Tại phường Khương Thượng, quận Đống Đa: Có hay không việc chính quyền phá tường nhà dân?

Bài, ảnh: Nguyên Bảo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 8/11, báo Kinh tế & Đô thị có bài viết nêu phản hồi của UBND phường Khương Thượng (quận Đống Đa) về việc không có chuyện chính quyền phá tường nhà dân.

Sau khi bài viết được đăng tải, bà Nguyễn Thị Lụa (địa chỉ số 18, ngõ 123 phố Khương Thượng) đã có phản hồi tới báo về những nội dung trong công văn trả lời của UBND phường.
Theo bà Lụa, sau khi đọc những nội dung phản hồi trong công văn trả lời của UBND phường Khương Thượng gửi tới báo Kinh tế & Đô thị, phía gia đình thấy có 2 nội dung lớn mà phường trả lời không đúng. Cụ thể, gia đình bà Lụa là chủ sử dụng hợp pháp nhà, đất tại số 18 ngõ 123 phố Khương Thượng và không có tranh chấp. Ngày 2/6/2015, lực lượng chức năng của phường đã đến đập hai gian nhà cấp 4 phía sau trong lúc gia đình đi vắng. Trước đó, gia đình không nhận được thông báo của phường. Tiếp đó, bà Lụa cho rằng, sau khi báo chí nhận được đơn tố cáo của gia đình đã xuống làm việc với ông Nguyễn Hoàng Thắng (lúc đó là Phó Chủ tịch UBND phường Khương Thượng). Thế nhưng, ông Thắng đã tạo dựng hồ sơ giả mạo khi lấy hồ sơ giải tỏa hành lang mương sông Lừ để áp vào việc phá dỡ của gia đình.

Căn nhà cấp 4 của bà Lụa tại số 18, ngõ 123 phố Khương Thượng.

Liên quan đến những nội dung này, mới đây, UBND phường Khương Thượng tiếp tục có Công văn số 270/UBND-VP phản hồi tới Báo. Theo nội dung công văn này, sau khi UBND phường tiến hành thẩm tra và xác định, bà Lụa đã kê khai cả phần đất lưu không xen kẹt trong khu dân cư (kê khai ngoài diện tích nhà cấp 4 có diện tích 18m2). Tuy nhiên, gia đình bà Lụa lại cho rằng, theo hồ sơ kỹ thuật thửa đất và hiện trạng được phường xác nhận thì gia đình được sử dụng 65,6m2 từ năm 2007 đến nay và có hóa đơn nộp thuế đất. Hồ sơ xin cấp sổ đỏ nộp tại bộ phận một cửa của phường ngày 15/3/2017 đúng với hiện trạng sau khi phường đã đập phá 2 bức tường của gia đình.

Theo UBND phường Khương Thượng, năm 2014, khi thực hiện Dự án thoát nước nhằm cải thiện môi trường Hà Nội (hạng mục cải tạo mương L2A), quy trình các hộ dân chỉ dẫn cho đơn vị đo vẽ thửa đất tại hiện trường và hồ sơ kỹ thuật thửa đất cũng nêu rõ: Hồ sơ phục vụ cho việc xác định vị trí và diện tích hiện trạng, không xác nhận quyền sử dụng đất. Khi đó, hộ bà Lụa đã chỉ dẫn cho đơn vị đo lập hồ sơ GPMB có diện tích 65,6m2 (trong đó, có cả phần đất công của phường quản lý, sơ đồ thửa đất thể hiện trên có nhà cấp 4 khoảng 18m2 và còn lại là đất trống).

Việc ghi hiện trạng tổng diện tích hộ bà Lụa sử dụng là 65,6m2 đã khiến gia đình lầm tưởng được sử dụng cả phần đất công do phường quản lý. Theo phương án GPMB được cấp, căn nhà cấp 4 bà Lụa sử dụng có 0,08m2 (trong diện tích 18m2 nhà cấp 4 đã mua) nằm trong chỉ giới GPMB là phần đất được sử dụng làm nhà ở trước ngày 15/10/1993 nên đã được bồi thường theo giá đất TP quy định. Các diện tích khác trong chỉ giới được xác định là đất lưu không, không có công trình khác là đất công thuộc quyền quản lý của UBND phường nên không được bồi thường. Do vậy, việc bà Lụa tự nhận phần đất ngoài 18m2 nhà cấp 4 đã mua là của mình, trên có nhà và bị phường Khương Thượng phá dỡ là không có cơ sở.

Đối với khu đất này, UBND phường có thông báo với khu dân cư số 8 về việc cho nhà thầu là Tổng Công ty CP Sông Hồng mượn để làm lán trại tập kết vật liệu. Đến năm 2015, UBND phường cùng đơn vị thi công thu hồi lại phần đất công của phường do Tổng Công ty CP Sông Hồng lắp dựng không liên quan gì đến nhà bà Lụa. Vì vậy, việc bà Lụa tố cáo chính quyền đập phá nhà là không đúng vì hiện tại vẫn căn nhà cấp 4 nguyên trạng.

Tuy nhiên, khi làm việc với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, gia đình bà Lụa không đồng tình với nhiều nội dung trả lời của UBND phường Khương Thượng. Đại diện gia đình bà Lụa cho biết, trong hồ sơ kỹ thuật thửa đất phường đã xác định diện tích nhà gia đình đang sử dụng 65,6m2. Thời điểm đó, hai khu đất này có diện tích khoảng 14m2 và không phải đất trống. Tại diện tích này, gia đình đã xây hai bức tường ngăn giữa chỉ giới thu hồi dự án và đất gia đình để làm bếp và khu vệ sinh. Tuy nhiên, ngày 2/6/2015 phường tự ý vào đập phá khi gia đình đi vắng và không có thông báo. Sau khi đập phá hai bức tường của gia đình, UBND phường đã giả mạo các biên bản lấy từ dự án sông Lừ áp vào việc giải tỏa của gia đình nhằm đối phó với cơ quan chức năng và báo chí. Cũng theo gia đình bà Lụa, thửa đất trên có 4 cạnh. Căn cứ hiện trạng sử dụng phường đã trình quận để phê duyệt phương án GPMB với tổng diện tích 65,6m2. Việc phường khẳng định cho đơn vị thi công dự án mượn đất là không có cơ sở vì diện tích này đang được gia đình sử dụng…

Trước sự việc này, đề nghị UBND quận Đống Đa cùng các cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để làm rõ có hay không việc chính quyền phá tường nhà dân và tránh khiếu kiện kéo dài.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần