Tại sao trong Đại lễ Phật đản thường tổ chức nghi thức tắm Phật?

Khang Nhi (Tổng hợp)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đại lễ Phật đản cùng nghi thức tắm Phật luôn được các Phật tử mong đợi nhất trong năm. Năm nay, Đại Lễ Phật đản diễn ra vào thứ 4, ngày 26/5 Dương lịch, tức ngày Rằm tháng 4 âm lịch.

Tuy nhiên, do tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn biến ngày càng phức tạp, ngày lễ này có thể sẽ phải tổ chức với quy mô hạn chế hơn và chủ yếu là trực tuyến trên các trang mạng xã hội, trang web của nhiều chùa.
Đại lễ Phật đản năm 2021 diễn ra trong điều kiện dịch bệnh Covid-19 đang phức tạp, nhiều Phật tử tham gia các khóa lễ trực tuyến và thành kính tổ chức nghi thức Tắm Phật ngay tại tư gia.
Trong Phật giáo, thường có nhiều hình thức nghi lễ, nhằm mục đích truyền bá giáo lý sâu rộng trong nhân gian, giúp đỡ mọi người xây dựng cuộc sống hiện đời được an lạc và hạnh phúc hơn. Và hàng năm, trong đại lễ Phật đản, nghi lễ tắm Phật luôn là một trong những nghi thức phổ biến trong nhiều truyền thống Phật giáo khác nhau.  Nghi thức này vốn đã xuất hiện khá lâu tại Ấn Độ, Trung Á và Trung Hoa, và ngày nay được duy trì trong hầu hết các cộng đồng Phật giáo khắp nơi như một cử chỉ, một hành động để bày tỏ lòng tôn kính, hân hoan của người con Phật đối với sự xuất hiện của đấng Giác Ngộ trên cuộc đời này, cách đây hơn 2.600 năm. Là một lễ nghi có từ lâu đời và là phần thiết yếu của lễ hội Phật đản, nghi lễ tắm Phật xuất hiện rất phổ biến trong các nước Phật giáo Nam truyền và Bắc truyền. 
Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện hoàng hậu Ma-da sinh thái tử Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni. Theo truyền thuyết, khi Thái tử Tất Đạt Đa đản sinh, hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa. Hai dòng nước lạnh và nóng tượng trưng cho hai cảnh giới thuận và nghịch của cuộc đời, hai cảnh giới vui buồn và sướng khổ của cuộc sống hằng ngày, mà tất cả mọi người sanh ra trên thế gian này phải chịu đựng. Thái tử Tất Đạt Đa đã chịu đựng được hai dòng nước lạnh và nóng đó, sau này trở thành Đức Phật Thích Ca.
Việc tắm Phật là một cơ hội để người con của Phật thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tấm lòng thành về Phật, đức hạnh và trí tuệ. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, từ dơ sẽ thành sạch, từ ô uế sẽ trở thành trong sáng, thanh khiết. 
Khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên. 
Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Trong kinh sách, Đức Phật dạy rằng: người nào chịu đựng được những cảnh thuận nghịch của cuộc đời, mà tâm vẫn bình thường, bình tĩnh thản nhiên, an nhiên tự tại, thì người đó là một vị Phật trong tương lai. Đây chính là ý nghĩa sâu xa, vi diệu của nghi lễ tắm Phật và việc tu tập theo đạo Phật.
Bên cạnh đó, việc dâng mâm đồ chay tại các gia đình Phật tử trong ngày lễ Phật Đản cũng biểu hiện sự thanh lọc những ô uế, phiền não của tâm.