Tấm bia đá hơn 300 tuổi bị vỡ: Ứng xử thô bạo với di sản

Lan Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Cuối tuần qua, cộng đồng mạng xôn xao về hình ảnh tấm bia đá hơn 300 tuổi ở chùa Thổ Hà (Bắc Giang) bị vỡ thành nhiều phần vì cách trùng tu sai kỹ thuật, quy trình. Khả năng phục hồi như ban đầu của tấm bia đá là rất khó. Các chuyên gia và những người yêu di sản bất bình về hành động thô bạo của đơn vị trùng tu di tích.

Bia đá trên 342 năm tuổi bị vỡ khi di chuyển để tu bổ
Vào đầu tháng 9 vừa qua, trong quá trình dịch chuyển phục vụ công tác tu bổ, tôn tạo di tích chùa Thổ Hà (Việt Yên, Bắc Giang), đơn vị thi công đã đào móng xung quanh bia, dùng dây vải buộc thân bia, sử dụng xe cẩu để nâng (nhằm luồn dây qua phần bia để buộc bó toàn bộ bia) để di chuyển khối bia cổ 342 năm tuổi.
Sau sự việc, các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra, Sở VHTT&DL Bắc Giang đã có lời giải thích bia đá trải qua quá trình om lửa, om nước (do lũ lụt) nên đã bị nứt sẵn, chứ nguyên nhân hoàn toàn không phải do việc di chuyển của đơn vị thi công.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng lời giải thích này là thiếu hợp lý. Nếu bị om lửa, om nước thì đá xanh sẽ bị vôi hóa, sẽ bị hỏng văn tự và văn bia. Trong khi thực tế bia vẫn còn đẹp, có thể bị nứt nhưng kết cấu bia vẫn còn toàn vẹn, nguyên thể.

Nguyên nhân chỉ có thể do kỹ thuật dịch chuyển sai quy trình, việc gia cố không chắc chắn nên bia cổ bị vỡ thành nhiều phần. Một chuyên gia nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực di sản cho rằng, qua hình ảnh về sự cố vỡ bia chùa Thổ Hà có thể thấy, khi di chuyển bia đá, đơn vị thi công mới chỉ đào một bên mà chưa đào hết xung quanh. Hơn nữa, cách buộc dây vào thân bia đá để nhổ lên, trong khi chân móng rất nặng, lại không có giá đỡ, nên dễ đứt gãy.

Hành động làm vỡ vụn tấm bia là cách hành xử thô bạo, rất ẩu với hiện vật, di tích và trong cách trùng tu. Một bia đá với lịch sử văn hóa dân tộc gắn liền với các tuyến sông, văn hóa của người dân Kinh Bắc không thể vì một sơ suất mà làm hỏng đi một giá trị hàng trăm năm của lịch sử dân tộc. Việc làm hỏng bia cổ chùa Thổ Hà là hủy hoại di sản văn hóa. Đây là việc làm đáng tiếc, tắc trách, không theo quy trình, không đúng kỹ thuật và vi phạm Luật Di sản văn hóa, cần được nghiêm khắc chấn chỉnh để tránh những hậu quả đáng tiếc cho các di sản khác.