Tái dựng hào khí ngày lịch sử

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phố cổ Hà Nội năm 1954 với những mái nhà, lan can rợp cờ đỏ sao vàng, băng zôn, khẩu hiệu, áp phích; nghi thức chào cờ cách đây 65 năm tại sân cột cờ Hà Nội (nay là sân Đoan Môn, Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội)… sẽ được tái dựng trong dịp kỷ niệm 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2019).

Lễ chào cờ ngày 10/10/1954 tại sân Đoan Môn của Khu di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội (ảnh tư liệu)
Người phố cổ ôn chuyện xưa
Từ ngày 3 - 11/10 tại không gian của phố bích họa Phùng Hưng (từ đoạn ngã ba Lê Văn Linh – Phùng Hưng đến phố Hàng Cót), Hà Nội cấm xe cơ giới để người phố cổ cùng du khách hàn huyên ôn lại không khí tiếp quản Thủ đô năm 1954 trong chương trình “Ký ức Hà Nôi – 65 năm”. Ngay từ cổng chào 2 đầu, du khách đã cảm nhận được bức tranh cửa ô Hà Nội thời kỳ đó thông qua chiếc cổng mô phỏng cửa ô và cổng phố Hàng Khay xưa. Theo nhà sử học Dương Trung Quốc, thời kỳ đó, mỗi phố trên khu phố cổ đều lắp đặt những cổng chào mang đặc trưng của từng “hàng”. Phố Hàng Vải thì làm cổng chào bằng mảnh vải nhỏ. Hàng Mành là chiếc cổng tết bằng mành trúc cùng những khẩu hiệu đón chào đoàn quân chiến thắng trở về. Đến nay, những hình ảnh đó vẫn được lưu giữ qua các bức hình của các nhà nhiếp ảnh.
Chính vì vậy, trong dịp này, Ban Quản lý phố cổ Hà Nội đã chọn một trong những mô hình cổng chào của các “hàng” để tái dựng không gian Ngày Giải phóng Thủ đô. Ngoài ra, trong không gian bích họa, còn tái hiện lại hình ảnh phố cổ Hà Nội những năm 1946 và tháng 10/1954 bằng xe thồ, xích lô, quầy hàng, cột điện, bao cát, chim hòa bình đón chào bộ đội; pano tạo hình ảnh Hà Nội năm 1954 với mái nhà, lan can rợp cờ đỏ sao vàng, băng zôn, khẩu hiệu, áp phích bên phố Phùng Hưng.
Không chỉ dừng lại ở các hình ảnh tĩnh, chương trình “Ký ức Hà Nội – 65 năm” còn có những cuộc hàn huyên của các nhà sử học, Hà Nội học nói chuyện với học sinh và du khách về Ngày tiếp quản Hà Nội năm 1954. Theo đại diện đơn vị tổ chức chương trình, Phó Trưởng ban Quản lý phố cổ Hà Nội Trần Thị Thúy Lan: Không gian nói chuyện là không gian mở, không chỉ bao gồm các tư liệu của chuyên gia mà cả những câu chuyện của những nhân chứng là người dân Hà Nội sống tại thời kỳ đó. Ngoài ra, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đường phố, trình diễn áo dài cũng mang âm hưởng của Hà Nội năm 1954.
Nghi thức chào cờ lịch sử
15 giờ ngày 10/10/1954, trong không khí tưng bừng của đoàn quân tiến về giải phóng Thủ đô, có một buổi lễ đặc biệt diễn ra ngay sân Đoan Môn - Hoàng thành Thăng Long (khi đó gọi là sân Cột Cờ). Đó chính là Lễ chào cờ lịch sử đầu tiên trong ngày Hà Nội được giải phóng. Chào mừng 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, nhằm ôn lại truyền thống cách mạng, tri ân các Anh hùng liệt sĩ, nhân chứng lịch sử, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội và Hội Khoa học lịch sử Việt Nam tổ chức chương trình “Ký ức mùa Thu”. “Điểm nhấn của “Ký ức mùa Thu” là hoạt động tái hiện lại lễ chào cờ lịch sử cách đây 65 năm, đúng Ngày Giải phóng Thủ đô.
Lễ chào cờ sẽ gồm các hoạt động: Rước ảnh tưởng niệm của các nhân chứng lịch sử và gia đình nhân chứng; chương trình văn nghệ “Khúc tráng ca giữa mùa Thu lịch sử”. Sau đó, các nhân chứng, khách mời sẽ cùng thực hiện nghi lễ chào cờ tại sân Đoan Môn (đúng vị trí đoàn quân giải phóng thực hiện lễ chào cờ khi tiếp quản Thủ đô)” – Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di sản Hoàng thành Thăng Long – Hà Nội Trần Việt Anh cho biết.
GS Lê Văn Lan - cố vấn chương trình “Ký ức mùa Thu” bày tỏ: Không quá khó để tái dựng nghi thức chào cờ lịch sử này. Bởi vì, hình ảnh về Lễ chào cờ đầu tiên đó vẫn còn in dấu trong tim của hàng vạn người dân Thủ đô. Tôi vẫn nhớ, lễ chào cờ do Ủy ban Quân chính TP tổ chức với sự có mặt của các đơn vị quân đội tham gia tiếp quản Thủ đô và hàng vạn đồng bào. Cờ đỏ sao vàng phấp phới tung bay trên đỉnh Cột Cờ cổ kính. Cả Hà Nội tưng bừng hân hoan trong niềm vui giải phóng, tự hào về sức mạnh kháng chiến, biết ơn Đảng và Bác Hồ kính yêu.
65 năm qua đi, nhân chứng thời kỳ ấy người còn cũng đã ở cái tuổi “gần đất xa trời”. Với bao thế hệ trẻ, giai đoạn 1954 giờ đã là hoài niệm. Chính vì vậy, hồi cố ôn lại kỷ niệm vừa là để tự hào, vừa là để nhắc nhở thế hệ hôm nay gìn giữ, nối bước truyền thống cha ông.