người, đúng việc, công tâm trong công tác cán bộ. Tăng cường quản lý, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh của các tập đoàn, tổng công ty bàn giao.
Phải xây dựng được mô hình quản trị doanh nghiệp hiện đại, phù hợp với các nguyên tắc, chuẩn mực quốc tế, tập trung nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của DN Nhà nước. Đặc biệt lưu ý kiện toàn hệ thống kiểm soát nội bộ DN Nhà nước, phát hiện, ngăn chặn, xử lý kịp thời các vi phạm.
Đẩy mạnh cơ cấu lại, tập trung vào những lĩnh vực then chốt, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không đầu tư được hoặc là các lĩnh vực Nhà nước cần phải nắm. Không phải chỉ có Ủy ban, mà cả các tập đoàn phải ứng dụng mạnh mẽ khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, đầu tư các lĩnh vực quan trọng mang tính chiến lược, định hướng, dẫn dắt, tạo sức lan tỏa, góp phần nâng cao sức cạnh tranh của nền kinh tế...
MB sẽ bán 7,5% vốn cho đối tác ngoại
Tổng giám đốc Ngân hàng Quân Đội (MB, mã CK: MBB) cho biết, ngay trong năm 2019, ngân hàng dự kiến bán 7,5% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài.
 Ảnh minh họa
Đợt chào bán sẽ được thực hiện thông qua phát hành mới 123 triệu cổ phiếu và bán 38,9 triệu cổ phiếu quỹ. "Chúng tôi dự kiến bán cổ phần cho một hoặc nhiều nhà đầu tư nước ngoài, và họ không nhất thiết phải là cổ đông chiến lược của ngân hàng", ông Thái nói.
Liên quan đến lý do không phát hành hết 10% "room" ngoại còn lại, CEO MB cho biết lượng chào bán cổ phần 7,5% là đủ nhu cầu vốn cho ngân hàng trong ba năm tới, ngoài ra ngân hàng vẫn còn có kế hoạch tăng vốn cấp 2 thông qua phát hành trái phiếu.
Tại phiên họp thường niên năm 2019 của MB, ban lãnh đạo ngân hàng từng hé lộ sắp tới sẽ là giai đoạn tăng vốn quyết liệt. Sở dĩ trong kế hoạch năm 2019, MB tăng vốn qua phát hành riêng lẻ thay vì cho cổ đông hiện hữu vì muốn đa dạng hóa cơ cấu cổ đông khi nhiều cổ đông lớn hiện tại là nhà nước.
CEO MB khi đó cũng nêu, nếu bán room 10%, giá cổ phiếu MBB ít nhất phải gấp 3, 4 lần mệnh giá. "Chào bán cổ phiếu với mức giá cao sẽ giúp MBBank có thặng dư vốn và không cần tăng quy mô vốn điều lệ lên quá lớn. Các năm sau, ngân hàng chi trả cổ tức bằng trả cổ phiếu tỷ lệ 8-10% sẽ đủ vốn", ông Thái chia sẻ tại phiên họp thường niên 2019.
Theo báo cáo tài chính quý I/2019, MBB hiện có vốn điều lệ hơn 21.600 tỷ đồng. Trong đó, ngân hàng này đang nắm giữ hơn 47 triệu cổ phiếu quỹ, tương đương giá trị hơn nghìn tỷ đồng.
IMF dự báo Việt Nam tăng trưởng 6,5% năm nay
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa công bố báo cáo dự báo GDP Việt Nam năm nay tăng chậm lại, còn 6,5%, thấp hơn mục tiêu 6,8% Chính phủ đưa ra cuối năm ngoái. Tốc độ này sẽ duy trì sang năm tới và trong trung hạn, phản ánh điều kiện bên ngoài dần kém thuận lợi. Năm ngoái, Việt Nam tăng trưởng 7,1%, cao nhất 10 năm.
 Ảnh minh họa
IMF tính toán lạm phát Việt Nam đạt trung bình 3,5% năm 2018. Số liệu này có thể tăng tốc, lên 3,6% năm nay và 3,8% năm 2020. Tổ chức này đánh giá năm ngoái, Việt Nam chịu tác động từ căng thẳng thương mại. Tuy nhiên, kinh tế vẫn vững vàng, nhờ thu nhập và tiêu dùng tăng ổn định, mùa màng tốt và sản xuất tăng vọt.
"Đà tăng trưởng kinh tế mạnh được dự báo kéo dài sang năm 2019, nhờ chi phí lao động cạnh tranh và các yếu tố nền tảng vững chắc khác, trong đó có cấu trúc thương mại đa dạng và nhiều hiệp định thương mại tự do ký kết gần đây. Những điều này đều đang thúc đẩy quá trình cải tổ", IMF nhận định.
IMF đánh giá cao các nỗ lực của Việt Nam nhằm hiện đại hóa các thể chế kinh tế và cải thiện khả năng quản trị. Tổ chức này cho rằng Việt Nam nên tập trung củng cố quy định chống tham nhũng và tăng giám sát doanh nghiệp nhà nước.
IMF cho rằng kinh tế vững mạnh tạo cơ hội thực hiện nhiều biện pháp cải tổ tham vọng, nhằm cân bằng sân chơi cho doanh nghiệp tư nhân. Cải tổ cũng có thể thu hút đầu tư nhờ giảm thủ tục hành chính, quy trình cấp phép và rào cản thương mại.
Năm nay, nhiều tổ chức quốc tế cũng dự báo tăng trưởng của Việt Nam chậm lại. Hồi tháng 4, Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) ước tính tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam thấp hơn, nhưng vẫn duy trì ở mức cao, đạt 6,8% năm nay và 6,7% năm 2020.
Trong báo cáo Điểm lại công bố đầu tháng, Ngân hàng Thế giới (WB) dự báo GDP Việt Nam tăng 6,6% năm nay do sức cầu bên ngoài yếu đi và chính sách tài khóa, tín dụng tiếp tục thắt chặt. 2 năm tới, tốc độ này có thể về 6,5%. Lạm phát được dự báo vào khoảng 3,7% năm nay, thấp hơn mục tiêu lạm phát của Chính phủ là 4%.