Sức nặng của hương ước

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hội nghị "15 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT - TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng...

Kinhtedothi - Hội nghị "15 năm thực hiện Chỉ thị 24/1998/CT - TTg ngày 19/6/1998 của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước của làng, thôn, ấp, bản, cụm dân cư" đã diễn ra chiều 18/11 tại Làng Văn hóa du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Sơn Tây), trong khuôn khổ Tuần lễ "Đại đoàn kết các dân tộc - Di sản Văn hóa Việt Nam".

Những bài học kinh nghiệm quý giá đã được chia sẻ cùng với những giải pháp để quá trình xây dựng, thực hiện hương ước, quy ước hiệu quả hơn trong thời gian tới.

 
 Trình diễn hát xoan Phú Thọ. Ảnh: Đức Thịnh
Trình diễn hát xoan Phú Thọ. Ảnh: Đức Thịnh
Gắn với đời sống

Ông Vũ Đức Hải - Phó Chánh văn phòng - Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo T.Ư cho biết, sau 15 năm thực hiện Chỉ thị số 24/1998/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tổ chức cho người dân tham gia nhiệt tình các phong trào xây dựng làng, bản, thôn, ấp… gắn chặt với những nội dung cụ thể trong hương ước, quy ước. Đến nay, cả nước đã có 71.933 trong tổng số 118.034 làng văn hóa, tổ dân phố văn hóa được khen thưởng ở các cấp (đạt tỷ lệ 60,94%). Tuy nhiên, ở một số địa phương, việc xây dựng và thực hiện hương ước vẫn còn những hạn chế; việc đôn đốc, kiểm tra chưa đồng bộ, thống nhất; nội dung của một số hương ước thiếu cụ thể hoặc có những quy định vi phạm pháp luật; việc phê duyệt hương ước chưa đúng thẩm quyền và thiếu thống nhất về thể thức, thủ tục. 

Chia sẻ về những tác động tích cực khi có hương ước trong tay, lãnh đạo Sở VHTT&DL Yên Bái cho biết, tỉnh có 27 xã mà 100% là đồng bào dân tộc Mông sinh sống ở 187 thôn, bản, nhưng đến nay đã ra mắt được 70 thôn, bản văn hoá và 70 quy ước, thôn, bản. Nhờ đó mà những nơi này đã hạn chế được nạn tảo hôn, di dời được chuồng gia súc xa ngôi nhà họ sinh sống, không còn sinh nhiều con. Đặc biệt, bỏ được hủ tục để người chết trong nhà quá 3 ngày, rồi tổ chức ăn uống linh đình. Hơn thế, an ninh trật tự thôn, bản cũng khác trước; dân bản còn giúp nhau sản xuất, phòng chống bạo lực gia đình; cho con cháu đi học; đồng thời gìn giữ văn hoá truyền thống, phát huy những nét đẹp của phong tục tập quán… "Nếu như trước đây, trâu, bò, dê, lợn được người dân "tận dụng" nuôi dưới nhà sàn, gây ô nhiễm môi trường, dịch bệnh cho người, thì nay người dân đã biết làm chuồng trại để chăn nuôi gia súc, gia cầm; Làm nhà vệ sinh, đào giếng, làm hệ thống nước sạch để sử dụng, ăn chín, uống sôi; nằm ngủ có màn, vệ sinh răng miệng. Khi đau ốm không còn thực hiện cúng bái hay giao phó cho thầy lang mà đã biết đến bệnh viện, trung tâm y tế để chữa trị... Nhờ xây dựng hương ước, quy ước ở cộng đồng mà việc bảo vệ rừng được thực hiện tốt hơn. Trước đây, các dòng họ thường dựa vào luật tục để bảo vệ "Rừng ma", thì nay theo quy ước, hương ước việc bảo vệ rừng là chung của cả cộng đồng. Nhờ vậy, nhiều khu rừng nguyên sinh được bảo tồn nguyên vẹn" - lãnh đạo Sở VHTT&DL Quảng Trị chia sẻ.

Những bài học quý giá

Chia sẻ những kinh nghiệm sau hành trình 15 năm, lãnh đạo Sở VHTT&DL Lai Châu "khoe" 4 bài học quý giá. Đầu tiên là phát huy vai trò của các già làng, trưởng bản, người cao tuổi, người có uy tín, các đoàn thể, tổ chức chính trị xã hội và nêu cao tính gương mẫu của đảng viên trong việc vận động người dân thực hiện các nội dung quy ước. Thứ hai là xây dựng các hương ước, quy ước một cách dân chủ, hợp với lòng dân. Thứ ba là kiên trì và đề cao công tác tuyên truyền vận động. Và thứ tư là phát huy tình đoàn kết, lòng tự tôn dân tộc trong việc thực hiện quy ước. Ông Trần Văn Quang - Trưởng phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình, Sở VHTT&DL Phú Thọ cũng cho rằng, khơi dậy lòng tự hào về quê hương về những phong tục, tập quán tốt đẹp đặc biệt quan trọng, để từ đó nêu cao tinh thần trách nhiệm trước cộng đồng. 

Để tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 24/CT-TTg, lãnh đạo Sở VHTT&DL Bắc Ninh đề xuất, Bộ VHTT&DL tổ chức tập huấn cho đội ngũ cán bộ làm các công việc liên quan đến quy ước và khen thưởng cho các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong thực hiện quy ước thôn, làng. Ông Phạm Hóa - Phó Giám đốc Sở VHTT&DL Thái Bình mong muốn Bộ VHTT&DL và Ban Chỉ đạo T.Ư thường xuyên hướng dẫn, kiểm tra cơ sở, bổ sung, chỉnh sửa quy ước gắn với các tiêu chí xây dựng đời sống văn hoá trong phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá" để có những bước tiến mới trong thời gian tới.