Sức công phá của virus tham nhũng, trì trệ, vô cảm không kém gì virus Corona

Khang Nhi - Công Thọ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thảo luận tại Hội trường Diên Hồng chiều ngày 15/6, đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ tư vấn văn hóa giáo dục, đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa (Đoàn Đồng Tháp) nhấn mạnh, đây là mong muốn xuất phát từ vai trò của văn hóa, giáo dục và công nghệ, trong đó, văn hóa là nền tảng tinh thần, nền tảng tư tưởng của xã hội và giáo dục, khoa học - công nghệ là quyết sách hàng đầu.

Theo đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa, Tổ tư vấn văn hóa giáo dục sẽ tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ những quyết sách đúng đắn hơn, kịp thời hơn về chính sách phát triển văn hóa – giáo dục, khoa học – công nghệ trong trung hạn, dài hạn và phát triển kinh tế - xã hội hàng năm. Như tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, tổ tư vấn đã tư vấn với Thủ tướng nhiều giải pháp, nhiều biện pháp ứng phó kịp thời trước những biến động của tình hình kinh tế trong nước và quốc tế.
Đề cập đến các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, đại biểu đề nghị Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp trên tinh thần Chính phủ hành động, Chính phủ kiến tạo. Cộng đồng doanh nghiệp được xem là động lực để phát triển đất nước và nhiều địa phương. Thủ tướng đã tổ chức nhiều hội nghị, nhiều hội nghị được gọi là hội nghị Diên Hồng để lắng nghe doanh nghiệp và có nhiều quyết sách để giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Gần đây nhất, hội nghị Thủ tướng và doanh nghiệp được tổ chức với quy mô khoảng 6.000 đại biểu ở các điểm cầu để tìm giải pháp giúp đỡ, tháo gỡ cho doanh nghiệp hậu Covid-19, trong đó có hỗ trợ gói tín dụng và tài khóa với quy mô chưa từng có trong bối cảnh tài chính quốc gia còn nhiều hạn hẹp.
Mới nhất, báo cáo VCCI cho thấy có 55% doanh nghiệp tiếp tục duy trì quy mô kinh doanh như hiện nay trong quý III và 22% có ý định mở rộng sản xuất. Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chỉ rõ, thực tế còn tồn tại nhiều rào cản về cơ chế, cách thức điều hành có thể gây khó cho doanh nghiệp. Đó là câu chuyện liên quan đến các loại virus như virus tham nhũng, virus trì trệ, virus vô cảm như các đại biểu đã phản ánh. Sức công phá của các loại virus này không kém gì virus Corona.
Với tinh thần chống dịch Covid-19 như vừa qua, đại biểu mong Thủ tướng quyết liệt hơn nữa, quyết tâm hơn nữa trong công tác chỉ đạo chống các loại virus nói trên. Đó là tư tưởng chống dịch như chống giặc, việc xác định các nhóm nguy cơ cao trong nhiễm các loại virus và đặc biệt quyết tâm khoanh vùng, dập dịch, ngăn chặn từ xa và dập dịch triệt để để từng bước tạo môi trường minh bạch, trong lành để phát triển kinh tế - xã hội.
Dẫn câu chuyện về hỗ trợ doanh nghiệp của lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa đề nghị Chính phủ chỉ đạo các địa phương tăng cường đối thoại, lắng nghe, đồng hành để tháo gỡ những khó khăn cùng doanh nghiệp.
Chống trì trệ, quan liêu, sách nhiễu như chống giặc
Tham gia thảo luận, đại biểu Quốc hội Phan Viết Lượng (Đoàn Bình Phước) bảy tỏ đồng tình với các nhiệm vụ và giải pháp trong báo cáo của Chính phủ. Đại biểu cũng đề nghị 3 vấn đề: Thứ nhất, về giáo dục, đào tạo và dạy nghề. Theo đại biểu, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tốt các nhiệm vụ, giải pháp đề ra, nhất là triển khai các chính sách, quy định của các luật, nghị quyết mới ban hành.
Để khắc phục hạn chế nêu trong báo cáo của Chính phủ, đề nghị phải thực sự ưu tiên nguồn lực, các điều kiện đảm bảo chất lượng dạy và học trong các cấp học. Hoàn thiện văn bản và tổ chức hướng dẫn thực hiện cơ chế tự chủ gắn với trách nhiệm giải trình, nhất là giải trình về chất lượng giảng dạy, công tác tuyển sinh, thu học phí đối với người học.
Hoàn thành quy hoạch mạng lưới, cơ cấu ngành nghề đào tạo giáo dục đại học, dạy nghề; khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, cơ sở vật chất, thiết bị đối với giáo dục phổ thông. Hướng dẫn về tiêu chí, định mức, xây dựng và tổng hợp dự toán ngân sách nhà nước chi cho giáo dục, đào tạo để đảm bảo đạt tỷ lệ tối thiểu 20% và quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn lực này.
Thứ hai, về lĩnh vực văn hóa, đại biểu Phan Viết Lượng cho rằng, Chính phủ, Ủy ban của Quốc hội đã báo cáo, đánh giá khách quan những kết quả, hạn chế trong lĩnh vực văn hóa; đồng thời, kiến nghị các nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới. Đại biểu đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương quan tâm, phát triển lĩnh vực văn hóa thực sự trở thành nền tảng tinh thần, động lực phát triển đất nước. Tạo sự thống nhất trong nhận thức và hành động về vị trí, vai trò của văn hóa; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch, đề án với các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể nhằm thực hiện có hiệu quả Kết luận số 76-KL/TW ngày 4.6.2020 của Bộ Chính trị Khóa XII.
Hoàn thiện, thi hành chính sách, pháp luật, nhất là chính sách, pháp luật về xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam, bảo tồn di sản văn hóa, phát huy tiềm năng sáng tạo và bảo đảm quyền hưởng thụ văn hóa của Nhân dân. Phát triển văn hóa phải đặt ngang hàng với phát triển kinh tế, chính trị; ưu tiên đầu tư nguồn lực thỏa đáng cho sự nghiệp văn hóa và kiện toàn đội ngũ cán bộ công tác văn hóa theo kết luận của Trung ương.
Thứ ba, về khâu tổ chức thực hiện. Theo đại biểu Phan Viết Lượng, Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã xây dựng hệ thống pháp luật tạo hành lang pháp lý điều chỉnh các lĩnh vực, phục vụ phát triển đất nước; đồng thời, quyết định các mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp chủ trương, đường lối, bám sát thực tiễn và có tính khả thi. Tuy nhiên, việc thi hành chính sách, pháp luật trên các lĩnh vực còn nhiều yếu kém, vi phạm, gây thất thoát, lãng phí còn lớn, nhất là trong quản lý công trình, dự án đầu tư; quản lý tài chính, ngân sách, tài nguyên, tài sản công. Qua thực tế nhiều năm cho thất, tổ chức thực hiện vẫn là khâu yếu, là nguyên nhân chủ quan của hầu hết các hạn chế, yếu kém nêu trên.
Đại biểu Phan Viết Lượng đề nghị cần tiếp tục quyết liệt chỉ đạo, nâng cao hiệu lực, hiệu quả khâu tổ chức thực hiện, nhất là đối với các nhiệm vụ, giải pháp quan trọng, cấp bách, như giải ngân vốn đầu tư công, cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, trấn áp các băng nhóm tội phạm; xử lý các vấn đề bức xúc kéo dài, cản trở sự phát triển đất nước, tinh thần đổi mới, sáng tạo của Chính phủ, của các bộ, ngành, địa phương.
Việc triển khai tổ chức thực hiện phải sát tình hình thực tế, có kế hoạch, đề án bài bản, phân công trách nhiệm cụ thể, rõ ràng. Duy trì giao ban đánh giá, rút kinh nghiệm, công khai, minh bạch thông tin. Thanh tra, kiểm tra, phát hiện và xử lý kịp thời, nghiêm minh các hành vi vi phạm; khắc phục tình trạng “cha chung không ai khóc”, “trên nóng dưới lạnh”, thành tích, điển hình không được biểu dương khen thưởng và nhân rộng còn vi phạm lại chậm được phát hiện và xử lý.
“Hưởng ứng lời kêu gọi “chống dịch như chống giặc”, cả nước đã đồng lòng chiến thắng vẻ vang dịch covid 19. Trì trệ, quan liêu, sách nhiễu đang bào mòn lòng tin của nhân dân, cản trở phát triển đất nước. Xin đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét, có thể kêu gọi toàn dân “chống trì trệ, quan liêu, sách nhiễu như chống giặc” để Việt Nam bứt phá vươn lên”, đại biểu Phan Viết Lượng nhấn mạnh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần