Sửa đổi Nghị định 86/2014/NĐ-CP để lấp lỗ hổng chính sách

Yến Dư
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa đưa ra Dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP để các Bộ, ngành và các cơ quan, đơn vị liên quan góp ý. Đáng chú ý, Dự thảo có những điều chỉnh để lấp lỗ hổng chính sách trong quản lý vận tải hành khách (VTHK) đã tồn tại lâu nay.

Có siết được xe “dù”, bến “cóc”?

Dự thảo sửa đổi Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Bộ GTVT đã dành sự quan tâm đặc biệt đến việc xây dựng các quy định để quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh VTHK theo hợp đồng và xe du lịch.

Cụ thể như: Cho phép sử dụng hợp đồng điện tử đối với một số loại hình VTHK; trước khi thực hiện hợp đồng, đơn vị kinh doanh vận tải phải báo cáo thông tin liên quan đến chuyến đi với cơ quan chức năng thông qua phần mềm...

Thanh tra Sở GTVT Hà Nội xử lý xe khách “trá hình” trên địa bàn quận Nam Từ Liêm.

Dự thảo cũng quy định kỹ càng hơn một số chi tiết như: Đơn vị kinh doanh VTHK theo hợp đồng và lái xe không được đón, trả khách thường xuyên, lặp đi lặp lại hàng ngày tại trụ sở chính; trụ sở chi nhánh; văn phòng đại diện hoặc tại một địa điểm cố định khác do đơn vị kinh doanh vận tải thuê, hợp tác kinh doanh.

Bộ trưởng Bộ GTVT Trương Quang Nghĩa đã ký quyết định thành lập Ban soạn thảo và Tổ biên tập xây dựng Nghị định thay thế Nghị định số 86 gồm 57 người do Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ làm Trưởng ban.

Trong thời gian một tháng, mỗi xe và mỗi đơn vị vận tải không được thực hiện quá 30% tổng số chuyến xe có điểm khởi hành và điểm kết thúc trùng nhau, không được thực hiện lặp lại trên một lịch trình, hành trình.

Đặc biệt, hợp đồng vận tải giữa đơn vị kinh doanh vận tải với tổ chức, cá nhân có nhu cầu thuê cả chuyến xe, phải được ký kết trước khi thực hiện vận chuyển hành khách. Với đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe ô tô dưới 8 chỗ ngồi phải thông báo tới cơ quan quản lý nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải các thông tin cơ bản của chuyến đi theo quy định.

Đây đều là những lỗ hổng tạo điều kiện cho xe “dù”, bến “cóc” tồn tại, phát triển lâu nay, gây nên nhiều bức xúc trong dư luận xã hội.

Nới “room” cho xe taxi

Thống kê của Bộ GTVT cho thấy, hiện nay số lượng taxi tập trung chủ yếu tại các TP lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh với quy mô phát triển khá nhanh. Hiện, Hà Nội có 18.629 xe taxi với 88 DN, HTX hoạt động kinh doanh; TP Hồ Chí Minh có 10.850 xe với 23 DN, HTX hoạt động kinh doanh.

Tại dự thảo Nghị định sửa đổi, Bộ GTVT đề xuất bỏ quy định về số lượng phương tiện tối thiểu ở tất cả các loại hình xe taxi, xe buýt, vận tải hàng hóa, xe hợp đồng, xe chở khách du lịch.

Cụ thể, Nghị định 86 quy định các DN, HTX kinh doanh VTHK bằng xe taxi phải có số xe tối thiểu là 10 xe; riêng đối với đô thị loại đặc biệt phải có số xe tối thiểu là 50 xe. Các DN kinh doanh vận tải hàng hóa, VTHK theo hợp đồng, vận tải khách du lịch cự ly từ 300km trở lên phải có từ 10 xe trở lên nếu có trụ sở đặt tại các TP trực thuộc Trung ương và từ 5 xe trở lên ở các địa phương còn lại…

Một điểm đáng chú ý nữa là theo quy định tại Nghị định 86 hiện hành, trong điều kiện kinh doanh VTHK bằng xe taxi thì xe chỉ có niên hạn sử dụng không quá 8 năm tại đô thị loại đặc biệt; không quá 12 năm tại các địa phương khác. Tại dự thảo sửa đổi Nghị định 86 lần này này, Bộ GTVT đề xuất quy định chung xe taxi có niên hạn sử dụng không quá 12 năm.

Giải thích về việc nới lỏng quy định này, theo Thứ trưởng Thọ, hiện số lượng các đơn vị kinh doanh vận tải trên địa bàn cả nước có quy mô nhỏ vẫn chiếm tỷ trọng lớn; có tới 17.799/24.580 đơn vị có quy mô nhỏ hơn 5 xe. Trong đó tuyến cố định chiếm 34,6%; xe buýt chiếm 10,0%; xe hợp đồng chiếm 86,6%; xe conteiner chiếm 53,2%; xe du lịch chiếm 76,9%; xe tải 78,4%.

Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định: “Như vậy, theo lộ trình quy định tại Nghị định 86 thì hầu hết các đơn vị này sẽ không thực hiện được quy định về quy mô, điều này sẽ gây khó khăn trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh của DN. Hơn nữa, đối với tuyến cố định và xe buýt, hiện nay đang thực hiện quy định về lựa chọn đơn vị tham gia khai thác tuyến và đấu thầu tuyến xe buýt theo quy hoạch đã được phê duyệt, khi đó ngay cả khi các đơn vị có đủ phương tiện cũng chưa chắc chắn đã được lựa chọn tham gia khai thác tuyến”.

"Sau 2 năm thực hiện Nghị định số 86/2014/NĐ - CP ngày 10/9/2014 của Chính phủ, việc thực hiện các quy định của Nghị định về cơ bản đã đáp ứng được các yêu cầu đặt ra. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, Nghị định này vẫn còn một số tồn tại, bất cập cần sửa đổi, bổ sung để đảm bảo thị trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải" - Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ