Tận dụng 2.500 tấn rơm dư thừa để trồng khoai tây vụ Đông

Bình Minh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trung tâm Khuyến nông Hà Nội (Sở NN&PTNT) vừa đánh giá kết quả phòng chống tác hại đến môi trường do việc đốt rơm rạ và việc ứng dụng các quy trình xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp trên địa bàn TP.

Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Nội Vũ Thị Hương cho biết, xác định tầm quan trọng của công tác tuyên truyền, đơn vị đã phối hợp với nhiều cơ quan báo chí và địa phương thông tin về tác hại đến môi trường do việc đốt rơm rạ. Tuyên truyền hạn chế đốt rơm rạ sau khi thu hoạch lúa của người dân trên địa bàn TP trên website khuyennonghanoi.gov.vn và trên đài phát thanh các quận, huyện, thị xã.
Mô hình trồng khoa tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ tại xã Hương Ngải, huyện Thạch Thất.
Cùng với đó, tuyên truyền về hiệu quả của các mô hình do Trung tâm thực hiện góp phần bảo vệ môi trường, tận thu nguồn rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa như: Mô hình tăng vụ khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ và mô hình trồng nấm chất lượng.

Bên cạnh đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tích cực triển khai việc ứng dụng các quy trình xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch trong sản xuất nông nghiệp. Chỉ tính riêng trong năm 2016, Trung tâm đã xây dựng được 11 mô hình tăng vụ khoai tây trên đất 2 lúa trên địa bàn 11 huyện với quy mô 110ha, thu hút 1.413 hộ tham gia. Mô hình đã áp dụng quy trình sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu phủ rơm rạ. Từ đó, tận dụng được lượng lớn rơm rạ dư thừa sau thu hoạch, ước tính khoảng 2.500 tấn rơm vào việc che phủ. Đáng chú ý, lượng rơm rạ sau khi che phủ cho khoai bị phân hủy đã bổ sung đáng kể chất hữu cơ cho đất, giúp nông dân giảm sử dụng lượng phân bón hóa học trong canh tác. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp bền vững, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cùng với đó, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn tuyên truyền, hướng dẫn nông dân sử dụng chế phẩm sinh học để xử lý rơm rạ thành phân hữu cơ. Thông qua các mô hình trình diễn, nông dân đã nhận thức được ảnh hưởng của việc đốt rơm rạ ảnh hưởng đến môi trường và hiệu quả, tác dụng của rơm rạ trong sản xuất nông nghiệp. Nhằm tiếp tục giảm thiểu tình trạng đốt rơm rạ sau vụ thu hoạch lúa, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã tham mưu Sở NN&PTNT tiếp tục hỗ trợ để xây dựng các mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật trong xử lý rơm rạ và phụ phẩm nông nghiệp sau thu hoạch.