Sức hút của BRICS

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Căng thẳng gia tăng sau cuộc chiến Ukraine và sự cạnh tranh ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Mỹ, đã tạo động lực cho Bắc Kinh và Moscow tìm cách củng cố BRICS.

Trong hội nghị ngày 22/8, các nhà lãnh đạo BRICS đã vạch ra lộ trình tương lai của khối, tuy nhiên một cuộc tranh luận gay gắt về khả năng mở rộng của nhóm nhằm tăng cường ảnh hưởng toàn cầu đã nổ ra. 

Nỗ lực củng cố, mở rộng

Hội nghị thượng đỉnh từ ngày 22-24/8 tại Johannesburg là cơ hội để củng cố khối, bao gồm cả Nam Phi, Brazil và Ấn Độ, trở thành đối trọng với sự thống trị của phương Tây trong các thể chế toàn cầu.

Trong bài phát biểu tại Diễn đàn Kinh doanh BRICS, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình khẳng định: “Ngay bây giờ, những thay đổi trên thế giới, ở thời đại chúng ta và trong lịch sử đang diễn ra theo những cách chưa từng có trước đây, đưa xã hội loài người đến một thời điểm quan trọng”.

"Tiến trình lịch sử sẽ được định hình bởi những lựa chọn của chúng ta."

Ít nhất 22 quốc gia đã yêu cầu tham gia BRICS cho đến nay. Ảnh: Al Jazeera
Ít nhất 22 quốc gia đã yêu cầu tham gia BRICS cho đến nay. Ảnh: Al Jazeera

Sự kiện còn có sự hiện diện của Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, Tổng thống Brazil Luiz Inacio Lula da Silva và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Nhận xét từ Tổng thống Lula của Brazil cho thấy sự khác biệt về tầm nhìn trong khối. 

“Chúng tôi không muốn trở thành đối trọng với G7, G20 hay Mỹ,” Tổng thống Lula cho biết.

Ngoài vấn đề mở rộng, việc thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ của các quốc gia thành viên trong các giao dịch thương mại và tài chính để giảm bớt sự phụ thuộc vào đồng USD cũng nằm trong chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

"Quá trình phi đô la hóa một cách khách quan, không thể đảo ngược trong các mối quan hệ kinh tế của chúng ta đang tiến triển," Tổng thống Putin cho biết trong bài phát biểu trực tuyến tại hội nghị. 

Từ viết tắt BRICS, ban đầu không bao gồm Nam Phi, được nhà kinh tế trưởng Jim O'Neill của Goldman Sachs đặt ra vào năm 2001 trong một bài nghiên cứu nhấn mạnh tiềm năng tăng trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc.

Khối được thành lập như một nhóm không chính thức vào năm 2009, nhằm cung cấp nền tảng cho các thành viên thách thức trật tự thế giới do Mỹ và các đồng minh phương Tây chiếm đa số. 

Sự ra đời của BRICS do Nga khởi xướng. Nhóm không phải là một tổ chức đa phương chính thức như Liên hợp quốc, Ngân hàng Thế giới hay Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC). Các nguyên thủ quốc gia và chính phủ của các quốc gia thành viên triệu tập hàng năm, với mỗi quốc gia đảm nhận chức chủ tịch luân phiên.

Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc là những thành viên sáng lập.

Nam Phi, thành viên nhỏ nhất xét về sức mạnh kinh tế và dân số, là nước hưởng lợi đầu tiên từ việc mở rộng khối vào năm 2010 khi nhóm này được gọi là BRICS. Các quốc gia cùng nhau chiếm hơn 40% dân số thế giới và một phần tư nền kinh tế toàn cầu.

Ngoài địa chính trị, trọng tâm của nhóm còn bao gồm hợp tác kinh tế, tăng cường thương mại và phát triển đa phương. Khối hoạt động theo nguyên tắc đồng thuận. Tất cả các nước BRICS đều là thành viên của Nhóm 20 (G20) của các nền kinh tế lớn.

Mục tiêu "phi đô la hóa"

Một hệ thống tài chính thay thế là trọng tâm trong kêu gọi của BRICS.

Năm 2015, Ngân hàng Phát triển Mới (NDB) – khi đó được gọi là Ngân hàng Phát triển BRICS – được thành lập, có trụ sở chính tại Thượng Hải, nhằm trao cho các thành viên BRICS nhiều quyền kiểm soát hơn về tài chính phát triển và đưa ra giải pháp thay thế cho các tổ chức do Mỹ dẫn dắt như IMF và Ngân hàng Thế giới, được thành lập sau Thế chiến thứ hai.

Các quốc gia BRICS cũng đang xây dựng “BRICS pay” - một hệ thống thanh toán cho các giao dịch giữa các thành viên BRICS mà không cần phải chuyển đổi nội tệ sang USD. Tuy nhiên, 8 năm sau khi NDB được thành lập, ngân hàng phát triển này phụ thuộc phần lớn vào đồng USD và đã phải vật lộn để đảm bảo đồng tiền đó trong bối cảnh có lệnh trừng phạt đối với Nga, một thành viên sáng lập. Trên toàn cầu, đồng USD hiện vẫn chiếm 60% dự trữ ngoại hối của ngân hàng trung ương.

Các cuộc thảo luận về đồng tiền BRICS đã trở nên sôi nổi trong những tháng gần đây, mặc dù Nam Phi đã nói rõ rằng vấn đề này sẽ không được thảo luận tại hội nghị thượng đỉnh này.

Gustavo de Carvalho, nhà nghiên cứu cấp cao về quan hệ Nga-Châu Phi tại Viện Quan hệ Quốc tế Nam Phi có trụ sở tại Johannesburg, cho biết các sáng kiến phi đô la hóa của BRICS, với tư cách là một nhóm, không nhằm mục đích thay thế đồng USD mà nhằm tạo ra các lựa chọn thay thế, tạo thuận lợi cho thương mại song phương bằng đồng nội tệ.

Ý tưởng cũng như cam kết từ những bên muốn tham gia hoặc hợp tác với BRICS rất đơn giản. Ngoài mối đe dọa từ các lệnh trừng phạt của Mỹ, sự phụ thuộc quá lớn vào đồng USD trong giao dịch thương mại hoặc trả nợ còn gây tổn thất nặng nề khi giá trị của đồng bạc xanh tăng lên – điều gần như luôn xảy ra trong các cuộc khủng hoảng toàn cầu như cuộc khủng hoảng mà thế giới đã phải chịu đựng kể từ năm 2020.

De Carvalho cho biết có một lý do khác để cắt giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, đó là có thể tăng cường đòn bẩy của các quốc gia đang phát triển, đóng vai trò như một “công cụ bổ sung” khi đưa ra “các quyết định lớn xung quanh việc tài trợ phát triển và vai trò của các tổ chức như IMF”.

Sức hút của BRICS

Vào tháng 7, Tổng thống Algeria Abdelmadjid Tebboune cho biết nước này muốn gia nhập BRICS và thậm chí đã dành 1,5 tỷ USD để đóng góp cho NDB - về bản chất là "mua vé" tham gia nhóm này. Hồi tháng 6, Ai Cập cũng xin gia nhập.

Trong năm vừa qua, Argentina, Ả Rập Saudi và Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất đã nổi lên như những ứng cử viên khác trong danh sách xếp hàng dài để có khả năng gia nhập khối, bao gồm Indonesia, quốc gia đông dân thứ tư thế giới và Nigeria, nền kinh tế lớn nhất châu Phi.

Trung Quốc cùng với Nga bày tỏ ủng hộ, cho biết sẵn sàng đón nhận các thành viên mới gia nhập Khối. Tuy nhiên, không phải tất cả các thành viên đều chắc chắn rằng BRICS lớn hơn nhất thiết phải là BRICS mạnh hơn.

Brazil tỏ ra dè dặt về việc mở rộng hoạt động vì lo ngại rằng ảnh hưởng của nước này có thể bị suy giảm. Một quan chức Brazil nói với Reuters hồi đầu tháng 8: “Việc mở rộng có thể biến khối này đi chệch bản chất ban đầu”.

Cho đến nay, hơn 40 quốc gia, bao gồm Iran, Ả Rập Saudi, Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, Argentina, Algeria, Bolivia, Indonesia, Ai Cập, Ethiopia, Cuba, Cộng hòa Dân chủ Congo, Comoros, Gabon và Kazakhstan đã bày tỏ sự quan tâm đến việc tham gia BRICS.  

Iran, nơi chiếm khoảng 1/4 trữ lượng dầu mỏ của Trung Đông, cho biết họ hy vọng cơ chế tuyển thành viên mới sẽ được quyết định “sớm nhất”.