Tách Luật Giao thông đường bộ 2008: Quan trọng là tính hiệu quả

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tách hay không tách Luật Giao thông đường bộ 2008 thành hai luật là vấn đề “nóng” nghị trường Quốc hội với những quan điểm khác nhau.

Trong đó, nhiều ý kiến đã bày tỏ băn khoăn với việc quản lý đào tạo, sát hạch, cấp, đổi, thu hồi giấy phép lái xe chuyển từ Bộ GTVT sang Bộ Công an tổ chức thực hiện và cho rằng cần sự đánh giá kỹ lưỡng hơn.
Đây vốn là câu chuyện có rất nhiều quan điểm khác nhau ngay từ khi Dự án Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ được tiến hành xây dựng, đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội và cũng là vấn đề được nhiều người dân quan tâm. Những lo ngại về việc chuyển quản lý cấp giấy phép lái xe sang Bộ Công an sẽ gây ra rất nhiều xáo trộn và tốn kém không cần thiết là vấn đề được nhiều đại biểu Quốc hội (ĐB) đề cập đến. Như lý giải của các ĐB, từ năm 1995, Bộ GTVT nhận nhiệm quản lý cấp giấy phép lái xe ô tô từ Bộ công an. Khi đó cả nước có 127 cơ sở đào tạo lái xe, đến nay, có hơn 463 cơ sở đào tạo lái mô tô, 339 cơ sở đào tạo lái ô tô và có 135 trung tâm sát hạch lái ô tô đã được xã hội hóa 100%. Với hệ thống vật chất trang thiết bị vật chất tương đối đồng bộ, phù hợp với nhu cầu và thực tiễn, đã đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao. Vậy, với thực tế ấy, tại sao lại phải chuyển việc quản lý, sát hạch giấy phép lái xe cho Bộ Công an, đó là câu hỏi được các ĐB đặt ra. 
Mặc dù đại diện Bộ Công an đã giải thích, khi tiếp nhận nhiệm vụ này, các phương án cũng đã được ngành chuẩn bị, về cơ sở vật chất, hạ tầng kỹ thuật, con người, cũng đều có phương án xử lý. Bộ Công an sẽ sử dụng 700 điểm đăng ký quản lý phương tiện tại Công an cấp tỉnh và cấp huyện để thực hiện công tác tiếp nhận hồ sơ cấp, đổi giấy phép lái xe… Việc chuyển đổi này chỉ thay đổi về quyền quản lý, còn các cơ sở đào tạo lái xe, trung tâm sát hạch lái xe đã được xã hội hóa vẫn tiếp tục hoạt động, không có sự thay đổi về vị trí, tổ chức, nhiệm vụ.

Tuy nhiên, những điều đó vẫn khiến các ĐB và cả cử tri băn khoăn. Như nhiều ý kiến phân tích, nếu nói rằng, chất lượng công tác đào tạo, sát hạch lái xe còn tồn tại là nguyên nhân chính dẫn tới tai nạn giao thông, thì vấn đề lớn nhất là cần có biện pháp chấn chỉnh những yếu kém. Vấn đề quan trọng nhất là tính hiệu quả. Còn việc quản lý sát hạch, cấp giấy phép lái xe giao cho cơ quan nào cần có tổng kết đánh giá kỹ, nhất là liên quan đến bộ máy, con người. Đồng thời cần rà soát kỹ về thủ tục hành chính, cấp giấy phép lái xe, sát hạch lái xe... sao cho phù hợp với thực tiễn của Việt Nam so với thế giới.

Nếu nói rằng, hoạt động quản lý giấy phép lái xe không chỉ là hoạt động giao thông vận tải, quản lý an toàn giao thông đơn thuần mà còn là vấn đề đảm bảo trật tự an toàn xã hội…, thì quan trọng nhất là tổ chức phân công để làm sao việc tổ chức gọn nhất, hiệu quả nhất, chi phí ít nhất. Như có ý kiến đã đề xuất, trong trường hợp tổ chức sát hạch, tại sao các Bộ không cùng phối hợp với nhau, đánh giá, để xử lý những vấn đề còn bất cập? Đó cũng là một quan điểm đáng suy ngẫm.