Tai nạn giao thông tăng 30% số vụ trong ngày đầu nghỉ lễ 30/4

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là thông tin được Ủy ban ATGT Quốc gia phát đi vào chiều nay (30/4) về tình hình tai nạn giao thông trên cả nước.

 Tai nạn giao thông tăng 30% số vụ trong ngày đầu nghỉ lễ (Ảnh: Hòa Thắng)
Báo cáo từ Cục CSGT, Bộ Công an cho thấy, ngày 30/4 cả nước xảy ra 26 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 14 người, bị thương 12 người. Tất cả đều là TNGT đường bộ. So sánh với ngày nghỉ đầu tiên (27/4) của kỳ nghỉ lễ này năm 2019, số vụ TNGT tăng 30% (tương đương 6 vụ; số người chết giảm 12,5% (tương đương 2 người) và số người bị thương giảm 20% (tương đương 4 người).
Về công tác tuần tra, kiểm soát xử lý vi phạm, Ủy ban ATGT Quốc gia cho biết, ngày 30/4, lực lượng CSGT các địa phương đã phát hiện, kiểm tra, xử lý lập biên bản 3.518 trường hợp vi phạm, ra quyết định xử phạt với số tiền 4,211 tỷ đồng, tạm giữ 49 ô tô, 564 mô tô, xe gắn máy, tước 371 giấy phép lái xe.
Đặc biệt, theo báo cáo của 43 địa phương, lực lượng CSGT đã kiểm tra, phát hiện và xử lý 179 trường hợp lái xe vi phạm quy định về nồng độ cồn. Bên cạnh đó, lực lượng CSGT đường thủy đã tổ chức hàng trăm lượt cán bộ, chiến sỹ tuần tra kiểm soát xử lý vi phạm trật tự ATGT, phát hiện lập biên bản 86 trường hợp vi phạm; ra quyết định xử phạt hành chính 139,35 triệu đồng.
Cũng trong ngày 30/4 đã ghi nhận sự xuất hiện trở lại của tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các tuyến đường cửa ngõ của hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh.
Đây là điều có thể dự báo được bởi sau những ngày cách ly xã hội, dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5 năm nay là cơ hội đi lại tốt nhất của người dân, nên ngay từ chiều ngày 29/4 nhiều người dân đang sinh sống và làm việc tại các TP lớn đã về quê hoặc đi nghỉ lễ làm lưu lượng phương tiện giao thông tăng cao, dẫn tới tình trạng ùn tắc.
 Hành khách đông khiến công tác đảm bảo khoảng cách phòng dịch trong bến xe khó thực hiện (Ảnh: Hòa Thắng)
Tại Hà Nội ngày đầu nghỉ lễ, các tuyến đường trọng điểm của TP như Nguyễn Trãi, Khuất Duy Tiến, Nguyễn Xiển, Vành đai 3 trên cao, Giải Phóng, các tuyến đường xung quanh các bến xe Giáp Bát, Nước Ngầm, Mỹ Đình đều rất đông phương tiện. Lượng phương tiện tham gia giao thông gia tăng nhanh, xuất hiện nhiều điểm ùn tắc cục bộ.
Trong khi đó ở các bến xe, lượng hành khách khá đông, hành khách phải chờ xe lâu hơn. Xảy ra tình trạng ùn tắc kéo dài trên Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ, các cửa ngõ phía Nam của Hà Nội sáng 30/4/2020 do người dân đổ về quê nghỉ lễ.
Tại TP Hồ Chí Minh, trên tuyến đường Huỳnh Văn Cừ từ TP Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) đến cầu Phú Cường, giáp ranh huyện Củ Chi, TP Hồ Chí Minh cũng rơi vào tình trạng kẹt cứng từ tối 29/4.
Khu vực bến xe miền Đông, hàng nghìn người đổ về để đón xe về quê nghỉ lễ khiến trong bến xe và nhiều tuyến đường xung quanh tắc nghẽn. Giá vé xe khách ở bến xe miền Đông tăng cao so với dịp nghỉ Tết Nguyên đán Canh Tý. Sáng ngày 30/4, người dân TP đi du lịch, hàng nghìn chiếc xe ô tô đổ về tuyến đường Long Thành – Dầu Giây làm ùn tắc kéo dài trên tuyến đường này. Tuy nhiên, nhờ lực lượng chức năng tăng cường ra đường để phân luồng giao thông nên nhìn chung giao thông vẫn được thông suốt, không để xảy ra tình trạng tắc nghẽn giao thông trên diện rộng.
Ủy ban ATGT Quốc gia đánh giá, phần lớn hành khách, người tham gia giao thông tuân thủ nghiêm ngặt việc đeo khẩu trang, khai báo y tế,... Tại các bến xe, hành khách đều được yêu cầu khai báo y tế, đo thân nhiệt trước khi lên xe nhằm phòng chống dịch bệnh Covid-19, đảm bảo an toàn cho mình, lái xe và hành khách trên xe.
Chỉ có một vấn đề duy nhất là do lượng người quá đông dẫn tới tình trạng hành khách chen lấn khiến công tác đảm bảo khoảng cách phòng dịch trong bến xe gần như không thể thực hiện được.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần