[Tấc đất, tấc vàng không thể để hoang] Bài 2: Vì sao nông dân bỏ ruộng?

Trọng Tùng – Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình trạng đất nông nghiệp bỏ hoang, nông dân bỏ ruộng đã không còn là câu chuyện mới, mà đã diễn ra nhiều năm nay. Vì sao lại có tình trạng này?

Điều kiện sản xuất khó khăn
Tại nhiều địa phương, đặc biệt là các khu vực ven đô, tình trạng đô thị hóa đang diễn ra với tốc độ rất nhanh. Điều này khiến nhiều diện tích đất nông nghiệp bị xé nhỏ, manh mún, khó canh tác. Đơn cử, tại huyện Mê Linh, nhiều khu vực trước đây chuyên canh hoa, rau màu hiện đã được chuyển thành đất dự án. “
Từ khi có các dự án, việc sản xuất nông nghiệp của bà con gặp nhiều khó khăn hơn do hệ thống thủy lợi bị chia cắt. Các hộ phải khoan giếng để lấy nước tưới cho cây trồng” – chị Đỗ Thị Hiền, một nông dân tại xã Đại Thịnh nói.
 Thu hoạch lúa vụ Xuân 2020 tại huyện Thanh Oai.Ảnh: Trọng Tùng
Tại huyện Đan Phượng, hiện cũng có khoảng 20ha đất nông nghiệp thuộc vùng trũng thấp và giáp ranh dự án khu đô thị, tập trung tại các xã: Tân Lập, Hạ Mỗ, Tân Hội. Điều này khiến tình trạng chuột phá hoại cây trồng xảy ra khá phổ biến, là nguyên nhân khiến chi phí sản xuất tăng cao.
“Mỗi năm, gia đình tôi phải sử dụng bẫy bả để đánh chuột đến 4 lần, rồi bỏ tiền quây nilon quanh ruộng nhưng chuột phá hoại vẫn rất nhiều. Hơn nữa, khu này thường xuyên ngập úng nên nhiều bà con đã không còn gieo cấy vụ Xuân” – một nông dân tại xã Tân Lập chia sẻ.
Trưởng thôn Song Khê (xã Tam Hưng, huyện Thanh Oai) Kiều Văn Thùy cho biết, trên địa bàn thôn hiện có 100 mẫu đất nông nghiệp thuộc khu vực trũng thấp, thường xuyên bị ngập nước khiến canh tác gặp nhiều khó khăn.
“Vụ Xuân vừa qua, có một số hộ vì tiếc đất nên cố gắng canh tác. Tuy nhiên, hiệu quả thu hoạch vừa qua cũng không cao” – ông Thùy cho hay.
Tốc độ đô thị hóa đã tác động lớn đến chuyển dịch lao động, việc làm.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Nguyễn Xuân Đại cho rằng, hiện nay tại nhiều nông hộ, số lao động rất ít. Người dân lựa chọn đi làm công khiến nhiều gia đình chỉ còn vài 3 nhân khẩu ở quê, nhu cầu về lương thực thấp. Cùng với việc đô thị hóa khiến sở hữu đất nông nghiệp giảm, lại phân bố nhỏ lẻ, manh mún dẫn đến nhiều hộ không còn mặn mà với canh tác nông nghiệp.
Bài toán thu nhập của nông dân
Tình trạng nông dân bỏ ruộng không chỉ đến từ tốc độ đô thị hóa mà còn liên quan trực tiếp đến thu nhập của bà con nông dân. Chị Nguyễn Thị Hằng ở thôn Tiên Mai (xã Hương Sơn, huyện Mỹ Đức) cùng chồng rời quê lên TP mưu sinh đã 5 năm nay. Chị mở một cửa hàng giầy dép nhỏ, còn chồng thì chạy xe ôm. “Tha hương là điều không ai muốn nhưng chỉ trông vào vài sào lúa thì không đủ sống” – chị Hằng lý giải nguyên do không còn làm nông nghiệp.
Trong khi đó, ông Lê Văn Tiến – Đội trưởng Đội sản xuất số 6 (xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa) cho biết, từ khi một DN ngành nhựa về đầu tư trên địa bàn, rất nhiều nông dân đã không còn tập trung vào sản xuất nông nghiệp. Sở dĩ vậy là bởi thu nhập hàng tháng từ đi làm công nhân cao hơn rất nhiều so với làm nông nghiệp.
Thống kê cho thấy, trên địa bàn TP có trên 70 cụm công nghiệp với hàng trăm DN. Các đơn vị này sử dụng một lượng lớn lao động nông thôn khiến tình trạng nông dân bỏ ruộng vườn đi làm công ăn lương trở nên ngày một phổ biến hơn. Cùng với các cụm công nghiệp tập trung, Hà Nội hiện còn có 1.380 làng nghề, thu hút hàng triệu lao động nông thôn.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Thạch Thất Hoàng Chí Lượng cho biết, trên địa bàn huyện đang có 7 cụm, điểm công nghiệp hoạt động, chủ yếu là ngành nghề công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, đặc biệt là đồ gỗ. “Đối với mỗi sào canh tác lúa, trong điều kiện thuận lợi, nông dân chỉ thu về khoảng 1,4 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ đi đánh giấy ráp hàng ngày cho các cơ sở sản xuất, kinh doanh đồ gỗ, người dân cũng được trả 200.000 – 300.000 đồng” – ông Lượng đưa ra so sánh.
Thu nhập thấp từ cây lúa là thực trạng chung nhận thấy tại nhiều địa phương trên địa bàn Hà Nội. Ngay cả khi những năm gần đây, cơ cấu giống lúa chất lượng cao được ngành NN&PTNT đưa vào sử dụng ngày một nhiều hơn, thì giá trị từ canh tác lúa vẫn chưa thể so được với tiền công lao động tự do. Đây là nguyên nhân quan trọng khiến nhiều nông dân không còn mặn mà với canh tác nông nghiệp. Đất canh tác cũng bởi vậy mà bị bỏ không. 

Theo Nghị định số 91/2019/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt hành chính trong lĩnh vực đất đai, sử dụng đất trồng lúa vào mục đích khác không được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép theo Luật Đất đai sẽ bị xử phạt đến 500 triệu đồng. Ngoài ra, đối với đất trồng cây hàng năm, nếu không sử dụng trong thời hạn 12 tháng liên tục thì sẽ bị thu hồi.

(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần