Tại huyện Sóc Sơn: Trắng tay vì “sổ đỏ ảo” - Bài 2: Tranh chấp nên “hé lộ” sai phạm?

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2010, UBND xã Bắc Sơn giới thiệu địa điểm để Công ty Bắc Sơn xây Nhà máy gạch tuynel Bắc Sơn.

Tại huyện Sóc Sơn: Trắng tay vì “sổ đỏ ảo” - Bài 1: Sổ đỏ chỉ có trong hồ sơ lưu

Bài 2: Tranh chấp nên “hé lộ” sai phạm?

Lúc này, ông Trần Bá Tấn đem diện tích trước đây đã thuê của gia đình ông Tình, bà Chúc góp cổ phần vào Nhà máy gạch. Tranh chấp đã xảy ra từ năm 2011 nhưng đến nay chưa có hồi kết…

“Tiền trảm… hậu tấu”

Ở đây, chúng tôi không bàn đến chuyện tranh chấp đất đai giữa 2 gia đình (ông Tình, bà Chúc và ông Tấn), mà chỉ nói đến dự án (DA) Nhà máy gạch tuynel do Công ty Bắc Sơn làm chủ đầu tư (diện tích 50.280m2, ở thôn Lai Sơn, xã Bắc Sơn).

Theo hồ sơ, ngày 22/4/2013, Sở QH-KT Hà Nội mới có văn bản chấp thuận quy hoạch mặt bằng tổng thể DA Nhà máy gạch tuynel của Công ty Bắc Sơn. Trước đó, UBND TP Hà Nội mới có chấp thuận (Công văn số 3637/UBND-XD ngày 16/5/2012) đề xuất DA Nhà máy sản xuất gạch của Công ty Bắc Sơn với diện tích sử dụng đất khoảng 4,84ha.

Nhà xưởng của Công ty Bắc Sơn đã đi vào hoạt động từ năm 2013 nhưng đến năm 2014 khu đất này mới có quyết định thu hồi. Ảnh: Trần Thụ

Đáng lưu ý là: Trong Văn bản chấp thuận quy hoạch mặt bằng của Sở QH-KT Hà Nội (có đề cập đến Công văn số 95/CV-UBND ngày 17/12/2012 của UBND xã Bắc Sơn), xác nhận có sự liên quan đến nguồn gốc sử dụng đất, phương án đền bù GPMB khi triển khai DA.

Ngày 2/4/2014, UBND TP Hà Nội mới có quyết định (Quyết định số 1753/QĐ-UB) thu hồi 50.280m2 đất tại thôn Lai Sơn cho Công ty Bắc Sơn thuê để xây dựng Nhà máy gạch. Nhưng trao đổi với phóng viên (qua điện thoại), ông Phạm Trọng Hòa - Giám đốc Công ty khẳng định: DA được khởi công xây dựng từ năm 2011, đến năm 2013 đã đi vào hoạt động. Như vậy, nhiều khả năng các ngành chức năng huyện Sóc Sơn và UBND xã Bắc Sơn đã “đi đêm” với DN nên mới dẫn đến tình trạng… “tiền trảm hậu tấu”(?).

Trong quyết định thu hồi và cho thuê đất của TP Hà Nội cũng nêu rõ tại mục 5 của Điều 2 là Công ty Bắc Sơn có trách nhiệm liên hệ với “Sở Xây dựng để được hướng dẫn và thực hiện thủ tục xây dựng theo quy định”.

Như vậy, đến khi UBND TP có quyết định cho thuê đất thì DA đã đi vào hoạt động trước đó… một năm!

Đất công hay đất tư?

Liên quan đến việc xác định mảnh đất của gia đình ông Tình, bà Chúc là đất công hay đất tư, ông Trần Đình Cường – Phó Chủ tịch UBND xã Bắc Sơn cũng như ông Nguyễn Đình Việt – cựu Phó Chủ tịch xã đều khẳng định, khu vực DA Nhà máy gạch lấy vào đều là đất công, không có đền bù cho hộ dân nào cả!

Hai vị cán bộ xã Bắc Sơn đều cho rằng, các hộ dân ra tự lấn chiếm đất công. Tuy nhiên, câu hỏi là lấn chiếm từ khi nào? Có xử phạt hành chính các hộ dân về việc lấn chiếm đất công hay không? Kế hoạch sử dụng đất công của xã (khi đoàn 569 bàn giao từ năm 1983 - 1985), đến khi xây dựng nhà máy gạch Bắc Sơn, ông Cường và ông Việt đều không trả lời câu hỏi của phóng viên.

Một tình tiết đáng lưu ý là ngày 23/3/2017, UBND xã Bắc Sơn tổ chức đối thoại giữa các bên. Công ty Bắc Sơn đưa ra quan điểm không liên quan đến việc đòi đất của ông Tình, bà Chúc vì cho rằng: Ông Trần Bá Tấn góp phần tài sản bằng quyền sử dụng đất (trên phần diện tích đất thuê của nhà ông Tình, bà Chúc). Nhưng vẫn tại buổi làm việc này, phía Công ty Bắc Sơn và ông Tấn không cung cấp được hồ sơ góp vốn cũng như giấy tờ về quyền sử dụng đất góp vốn vào Công ty…

Nếu diện tích đất của ông Tình, bà Chúc là đất công (như cách lý giải của 2 vị lãnh đạo xã Bắc Sơn), thì việc ông Tấn đem diện tích đất trên góp cổ phần vào Công ty Bắc Sơn có trái luật? Câu hỏi này vẫn chưa có ai lý giải rành rõ!

Trong một diễn biến khác, ông Nguyễn Văn Toán – Phó trưởng Phòng TN&MT huyện Sóc Sơn cho hay: DA Nhà máy gạch tuynel Bắc Sơn trước đây Sở TN&MT Hà Nội đã thanh, kiểm tra và phát hiện có những sai phạm, sau đó phía Sở đã có kiến nghị UBND TP cho hợp thức hóa.

Xét ở góc độ pháp lý, ông Tình, bà Chúc là chủ sử dụng đất hợp pháp có sử dụng đất trên thực tế, được Nhà nước công nhận (qua việc được xét duyệt hồ sơ cấp Giấy chứng nhận (GCN) quyền sử dụng đất và đã có GCN). Việc ông Tình, bà Chúc chưa được nhận GCN là do lỗi của chính quyền địa phương. Điều này gây ra những hạn chế và thiệt thòi cho ông Tình, bà Chúc trong quá trình sử dụng đất, thậm chí đang đối diện với nguy cơ bị cướp trắng.

Luật sư Đào LiênCông ty Luật Tiền Phong (Đoàn Luật sư Hà Nội)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần