Tái hiện mô hình “làng” trong khu đô thị?

KTS Trần Huy Ánh - Ủy viên Thường vụ Ban Chấp hành Hội KTS Hà Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những ngày cuối tháng 3 đầu tháng 4/2020 này đang là thời điểm cam go nhất, quyết định thành bại của cuộc chiến “chống dịch như chống giặc” của Hà Nội cũng như cả nước.

Ngay cả khi những lời cảnh báo nguy hiểm ở mức cao nhất ban bố thì cá nhân tôi vẫn tin tưởng rằng đất nước, TP của chúng ta sẽ vượt qua những thách thức chưa từng có trong lịch sử này và nghĩ tới tương lai của một Hà Nội bình yên và mạnh mẽ hơn.
Một góc phía Tây Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Không gian phòng, chống rủi ro đô thị
Trong những ngày vừa qua như chúng ta đã thấy, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch T.Ư cũng như TP Hà Nội đã triển khai rất đồng bộ và chủ động các cơ sở cách ly, các bệnh viện chia thành nhiều tuyến linh hoạt và hiệu quả. Nhiều khu ký túc xá sinh viên, doanh trại, khách sạn tự nguyện, được bố trí để đón người từ các vùng dịch bệnh trở về…
Tất cả cho thấy sự năng động sáng tạo không giới hạn của việc chia sẻ các không gian đô thị cho các tình huống “rủi ro”.
Điển hình, Hà Nội đã phân tuyến hiệu quả các bệnh nhân Covid-19 về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư cơ sở 2 được xây dựng trên khu đất gần 12ha tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh. Hơn nữa là Bệnh viện dã chiến Mê Linh tại huyện Mê Linh với hiện trạng gồm 2 tòa nhà 4 tầng và 3 tầng, tổng diện tích 12ha, có tường rào bao quanh đã kịp hoàn thành thần tốc trong vòng 7 ngày để kịp thời chữa trị cho các bệnh nhân mắc Covid-19.
Đây quả thật là một điều ấn tượng đúng như Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ nhận xét. Từ những hoạt động này có thể thấy đại dịch giúp chúng ta có cái nhìn tổng quát hơn về phát triển không gian đô thị.
Một đô thị phát triển, các không gian được quy hoạch quy mô hiện đại, mạnh mẽ là rất cần thiết nhưng nó sẽ thông minh hơn, mạnh mẽ hơn khi chuẩn bị sẵn không gian dự trữ, sử dụng linh hoạt khi gặp các rủi ro thiên tai, nhân tai hay dịch bệnh quy mô lớn…
Chúng ta đã từng chứng kiến cơn hoảng loạn mua sắm của một bộ phận người dân những ngày đầu chống dịch. Nhưng qua đó cũng thấy được sức mạnh của hệ thống cung ứng thực phẩm, nhu yếu phẩm của TP đã dập tắt cơn hoảng loạn ấy rất nhanh. Điều này cũng giúp chúng ta nhận ra nếu TP phụ thuộc vào nhập khẩu sẽ không trụ vững bao lâu khi hệ thống vận chuyển toàn cầu đang giảm tốc.
Cho dù Hà Nội đã bị đô thị hóa thiếu kiểm soát 20 năm qua dẫn đến phá hỏng vành đai xanh mà ở đó có thể cung cấp nhiều nguồn thực phẩm đã hình thành suốt thế kỷ XX nhưng hiện vẫn còn đủ không gian phục hồi và tái tạo. Hy vọng TP sẽ có kế hoạch tái lập ngay “vành đai” sản xuất, cung ứng thực phẩm bao quanh TP sau khi đại dịch lắng xuống.
Mô hình đơn vị tự chủ cân bằng sinh thái
Ông cha chúng ta đã có cả ngàn năm lịch sử định cư thông minh để tồn tại, vượt qua bao thử thách chiến tranh, dịch bệnh, loạn lạc… và bây giờ bài học ấy cần được phát huy sáng tạo nhất. Đó là đơn vị tự chủ sinh thái và quy mô tối ưu chính là các ngôi làng. Tất cả các làng đều có khoảng trống đồng ruộng bao quanh, có nguồn nước sạch tại chỗ, có hệ thống giao thông nội bộ và kết nối ra bên ngoài vừa gần vừa xa, vừa khu biệt vừa hội nhập.
Khu đô thị xanh Vinhomes Long Biên. Ảnh: Phạm Hùng
Những ngày vừa qua, chúng ta đã chứng kiến nhiều khu vực cách ly dịch bệnh các quy một khu phố, tòa chung cư, một khu ký túc xá… Đây cũng là điều mà những nhà thiết kế đô thị có thể lưu tâm, nên chăng tái hiện mô hình “làng” ngay trong các khu vực đô thị hóa. Các ngôi “làng” với đầy đủ, ổn định về không gian vật chất lẫn tinh thần sẽ trở thành những đơn vị tự chủ sinh thái, những tế bào mạnh mẽ trong cơ thể của một TP. Khi không may phải đối diện với rủi ro thì những tế bào mạnh mẽ sẽ dễ dàng để vượt qua.
Li Edelkoort, nhà tương lai học hàng đầu thế giới nhận xét: “Những hình ảnh gần đây về khí quyển tại Trung Quốc cho thấy hai tháng ngừng sản xuất đã làm sạch bầu trời và cho phép người dân được hít thở trở lại. Điều này đã chứng minh rằng việc chậm lại và đóng cửa có thể tạo ra một môi trường tốt hơn. Nếu chúng ta ít di chuyển bao gồm cả việc di chuyển bằng đường thủy và đường hàng không, ít di chuyển dành cho các kỳ nghỉ và các chuyến công tác, sự làm sạch sẽ rất đáng kể”.
Hà Nội trong những ngày này vắng xe máy mà ô nhiễm không khí ở mức cao. Phải chăng dịch bệnh giúp chúng ta nhìn rõ hơn nguyên nhân ô nhiễm không khí, thủ phạm giờ đây không chỉ do xe máy, ô tô, đốt rơm rạ, đun than… mà còn là những nguyên nhân từ xa đem lại: Các nhà máy nhiệt điện, xi măng, sản xuất vật liệu xây dựng và có thể sẽ từ các nhà máy đốt rác chưa từng được kiểm chứng, các khu công nghiệp, các làng nghề?…
Những nguy cơ cho ta thấy cơ hội, nguy cơ thì từ trên trời rơi xuống còn cơ hội thì chỉ có thể xuất hiện từ bàn tay khối óc mới có. Và Hà Nội của chúng ta đang có cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn, làm việc thận trọng, thông minh để khi cơn dịch bệnh qua đi chúng ta sẽ thấy một Hà Nội an toàn, mạnh mẽ hơn. Hy vọng ngày ấy sẽ đến sớm!

Những nguy cơ cho ta thấy cơ hội, nguy cơ thì từ trên trời rơi xuống còn cơ hội thì chỉ có thể xuất hiện từ bàn tay khối óc mới có. Và Hà Nội của chúng ta đang có cơ hội để suy nghĩ thấu đáo hơn, làm việc thận trọng, thông minh để khi cơn dịch bệnh qua đi chúng ta sẽ thấy một Hà Nội an toàn, mạnh mẽ hơn.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần