Tái đàm phán NAFTA và những nút thắt khó gỡ

Ngọc Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/8 (giờ địa phương), Mỹ, Canada và Mexico đã bước vào vòng tái đàm phán đầu tiên về Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) theo yêu cầu từ chính quyền Washington.

Phát biểu trước thềm cuộc họp, Đại diện thương mại, Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Robert Lighthizer tiếp tục khẳng định quan điểm về sự cần thiết trong việc sửa đổi những điều khoản mà nền kinh tế lớn nhất thế giới này cho là đã không còn phù hợp sau 25 năm NAFTA chính thức có hiệu lực.

Qua đó, hướng tới sự công bằng hơn về lợi ích kinh tế cho các bên liên quan. Trong khi đó, cả Mexico và Canada đều khẳng định cam kết của các nước này đối với việc chia sẻ những lợi ích và quyền lợi từ thỏa thuận thương mại hợp tác khu vực, tuy nhiên nhấn mạnh NAFTA hiện tại không tập trung lợi ích cụ thể vào bất cứ quốc gia nào.

 Trưởng đoàn đàm phán Mỹ Robert Lighthizer tại vòng tái đàm phán NAFTA diễn ra tại Washington.

Hiện, cả 3 quốc gia này đều mong sớm kết thúc quá trình tái đàm phán chậm nhất vào cuối năm nay. Đây được cho là kế hoạch tham vọng đối với việc đàm phán một hiệp định mang tầm khu vực, khi khoảng thời gian còn lại là không nhiều. Theo giới quan sát, điều này phản ánh quyết tâm chính trị của các bên nhiều hơn là dựa trên cân nhắc tình hình thực tế, nhất là trong bối cảnh Mỹ và Mexico sẽ tiến hành bầu cử Quốc hội vào năm 2018. Đối với Mỹ, mục tiêu chính trong quá trình đàm phán lần này là giải quyết vấn đề thâm hụt thương mại giữa nước này và 2 quốc gia còn lại.

Trong năm 2016, Mexico đã xuất siêu vào Mỹ với giá trị lên tới 55,6 tỷ USD. Con số này luôn được chính quyền Tổng thống Donald Trump viện dẫn như hậu quả từ những bất cập của NAFTA. Trong khi đó, bất chấp việc cán cân thương mại giữa Mỹ và Canada trở nên cân bằng hơn trong thời gian gần đây, ông Lighthizer nhận định, Mỹ cũng đang phải đối mặt với tình trạng thâm hụt thương mại giống như Canada trong một thời gian dài. Trưởng đoàn đàm phán Mỹ khẳng định, tình trạng này “không thể tiếp diễn”, khi ông dẫn lời Tổng thống Trump về việc coi thâm hụt thương mại như thước đo sức khỏe nền kinh tế của một quốc gia.

Tuy nhiên, tuyên bố này sau đó đã vấp phải sự phản đối từ Mexico và Canada, khi 2 nước này cho rằng, Mỹ đã quá chú trọng vào số liệu thương mại song phương. Một quốc gia có thể thâm hụt thương mại với nước này nhưng sẽ có thặng dư với một nước khác, trong khi điều quan trọng là tổng giá trị thương mại của cả khối, như lời khẳng định của Ngoại trưởng Canada, bà Chrystia Freeland: “Canada không coi vấn đề thặng dư hay thâm hụt thương mại là thước đo chính cho hiệu quả của hoạt động thương mại”.

Trong khi Bộ trưởng Kinh tế Mexico Ildefonso Guajardo cho rằng, các bên cần hướng tới một giải pháp tích cực hơn, thay vì nghĩ tới các biện pháp cắt giảm. Câu hỏi đặt ra mà dư luận quan tâm vào lúc này là cách thức mà chính quyền Tổng thống Trump có thể thuyết phục Mexico và Canada trên bàn đàm phán. Bởi, theo cựu thành viên đoàn đàm phán Mexico Luis de la Calle, không phải lúc này những tuyên bố cứng rắn của ông Trump cũng trở thành hiện thực: “Khi thắng cử, nhiều người nghĩ ông Trump có thể áp đặt thuế, đóng cửa biên giới hay hạn chế đầu tư. Tuy nhiên, thực tế cho thấy những điều này đã không xảy ra”.