[Tấc đất, tấc vàng không thể để hoang] Bài 3: Linh hoạt chuyển đổi sản xuất

Trọng Tùng - Nguyễn Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để sử dụng hiệu quả các diện tích đất nông nghiệp đang bị bỏ hoang, nhiều địa phương đã chủ động chuyển đổi sang loại hình sản xuất khác, bước đầu mang lại giá trị kinh tế cao.

Mô hình chuyển đổi đất canh tác lúa sang nuôi trồng thủy sản cho hiệu quả kinh tế cao tại xã Tân Lập (huyện Đan Phượng). Ảnh: Trọng Nguyễn
Không bỏ phí đất nông nghiệp
Hộ ông Nguyễn Văn Chính ở thôn Hạ Hội, xã Tân Lập (huyện Đan Phượng) hiện đang canh tác 11.800m2 thủy sản kết hợp trồng cây ăn quả. Trung bình mỗi năm, gia đình ông thu lãi hơn 100 triệu đồng. Theo ông Chính, diện tích này vốn là khu đồng trũng, canh tác lúa kém hiệu quả, nhiều hộ dân nơi đây đã không còn mặn mà sản xuất. Trưởng phòng Kinh tế huyện Đan Phượng Nguyễn Viết Đạt cho biết, do sự phát triển của đô thị hóa nên những năm gần đây, địa phương phát sinh khoảng 20ha đất nông nghiệp khó canh tác. Thời gian qua, huyện đã tập trung chuyển đổi toàn bộ diện tích này sang mô hình lúa cá và trồng sen.
Về lâu dài, các tỉnh, TP trong đó có Hà Nội cần đẩy mạnh quy hoạch, chuyển đổi vùng sản xuất thích ứng với điều kiện nguồn nước. Làm thế nào để trũng cũng là tài nguyên, hạn cũng là tài nguyên. Từ đó, tổ chức tái cơ cấu ngành nông nghiệp một cách hợp lý.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường
Huyện Thạch Thất cũng là địa phương vào cuộc tích cực trong việc giảm diện tích đất nông nghiệp bỏ không với những chính sách hỗ trợ thiết thực. Phó Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Kim Loan cho biết, để khuyến khích các tổ chức đoàn thể, cá nhân, hợp tác xã tập trung sản xuất trên những diện tích ruộng bỏ không, huyện chủ trương hỗ trợ 100% giống, công làm đất, thuốc bảo vệ thực vật… đối với những diện tích canh tác trên 1ha.
Sau khi có chính sách trên, bà con nông dân, hợp tác xã tại một số địa phương đã gom đất nông nghiệp để sản xuất. Đơn cử như tại xã Phú Kim (huyện Thạch Thất), Hợp tác xã nông nghiệp Ngoại Kim đã nhận đất của nhiều hộ không canh tác để đưa máy cấy vào sản xuất. Kết quả, vụ Xuân năm 2020, toàn huyện Thạch Thất đã giảm được hơn 10ha ruộng bỏ không của những vụ mùa trước đó.
Trong khi đó tại huyện Phúc Thọ, nơi có diện tích đất không canh tác lên tới gần 300ha, địa phương cũng đã có những giải pháp cụ thể để giải quyết. Phó Chủ tịch UBND huyện Phúc Thọ Nguyễn Đình Sơn cho biết, địa phương đang nghiên cứu phục tráng giống hoa sen để trồng ở những diện tích đất nông nghiệp bỏ không; hướng tới phát triển mô hình theo chuỗi từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Ngoài ra, địa phương cũng đang xem xét kết hợp mô hình trồng sen với nuôi trồng thủy sản.
Biến khó khăn thành lợi thế
Thực tế khảo sát tại nhiều địa phương cho thấy, hầu hết diện tích bà con nông dân không canh tác là nơi có điều kiện sản xuất khó khăn. Trong đó, chủ yếu là khu vực trũng thấp, thường xuyên bị ngập úng hoặc những vùng đồi gò, không thể thực hiện dồn điền đổi thửa, đưa cơ giới hóa vào sản xuất… Điều này đặt ra định hướng làm sao để có thể khai thác tối đa những điều kiện hiện có, biến khó khăn thành lợi thế.
Liên quan tới vấn đề này, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Chu Phú Mỹ cho biết, đơn vị đã chỉ đạo các địa phương tập trung rà soát tổng diện tích, căn cứ vào điều kiện từng vùng để linh hoạt chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi bảo đảm phù hợp với điều kiện sản xuất Cụ thể, đối với những vùng trũng có thể chuyển đổi sang mô hình lúa - cá; trồng sen kết hợp thủy sản. Đối với những vùng khó khăn về nước tưới có thể chuyển sang trồng cỏ để phục vụ chăn nuôi đại gia súc… Tuy nhiên, việc chuyển đổi phải không làm mất đi các điều kiện phù hợp để trồng lúa trở lại.
Nhiều ý kiến cho rằng, để hạn chế tình trạng người dân bỏ ruộng, các quận, huyện, thị xã cần tập trung vào cuộc, thông tin tuyên truyền tới người dân. Đồng thời, quán triệt các địa phương tổ chức thống kê, rà soát tất cả diện tích đất bỏ hoang. Điển hình trong việc thực hiện giải pháp trên là huyện Thanh Oai. Theo đó, địa phương này đã tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn đến từng hộ nông dân bỏ ruộng để vận động các hộ sản xuất, nhờ người gieo cấy hộ hoặc cho các đoàn thể, hợp tác xã thuê canh tác. Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Oai Nguyễn Trọng Khiển cho biết, nhờ vào cuộc quyết liệt, vụ Xuân năm 2020, diện tích ruộng bỏ không của huyện đã giảm khoảng 100ha, từ trên 300ha (năm 2019) xuống còn hơn 200ha.
(Còn nữa)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần