Tái cơ cấu ngân hàng nhanh hơn nhờ vốn ngoại?

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nghị định 01/2014/NĐ-CP, tỷ lệ sở hữu cổ phần (room) của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại các tổ chức tín dụng (TCTD) Việt Nam được nâng lên 20% thay vì 15% trước đây.

Giới chuyên gia và các nhà đầu tư kỳ vọng, việc nới "room" vốn ngoại này có thể giúp ngân hàng nội đón được một làn sóng vốn mới, từ đó, nâng cao chất lượng quản trị ngân hàng Việt Nam.

 
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh HDbank Hà Nội.      Ảnh: Xuân Thành
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh HDbank Hà Nội. Ảnh: Xuân Thành
Hình thành lối quản trị mới

Từ 20/1/2014, Nghị định 01 quy định việc nhà đầu tư nước ngoài mua cổ phần của tổ chức tín dụng Việt Nam có hiệu lực. Theo đó, “room” tối đa của một nhà đầu tư chiến lược nước ngoài tại một tổ chức tín dụng trong nước đã được nâng lên 20% vốn điều lệ (theo quy định cũ, tỷ lệ này thường là 15%) Tổng mức sở hữu cổ phần của các nhà đầu tư nước ngoài không vượt quá 30% vốn điều lệ của một ngân hàng nội. Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt, để phục vụ mục đích tái cơ cấu ngân hàng yếu kém, tỷ lệ này sẽ được cho phép vượt quá giới hạn quy định. Mức vượt sẽ được Thủ tướng quy định trong từng trường hợp cụ thể. 

Nhiều ý kiến lạc quan cho rằng, việc tăng room vốn ngoại sẽ đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu ngân hàng nội, góp phần xử lý nợ xấu. Việc các ngân hàng ngoại tham gia sâu vào hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ dần hình thành lối kinh doanh và quản trị hoàn toàn mới. Điều này sẽ giúp giảm tính rủi ro của hệ thống ngân hàng. 

Thực tế, thời gian qua, nhiều "thương vụ" đình đám kêu gọi vốn ngoại đã giúp các ngân hàng Việt Nam nâng cao tiềm lực tài chính cũng như năng lực quản trị ngân hàng. Tại ABBank, hiện, Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) sở hữu 10% và Maybank sở hữu 20% cổ phần trên vốn điều lệ của ngân hàng này. Vietinbank đã bán 645 triệu cổ phiếu cho đối tác Bank of Tokyo - Mitsubishi UFJ (BTMU) của Nhật Bản… 

 
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietinbank Chương Dương.      Ảnh: Trần Việt
Khách hàng giao dịch tại chi nhánh Vietinbank Chương Dương. Ảnh: Trần Việt
Cơ hội cho vốn ngoại

Trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước đã và đang lên kế hoạch thoái vốn, phương án được nhiều ngân hàng nội lựa chọn là xem xét bán vốn cho các đối tác nước ngoài để nâng cao kinh nghiệm quản lý và tiềm lực tài chính. Bởi vậy, dù chỉ nới nhẹ “room”, song đây được coi là cơ hội để các nhà đầu tư nước ngoài tính chuyện thâm nhập sâu hơn vào thị trường Việt Nam.Bà Lê Thị Băng Tâm - Chủ tịch HĐQT HDBank cho biết, việc tìm kiếm đối tác nước ngoài để mua cổ phần của ngân hàng đã nằm trong kế hoạch từ trước. Một số nhà đầu tư từ châu Âu hay châu Á đã đến tìm hiểu, đặt vấn đề mua cổ phần nhưng HDbank chưa quyết định bán cho ai. Với quy định nhà đầu tư nước ngoài được phép sở hữu tối đa 30% vốn của ngân hàng trong nước, HDbank sẽ đàm phán với đối tác về tỷ lệ, lộ trình bán cổ phần.

Bên cạnh HDBank, một số ngân hàng như GPBank, DongA Bank… cũng có kế hoạch bán cổ phần cho các đối tác nước ngoài. Lãnh đạo DongA Bank cho biết, trong bối cảnh thị trường khó khăn như hiện nay và giá cổ phiếu ngân hàng chưa có dấu hiệu khởi sắc, ngân hàng sẽ phải cân nhắc thời điểm thích hợp mới có thể bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài, nhằm đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông hiện hữu của DongA Bank.

Theo các chuyên gia kinh tế, để nâng cao năng lực tài chính cũng như khả năng cạnh tranh, việc có thêm đối tác chiến lược nước ngoài là một yếu tố rất cần thiết đối với ngân hàng trong nước. Các đối tác nước ngoài nhiều kinh nghiệm với tiềm lực tài chính vững mạnh sẽ là yếu tố giúp đẩy nhanh quá trình tái cơ cấu hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, việc bán vốn cho đối tác ngoại vẫn được các ngân hàng nội xem xét thận trọng nhằm đảm bảo hợp tác có lợi nhất.