Sức ép giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trong năm 2023

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tại hội thảo bên lề Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5 về đầu tư công ngày 17/12, các chuyên gia lưu ý, sức ép giải ngân đầu tư công tiếp tục tăng trong năm sau.

Trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Bộ KH&ĐT, Bộ GTVT tổ chức Hội thảo chuyên đề 3 với chủ đề "Đẩy nhanh tiến độ giải ngân và nâng cao hiệu quả đầu tư công tạo động lực tăng trưởng kinh tế năm 2023".

11 tháng giải ngân vốn đầu tư công đạt 58,33% kế hoạch

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho biết, ước giải ngân kế hoạch đầu tư vốn ngân sách nhà nước từ đầu năm đến ngày 30/11/2022 là 338.319,81 tỷ đồng, đạt 58,33% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2021 và một số năm gần đây. Tuy nhiên, theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, đây là năm có số tuyệt đối giải ngân cao nhất so với các năm trước đây.

Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.
Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, chỉ còn khoảng hơn 1 tháng nữa là kết thúc niên độ ngân sách năm 2022, do đó, đề nghị các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương cần tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp được giao tại Nghị quyết số 124/NQ-CP của Chính phủ.

Phó Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Duy Hưng nhận định, đầu tư công là kênh quan trọng, thúc đẩy tăng trưởng, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi kinh tế sau Covid-19, tình hình thế giới có nhiều biến động.

Việc đẩy mạnh giải ngân đầu tư công một mặt vừa đóng góp trực tiếp vào tiêu thụ nguyên, nhiên vật liệu và hàng hóa, phát triển cơ sở hạ tầng, giảm chi phí lưu thông, nâng cao năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế... một mặt vừa đóng góp vào tăng trưởng kinh tế GDP cho đất nước, gián tiếp đưa tiền vào thị trường để kích thích tổng cung, tổng cầu.

Đồng thời, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động và cải thiện cơ sở hạ tầng, giúp phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội mạnh hơn, nhất là sau những cú sốc về khủng hoảng, suy thoái, dịch bệnh...

"Tuy nhiên, tình trạng giải ngân chậm, đầu tư công hiệu quả chưa cao vẫn được thảo luận  nhiều, dù không phải vấn đề mới, nhưng chưa được giải quyết căn cơ", ông Nguyễn Duy Hưng nhận xét.

Vốn đầu tư công năm 2023 tăng 140.000 tỷ đồng so với 2022

Dưới góc độ doanh nghiệp, Chủ tịch Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp cho rằng, để đẩy mạnh việc giải ngân đầu tư công, bên cạnh các chỉ đạo của Chính phủ về chuẩn bị ngân sách, giải phóng mặt bằng, cần có biện pháp giải quyết đầu ra của vốn. Cụ thể, cần nhanh chóng điều chỉnh và bổ sung hệ thống đơn giá định mức hiện nay, theo đó, cần có kế hoạch rà soát phân loại các đơn giá, định mức để có kế hoạch bổ sung ngay trong quý I/2023 cho kịp triển khai các dự án hiện nay, cần có quy trình phân cấp, phân quyền cụ thể và quy định rõ ràng cho các ban quản lý dự án, chủ đầu tư để xử lý việc điều chỉnh, giải quyết các việc phát sinh…

Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, cho biết Quốc hội đã thông qua kế hoạch đầu tư công năm 2023 với tổng số vốn trên 700.000 tỷ đồng, tăng khoảng 25% (khoảng 140.000 tỷ đồng) so với kế hoạch năm 2022. Năm sau cũng là năm phải giải ngân toàn bộ số vốn thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội.

Trong khi đó, giải ngân đầu tư công là một nút thắt lớn trong nhiều năm và chưa xử lý được trong thời gian ngắn như công tác giải phóng mặt bằng, chất lượng chuẩn bị dự án, năng lực Ban Quản lý dự án, nhà thầu... 

Để thực hiện thành công kế hoạch đầu tư công năm 2023, lãnh đạo Bộ KH&ĐT đề nghị rà soát, hoàn thiện hệ thống pháp luật điều chỉnh hoạt động các dự án đầu tư công, trước tiên là sửa ngay các bất cập đã phát hiện trong năm 2022 nhằm đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội.

Cụ thể, ông Phương cho rằng, các cơ quan chức năng cũng cần làm tốt công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị thực hiện dự án, kiểm tra, rà soát từng dự án bố trí kế hoạch vốn năm 2023, đặc biệt là các dự án khởi công mới, lựa chọn dự án đủ thủ tục đầu tư, đáp ứng điều kiện bố trí vốn theo quy định, nâng cao tính sẵn sàng và khả thi, khả năng triển khai thực hiện dự án. Ngoài ra, chính phủ cần khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn năm 2023 cho các nhiệm vụ, dự án trước ngày 31/12/2022 để có thể giải ngân từ ngày đầu, tháng đầu của năm 2023.

"Việc phân bổ phải bảo đảm nguyên tắc, tiêu chí, thứ tự ưu tiên quy định tại Luật Đầu tư công, Nghị quyết của Quốc hội và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội, ngành, lĩnh vực, địa phương và các quy hoạch đã được phê duyệt, đồng thời, cần triển khai quyết liệt, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, Chương trình mục tiêu quốc gia ngay từ đầu năm 2023, đề cao trách nhiệm người đứng đầu để các mục tiêu đề ra", Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh.

"Nguồn vốn đầu tư công rất lớn khiến sức ép càng nhiều", ông Dương Bá Đức, Vụ trưởng Đầu tư (Bộ Tài chính) nói. Ông cho biết, lượng tiền phải giải ngân có thể gấp đôi năm 2022 nếu tính cả phần chuyển nguồn từ năm nay sang.

Do đó, ông Dương Bá Đức cho rằng, để năm 2023 đạt được mục tiêu thúc đẩy giải ngân đầu tư công - vốn được xem là động lực tăng trưởng kinh tế quan trọng - trước tiên, cần xem đây là ưu tiên hàng đầu, thường trực trong tư duy nhận thức. Từ các ví dụ ở một số địa phương, bộ ngành thành công, ông Phương nói, nơi nào có quan tâm tốt hơn đến đầu tư công, nơi đó giải ngân vốn tốt hơn. Trước đó, đại diện Bộ Tài chính cũng nhận định rằng, khó khăn vướng mắc về chính sách là giống nhau, nhưng vẫn có địa phương, bộ ngành làm tốt – tức vấn đề chủ yếu nằm ở khâu thực hiện.

Cả đại diện Bộ KH&ĐT và Bộ Tài chính lưu ý, cần tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan, xử lý nghiêm vi phạm theo quy định; kiểm soát chặt chẽ mục tiêu, hiệu quả sử dụng vốn đầu tư; bảo đảm công bằng, công khai, minh bạch thông tin, phòng chống tham nhũng, lãng phí và lợi ích nhóm...