Sức sống mới trên làng quê cách mạng

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nằm bên bờ tả sông Cà Lồ, làng Phù Xá Đoài thuộc xã Phú Minh, huyện Sóc Sơn được biết đến như một “địa chỉ đỏ” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc.

Nơi đây đã vinh dự được đón Bác Hồ về thăm năm 1967. Trải qua tháng năm phát triển cùng đất nước, diện mạo nơi làng quê cách mạng này đang đổi mới từng ngày.
Nhớ ngày Bác về thăm

Tìm về lịch sử ngôi làng nằm yên bình bên dòng sông Cà Lồ, chúng tôi được người dân chỉ dẫn đến thăm đình Phù Xá Đoài. Không chỉ là điểm đến văn hóa, di tích lịch sử được xếp hạng cấp quốc gia năm 1991, đình Phù Xá Đoài còn được xem như một “địa chỉ đỏ” trong cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc. Vừa dẫn chúng tôi đi thăm ngôi đình, thủ từ Lê Đức Chính vừa kể về những sự kiện lịch sử từng diễn ra tại di tích này.
Ở xã Phú Minh đến nay, các tuyến đường đã được đặt tên, mỗi ngôi nhà cũng đã được đánh số. Ảnh: Trọng Tùng
Năm 1956, ngôi đình được sử dụng làm kho cất giấu lương thực của Nhà nước. Bốn năm sau, các lớp bình dân học vụ và trường cấp 2 Nguyễn Du được mở tại đây. Rồi tới năm 1962, trạm quân y của Quân chủng Phòng không - Không quân cũng chọn ngôi đình làm nơi thực hiện nhiệm vụ... Đến năm 1972, đình Phù Xá Đoài được tu sửa làm trụ sở HTX nông nghiệp phục vụ phát triển kinh tế địa phương. Đặc biệt, nơi đây được chọn là địa điểm làm việc bí mật của các chuyên gia Liên Xô (cũ), CHDCND Triều Tiên sang giúp ta xây dựng sân bay quân sự Đa Phúc (nay là cảng hàng không quốc tế Nội Bài), và đào tạo phi công lái máy bay chiến đấu từ tháng 2/1966 đến cuối năm 1968.

Một vinh dự lớn đối với người dân làng Phù Xá Đoài là vào ngày mùng Một Tết Nguyên đán năm Đinh Mùi (ngày 9/2/1967) được đón Bác Hồ về thăm. Ông Nguyễn Thế Hùng, năm nay 82 tuổi, cựu chiến sĩ Quân khu 2, từng nhiều năm tham gia chiến đấu ở chiến trường nước bạn Lào, chỉ tay về phía tấm ảnh chụp Bác Hồ và các cháu thiếu nhi treo trang trọng trong đình Phù Xá Đoài kể lại: Bác tới thăm vào khoảng 8 giờ sáng. Mục đích ban đầu Bác đến thăm và tặng quà các chuyên gia Liên Xô (cũ) làm việc tại ngôi đình ngày đó. Các cháu thiếu nhi trong làng hay tin Bác ghé thăm, kéo nhau sum tụ về đình, đứng vây xung quanh Bác. Rồi rất đông bà con trong làng cũng đến đình Phù Xá Đoài để được tận mắt nhìn thấy Bác Hồ kính yêu. Bác chia kẹo cho từng cháu thiếu nhi và ân cần hỏi chuyện người dân trong làng. Ông Hùng vẫn còn nhớ như in, như thể chuyện mới chỉ diễn ra ngày hôm qua: “Bác nói với mọi người rằng, chuyên gia Liên Xô sang giúp ta đánh Mỹ, các cụ về động viên người dân giúp đỡ các chuyên gia hoàn thành nhiệm vụ. Nhân dịp năm mới, Bác chúc các cháu thiếu nhi và toàn thể bà con mạnh khỏe…”.

Đến nay, tại đình Phù Xá Đoài vẫn còn lưu giữ nhiều tranh ảnh và nhất là tấm bia lớn ghi lại một số sự kiện lịch sử quan trọng diễn ra tại ngôi đình, như một cách giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống cách mạng hào hùng của dân tộc. Để tưởng nhớ công ơn và ghi dấu sự kiện Bác Hồ về thăm năm 1967, đông đảo Nhân dân làng Phù Xá Đoài đã đoàn kết nhất trí, cùng nhau đóng góp sức người, sức của, lên kế hoạch xây dựng tượng Bác Hồ. Bức tượng bằng chất liệu đồng nguyên khối nặng 575kg được khánh thành năm 2010, đúng dịp kỷ niệm Đại lễ 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội, dựng trang nghiêm trong khuôn viên ngôi đình. Hàng năm, cứ vào dịp diễn ra hội làng (ngày 12/10 Âm lịch), ngày sinh nhật và ngày mất của Bác, người dân khắp nơi lại tìm về thăm đình Phù Xá Đoài, ôn lại những câu chuyện về lịch sử đấu tranh cách mạng, kính cẩn thắp nén nhang tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ kính yêu.

Làng cách mạng trên đường đổi mới

Hòa cùng khí thế sản xuất của cả nước trong giai đoạn đất nước thống nhất, người dân làng Phù Xá Đoài nói riêng, xã Phú Minh và huyện Sóc Sơn nói chung đã nỗ lực phấn đấu vươn lên, giành nhiều thành tích trong các lĩnh vực xây dựng đời sống, văn hóa - xã hội. Kết quả ấn tượng nhất trong phát triển kinh tế - xã hội của Phú Minh những năm qua là việc địa phương này đã hoàn thành Chương trình 02-CTr/TU của Thành ủy về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, từng bước nâng cao đời sống nông dân” giai đoạn 2011 - 2015.

Về với xã Phú Minh hôm nay, nhiều người không khỏi ngạc nhiên khi đi trên những con đường đã được cứng hóa chạy dọc ngang xóm làng. Những ngôi nhà cao tầng thay thế dần nhà cấp 4 đơn sơ như minh chứng cho sự đổi thay mạnh mẽ đời sống của cư dân làng Phù Xá Đoài nói riêng, xã Phú Minh nói chung. Ấn tượng hơn khi nhà nhà nơi đây đều đã được đánh số, văn minh không khác phố phường! Những tuyến đường, mỗi con ngõ cũng đều được đặt tên. Nói về điều này, Bí thư Chi bộ thôn Phù Xá Đoài Trần Văn Huấn hồ hởi khoe: Khoảng một năm trước, việc đặt tên đường làng, ngõ xóm, đánh số nhà được địa phương quán triệt, tích cực triển khai. Điều đáng mừng là công tác này nhận được sự ủng hộ lớn của đông đảo người dân. “Đường có tên, nhà có số, hạ tầng kiên cố” có được đến nay chính là thành quả hiện đại hóa nông thôn đáng ghi nhận mà làng quê cách mạng nằm ven sông Cà Lồ này đã đạt được.

Không chỉ xây dựng được diện mạo ngày một tươi mới, khang trang cho làng quê, đời sống của người dân làng Phù Xá Đoài, xã Phú Minh cũng từng bước được cải thiện. Chủ tịch UBND xã Phú Minh Nguyễn Văn Dẹp cho biết, những năm qua, địa phương tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đặc biệt, đã bước đầu tạo ra sản phẩm đặc trưng, tiêu biểu theo định hướng xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 mà Thành ủy Hà Nội đề ra. Đó là sản phẩm lúa nếp cái hoa vàng cho giá trị kinh tế cao.
Theo thống kê, toàn huyện Sóc Sơn hiện có khoảng 190ha lúa nếp cái hoa vàng được canh tác tập trung tại 3 xã: Tân Hưng (110ha), Bắc Phú (30ha) và Phú Minh (50ha). Tuy nhiên, do thuận lợi về thổ nhưỡng nên 50ha canh tác tại xã Phú Minh luôn cho chất lượng lúa vượt trội. Nếu như giá bán lúa nếp cái hoa vàng trung bình chỉ khoảng 20.000 đồng/kg, thì lúa nếp cái hoa vàng được trồng tại xã Phú Minh luôn có giá không thấp hơn 35.000 đồng/kg. Ấy thế nhưng có thời điểm, bà con nông dân nơi đây không có lúa để bán! Đặc sản này cũng đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp nhãn hiệu tập thể “Nếp cái hoa vàng Sóc Sơn” vào năm 2015.

Bên cạnh sản xuất nông nghiệp, với vị trí nằm tiếp giáp cảng hàng không quốc tế Nội Bài, có khu công nghiệp Nội Bài và nhiều nhà máy, xí nghiệp hoạt động, các lĩnh vực thương nghiệp - dịch vụ và vận tải - tiểu thủ công nghiệp có điều kiện rất thuận lợi để phát triển. Quan trọng hơn là nhờ đó, người dân địa phương cũng có thêm những lựa chọn cho phát triển kinh tế. Chủ tịch UBND xã Phú Minh Nguyễn Văn Dẹp cho biết thêm, để trợ lực cho các hộ dân phát triển kinh tế, nhất là về thương nghiệp - dịch vụ, từ đầu năm 2017 đến nay, các tổ chức hội, đoàn thể của địa phương cũng đã tiến hành giải ngân, cho vay trên 5 tỷ đồng đối với gần 200 hộ. Nhờ đa dạng các lĩnh vực phát triển kinh tế, đến nay, thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn xã Phú Minh đã đạt trên 37 triệu đồng/năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm dần qua các năm, hiện chỉ còn khoảng 3%. Đời sống văn hóa có nhiều chuyển biến tích cực. Y tế, giáo dục được quan tâm. An sinh xã hội được bảo đảm...

Những sự đổi thay lớn trong đời sống kinh tế - xã hội của xã Phú Minh cho thấy sức sống mãnh liệt của làng quê cách mạng ven sông Cà Lồ này. Sức sống ấy có được bắt nguồn từ công lao to lớn của các bậc tiền nhân. Đó cũng là sự tiếp nối truyền thống đấu tranh cách mạng bao đời nay của dân tộc, là điểm tựa vững chắc để Nhân dân xã Phú Minh tiếp tục xây dựng quê hương, thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển trong thời kỳ đổi mới.