Sự thật hoạt động của chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Hà Nội

Bích Hời
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 12/5, nhiều báo chí của Việt Nam đã thông tin theo Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn Family Mart UNY của Nhật rằng "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart tại Việt Nam, thực tế chuỗi bán lẻ này trên thị trường Hà Nội hoạt động ra sao?

Hệ thống Family Mart tại Việt Nam phát triển như thế nào?

Trong bản tin Tài chính Kinh doanh của Đài Truyền hình Việt Nam lúc 7 giờ sáng ngày 12/5/2017 đã phát đi thông tin lấy theo của Hãng thông tấn Reuters dẫn lời Chủ tịch Tập đoàn Family Mart UNY của Nhật rằng "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart tại Việt Nam. Cũng trong ngày, nhiều báo chí của Việt Nam đã dẫn theo. Nguyên nhân là do việc kinh doanh đang gặp thua lỗ. Đại diện Family Mart tại Việt Nam - Công ty TNHH Cửa hàng Tiện lợi Gia đình Việt Nam đã xác nhận thông tin này. Tuy nhiên, Family Mart cũng bác bỏ thông tin là Tập đoàn mẹ ở Nhật rút vốn đầu tư khỏi Việt Nam, "không thể đổ thêm nguồn lực để đầu tư" tức là không đổ thêm vốn để đầu tư hơn mức hiện tại.
 Phụ Nữ News đưa tin về FamilyMart ngừng hoạt động tại Việt Nam.
FamilyMart vào Việt Nam bắt đầu từ tháng 6/2011 trên cơ sở liên doanh Vina FamilyMart, với vốn đầu tư ban đầu là 4,2 triệu USD được góp từ Phú Thái là 51%, FamilyMart Nhật góp 44% và Itochu cũng của Nhật góp 5%. Đến Tháng 5/2013, chuỗi FamilyMart đã có 42 cửa hàng tại TP.HCM và còn đặt tham vọng phát triển tới 300 cửa hàng vào năm 2015, tương đương tốc độ mở hơn 103 cửa hàng/năm.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2012 của FamilyMart nêu rõ, mức lãi ròng của FamilyMart tăng 50,9% so với 2011. Tuy nhiên, hoạt động kinh doanh toàn cầu của FamilyMart trong năm 2012 lại lỗ khoảng 11,5 triệu USD từ 3 thị trường Trung Quốc, Mỹ và Việt Nam.

Sau 2 năm hoạt động tại Việt Nam, vào thời điểm năm 2013, thị trường bán lẻ Việt Nam và Thái Lan đã rầm rộ thông tin tỷ phú người Thái Lan Charoen Sirivadhanabhakdi đã hoàn tất thương vụ mua lại chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Việt Nam. Do đó, một số cửa hàng đã được đổi tên thành B’s mart. B là ký tự đầu tiên của tập đoàn BJC, tập đoàn Berli Jucker Plc (BJC) của tỷ phú Charoen và Mongkol Group (Thái Lan).

Được biết, hiện nay chuỗi Cửa hàng Tiện lợi Gia đình Việt Nam (Family Mart) phát triển nhiều nhất tại TP Hồ Chí Minh.

Đâu là bóng dáng chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Hà Nội?

Lần theo địa chỉ chuỗi bán lẻ FamilyMart tại Hà Nội, phóng viên Báo Kinh tế & Đô thị đã đến 3/7 địa chỉ đăng trên trang web, sự thật khiến cho phóng viên thật ngỡ ngàng.
 Địa chỉ cửa hàng FamilyMart tại Hà Nội.
Cửa hàng ở số 18A, ngõ 209 Đội Cấn, Ba Đình, Hà Nội không hề có cửa hàng. Tại địa chỉ số 49 Nguyễn Như Đỗ, Văn Miếu, Đống Đa, Hà Nội cũng không có. Vì đường này chỉ có đến số 47 là hết. Tại số 208 Hoàng Văn Thái, Khương Trung, Thanh Xuân, Hà Nội thì không phải cửa hàng của FamilyMart mà là cửa hàng của Vina Mart. Phóng viên cũng đã hỏi một số người dân ở khu vực xung quanh được coi là đăng ký cửa hàng theo trang web thì họ cho biết không biết có cửa hàng như vậy.
 Đây là địa chỉ duy nhất phóng viên tìm thấy trên địa bàn Hà Nội, nhưng nó không mang tên FimilyMart.
Thực tế cho thấy, các vị trí cửa hàng FamilyMart đặt kinh doanh hầu hết tại các ngõ sâu, đường nhỏ, gần chợ… Nếu sự quản lý không tốt, cộng với chi phí cao thì FamilyMart khó có thể cạnh tranh với các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ của người Việt Nam. Vì từ các đường lớn đến ngõ hay ngách nhỏ trên địa bàn từ thành phố đến nông thôn hiện nay đều có các cửa hàng kinh doanh nhỏ lẻ của các hộ gia đình, chưa kể hàng loạt các cửa hàng tiện ích của nhiều đơn vị cũng đang phát triển mạnh mẽ.

Như vậy, khả năng FamilyMart đang kinh doanh không hiệu quả tại Hà Nội nói chung và Việt Nam nói riêng, đây có thể là lý do cốt lõi để chủ đầu tư Nhật Bản sẽ rời khỏi thị trường bán lẻ Việt Nam.