Tâm lý thận trọng bao trùm thị trường chứng khoán

Hà Lâm
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau một phiên tăng mạnh với sự hỗ trợ của nhóm cổ phiếu ngân hàng, không khi ảm đạm vẫn bao trùm thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam. Nhóm cổ phiếu lớn phân hóa, tâm lý nhà đầu tư vẫn ở trong trạng thái thận trọng, nghi ngờ.

Nhà đầu tư rón rén

Dù rút ngắn đà giảm nhưng phiên giao dịch chiều 30/5 vẫn diễn ra khá ảm đạm với sự giằng co của cả bên mua và bán. Đóng cửa phiên giao dịch, VN-Index giảm 3,68 điểm (0,39%) xuống 948,5 điểm; HNX-Index giảm 1,19 điểm (1,05%) xuống 111,7 điểm và Upcom-Index giảm 0,06 điểm (0,12%) xuống 52,27 điểm.
 Ảnh mang tính chất minh họa. Nguồn: Internet
Nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn vẫn trong trạng thái phân hóa, giằng co. Bộ đôi VIC, VHM đồng loạt tăng về cuối phiên, BVH, HPG, ROS cũng như các cổ phiếu ngân hàng VPB, HDB, VCB tăng mạnh là yếu tố hỗ trợ thị trường. Ở chiều ngược lại, GAS giảm sàn, cũng như các Bluechips PNJ, VJC, PLX, FPT, VNM…
Đáng chú ý, thanh khoản toàn thị trường ở mức thấp với 190 triệu đơn vị, tương ứng giá trị 5.160 tỷ đồng cho thấy giới đầu tư vẫn khá thận trong với xu hướng thị trường hiện nay. Giao dịch khối ngoại cũng đáng chú ý khi họ bán ròng gần 400 tỷ đồng trên toàn thị trường, sau khi "ngưng bán" trong 2 phiên trước đó.

Cơ hội lúc nào cũng có, tuy nhiên lựa chọn đầu tư còn phụ thuộc vào tiêu chí của từng người. TTCK được gọi là tốt hay xấu không phải chỉ dựa vào tăng giảm của VN-Index mà còn phải căn cứ vào khả năng huy động vốn thành công cho các DN trên TTCK. Chúng ta đang huy động được nguồn vốn rất lớn, đó mới là mục tiêu chính của thị trường.

Chủ tịch HĐQT SSI Nguyễn Duy Hưng

Trước đó, trong phiên giao dịch ngày 29/5, thị trường đã có sự hồi phục rất mạnh, hàng loạt các cổ phiếu vốn hóa lớn đều được kéo lên mức giá trần. Tuy nhiên, chỉ sau một đêm, nhiều cổ phiếu lại lao dốc trong phiên sáng 30/5. Điều này cho thấy tâm lý của nhà đầu tư vẫn rất thận trọng và trong trạng thái thăm dò lẫn nghi ngờ trong các quyết định mua bán.

Cơ hội mua bắt đáy?

Sau nhiều phiên giảm mạnh, nhiều nhà đầu tư và chuyên gia phân tích chứng khoán dự báo, VN-Index đã đi qua vùng đáy và đang lò dò tìm đường đi lên. Tuy nhiên, tâm lý thị trường vẫn là một yếu tố ảnh hưởng nhiều đến việc VN-Index sẽ đi lên bền vững hay đi lên trong giằng co.

Trang tin Bloomberg mới đây cho rằng hệ số lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu (P/E) của TTCK Việt Nam đã giảm về mức khoảng 15 lần, gần mức trung bình 3 năm là 14,5 lần. Dù vẫn đắt nếu so với một số thị trường cùng quy mô, nhưng Bloomberg định giá cổ phiếu trong VN-Index giờ đang gần mức thấp nhất kể từ tháng 12 năm. Vì lý do này, các nhà đầu cơ giá lên đang nhận thấy cơ hội mua vào trên thị TTCK Việt Nam.

Cùng đánh giá lạc quan, công ty Chứng khoán KIS cho rằng, VN-Index đáng được định giá cao hơn so với 1 - 2 năm trước vì nhiều lý do. Thứ nhất, đó là kinh tế Việt Nam tăng tốc trong quý I/2018 với tăng trưởng GDP đạt 7,38%, cao nhất trong một thập kỷ. Thứ hai, Fitch vừa nâng mức xếp hạng tín nhiệm Việt Nam lên mức BB, điều này có thể kéo theo việc nâng hạng khác đến từ S&P và Moody’s. Ngoài ra, Morgan Stanley Capital International (MSCI) đang xem xét nâng hạng Việt Nam lên mức thị trường mới nổi từ nhóm cận biên hiện tại. Cuối cùng, thanh khoản của sàn HOSE tăng gần gấp đôi trong nửa đầu 2018 (trung bình 6.800 tỷ/phiên) so với nửa đầu 2017 (trung bình 3.800 tỷ/phiên). Tất cả các yếu tố này cho thấy nền kinh tế Việt Nam và TTCK đang ngày càng trở nên ít rủi ro hơn, dẫn tới một mức định giá cao hơn cho TTCK.