Tái cấu trúc nền kinh tế: Đã bắt được bệnh, phải bốc đúng thuốc

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Chiều 24/5, các đại biểu (ĐB) Quốc hội thảo luận ở tổ về Đề án tổng thể tái cấu trúc nền kinh tế. Đa số các ĐB Quốc hội đều cho rằng, cái được lớn nhất của dự thảo đề án mang lại là lần đầu tiên khái quát được một cách đầy đủ những điểm mạnh - yếu của kinh tế Việt Nam, song mới chỉ bắt đúng bệnh chứ chưa đưa ra giải pháp hiệu quả.

Giải pháp chưa cụ thể

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (đoàn Hà Nội) cho biết, đề án tổng thể đưa ra 4 quan điểm mục tiêu, 12 giải pháp, trên cơ sở đó mới đưa ra các giải pháp cụ thể cho các ngành, địa phương nên đề án này chỉ là khung, còn giải pháp, thông tin chi tiết, cụ thể chưa có.

Theo bà Khánh, dù đề án ghi rõ mới xác định khung định hướng chung và nhóm các giải pháp chính, nhưng cần phải có căn cứ, đánh giá. Tái cơ cấu nếu không có lộ trình sẽ không làm được. "3 việc tôi cho rằng cần phải làm đồng thời: điều chỉnh quy hoạch vùng ngành và hoàn thiện thể chế pháp luật. Tái cấu trúc DN phải đi sau tái cấu trúc ngân hàng" - ĐB Khánh nhấn mạnh.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh cũng đặt câu hỏi: Làm thế nào giải quyết bất ổn và nợ xấu hiện nay, làm gì để chỉ số cạnh tranh và hiệu quả đầu tư tăng lên? Nhiều DN nhỏ và vừa phản ánh vẫn đang phải đối mặt với nợ xấu, lãi suất cao, hàng tồn kho lớn... Nguyên nhân yếu kém đã nhận ra nhưng giải pháp vẫn rất yếu. Vì vậy, theo bà Khánh, đề án chỉ định hướng, không nêu cụ thể việc cần làm thì thực hiện rất khó. Giải pháp phải nói rõ thì doanh nghiệp mới biết sân chơi nào, cơ hội nào cho mình để nhảy vào. Không triệt tiêu được lợi ích nhóm thì tái cơ cấu cũng vô nghĩa.

Trong khi đó, ĐB Trương Trọng Nghĩa (đoàn TP. HCM) cho rằng, quan điểm tái cấu trúc cần làm rõ phải đảm bảo tính thống nhất và đồng bộ trong tổ chức thực hiện, cần thông qua Quốc hội có Nghị quyết để giám sát thực hiện cho đúng. Đồng quan điểm này, ĐB Huỳnh Ngọc Ánh (đoàn TP Hồ Chí Minh) nhấn mạnh thêm, khi thực hiện sẽ có khó khăn nhưng quan trọng là sẽ tác động không thuận lợi đến một nhóm người liên quan làm phát sinh chi phí phải bù đắp. Cần có đánh giá chính xác hơn về mức độ và lường trước phát sinh khi động đến công ăn việc làm của người lao động.

Còn ĐB Võ Kim Cự của đoàn Hà Tĩnh lại nhận thấy tính toàn diện của các lĩnh vực chưa đủ, cần có cả nông nghiệp, công nghiệp... và thậm chí cả giáo dục. Có một khái niệm cần cân nhắc, có sự chỉ đạo xuyên suốt từ T.Ư đến địa phương, tới từng thôn, xã thậm chí từng gia đình.

Xem kỹ các cam kết quốc tế

Bên cạnh việc góp ý đề án phải  xác định được việc làm cụ thể, mang tính  đồng bộ thống nhất, nhiều ĐB cũng lưu ý tới khi tiến hành tái cấu trúc kinh tế, chúng ta phải lượng hóa những việc sẽ làm. Ví dụ như định hướng phát triển kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu thì khái niệm sâu, rộng ở đây phải được hiểu như thế nào. Rất cần thiết phải xem kỹ các cam kết quốc tế đã ký. Vai trò của Nhà nước phải được xác định một cách rõ ràng là tạo hành lang để nền kinh tế vận hành đúng quy luật, tránh can thiệp quá mức vào thị trường, gây ra những phản ứng phụ không đáng có.

Một trong những cản trở hiện tại của nền kinh tế là DN Nhà nước bị can thiệp quá sâu vào hoạt động, nên làm sai lệch nhiều mục tiêu của thị trường. Vì vậy, mục tiêu của tái cơ cấu là phải tạo ra một môi trường kinh doanh bình đẳng để mọi thành phần trong nền kinh tế có thể tiếp cận các nguồn lực đúng với vai trò và đóng góp của nó.

Góp ý vào đề án, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, chúng ta đang cố gắng làm rõ tái cơ cấu là tổng thể, đồng bộ, nhưng đây là vấn đề mới, là quá trình chuyển đổi, tịnh tiến, tái cơ cấu là để đảm bảo tốc độ tăng trưởng nhanh, bền vững. Phải làm rõ câu chuyện muốn tái cơ cấu được phải có một thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN đúng. Tuy nhiên, để đề án này triển khai hiệu quả, vẫn cần lấy ý kiến để bổ sung, sửa đổi sao cho hoàn thiện hơn, mở đường cho nền kinh tế phát triển bền vững./.