Tăng chế tài xử phạt vi phạm ATGT đường sắt: Khó khả thi

Quý Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nhiều chuyên gia đánh giá, việc tăng chế tài xử phạt đối với vi phạm ATGT đường sắt là không thật sự khả thi và chưa chắc phát huy hiệu quả.

 Một vụ tai nạn đường sắt xảy ra tại Thanh Hóa năm 2018. Ảnh: Quý Nguyễn
Bộ GTVT đang chủ trì soạn thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của phần Đường sắt trong Nghị định 46/2016 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt. Một trong những điểm đáng chú ý trong bản nghị định sửa đổi, bổ sung này là Bộ GTVT đề nghị tăng chế tài xử phạt đối với nhiều hành vi vi phạm ATGT đường sắt so với quy định hiện hành. 
Phạt nặng để tăng tính răn đe

Phó trưởng Phòng Vận tải – ATGT (Cục Đường sắt Việt Nam) Uông Đình Dũng cho hay, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của phần Đường sắt lần này nhằm hai mục đích: Thứ nhất là nhằm điều chỉnh những hành vi phát sinh trong thực tiễn; thứ hai nhằm phù hợp với Luật Đường sắt 2017 cũng như các văn bản pháp luật liên quan mới được ban hành thời gian qua. Tuy nhiên, ông Hùng tiết lộ, cơ quan soạn thảo sẽ tiến hành điều chỉnh, bổ sung một số quy định theo hướng tăng nặng chế tài xử phạt đối với những hành vi vi phạm ATGT đường sắt. Mục đích của việc tăng chế tài này không nằm ngoài việc đảm bảo tính răn đe và giúp cho pháp luật được thực hiện một cách nghiêm minh hơn.
Chế tài xử phạt hành chính với vi phạm giao thông nói chung và vi phạm ATGT đường sắt nói riêng chỉ mang tính chất răn đe. Còn xử phạt cao hay thấp cũng phải xem xét thật kỹ. Phạt nhẹ quá thì sẽ nhờn luật, còn cao quá sẽ khó khả thi. Do đó vấn đề này phải nghiên cứu thật kỹ trước khi đưa ra đề xuất.

GS.TS Từ Sỹ Sùa – Giảng viên Đại học GTVT
Cụ thể, trong lần xin ý kiến góp ý của các cơ quan liên quan và các địa phương lần này, cơ quan soạn thảo đã đề xuất tăng mức xử phạt lên từ 2 - 3 lần đối với một số hành vi so với quy định hiện hành tại Nghị định 46/2016. Đơn cử, hành vi vi phạm quy định về quy tắc giao thông tại đường ngang, cầu chung, hầm (được quy định tại Khoản 2, Điều 46 của Nghị định 46/2016) mức phạt được đề xuất tăng từ 80.000 – 100.000 đồng lên 200.000 - 300.000 đồng. Đối tượng điều chỉnh là người điều khiển xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ vượt rào chắn đường ngang khi chắn đang dịch chuyển; vượt đường ngang, cầu chung khi đèn đỏ đã bật sáng; không chấp hành hiệu lệnh, chỉ dẫn của nhân viên gác đường ngang, cầu chung.

Ngoài ra, cơ quan soạn thảo cũng bổ sung một số hành vi vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính như: "Điều khiển xe ô tô; máy kéo; rơ moóc hoặc sơmi rơ moóc được kéo bởi xe ô tô, máy kéo; vượt qua đường sắt tại các lối đi tự mở” bị đề nghị xử phạt từ 300.000 - 500.000 đồng. Lý do của việc bổ sung chế tài xử phạt đối với những hành vi này được cơ quan soạn thảo giải thích là nhằm hạn chế số lượng phương tiện giao thông đường bộ vượt qua đường sắt tại các lối đi tự mở. Theo thống kê của ngành đường sắt, số vụ TNGT đường sắt tại các lối đi tự mở đang chiếm tỷ lệ rất cao (năm 2018 là 36,25%), nếu bổ sung chế tài xử phạt đối với những hành vi trên sẽ góp phẩn giảm thiểu TNGT đường sắt.

Ông Uông Đình Dũng cho biết, hiện, Cục Đường sắt đang xin ý kiến đóng góp ý kiến từ các cơ quan liên quan và các địa phương để tiếp tục điều chỉnh, bổ sung trước khi hoàn chỉnh trình Chính phủ.

Phải "gãi đúng chỗ ngứa"

Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Phạm Xuân Mai – nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông, ĐH Bách khoa TP Hồ Chí Minh khẳng định, đề xuất tăng chế tài xử phạt để giảm TNGT đường sắt là vô ích: “Tăng cường hay không tăng cường xử phạt thì tai nạn vẫn cứ xảy ra. Không phải cứ xử phạt nặng là tai nạn sẽ giảm”. Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai, muốn giảm TNGT đường sắt thì phải tìm ra nguyên nhân gốc rễ của vấn đề. “Vấn đề của ngành đường sắt hiện nay là đã trải qua 100 năm không được đầu tư nên rất lạc hậu. Người quản lý đường sắt thì yếu kém và thiếu trách nhiệm. Do đó, bao năm qua ngành đường sắt vẫn cứ thế, thành ra sản lượng ngành đường sắt không chỉ giảm xuống mà tai nạn ngày càng tăng” - nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông nói. Từ phân tích trên, PGS.TS Phạm Xuân Mai nhận định, để giải quyết vấn nạn TNGT thì cách tốt nhất là phải cải tạo toàn bộ hệ thống hạ tầng đường sắt, đặc biệt là xoá bỏ các đường ngang, đường dân sinh giao cắt với đường sắt.

Đồng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thanh – nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cũng bày tỏ lo ngại về tính khả thi và hiệu quả của việc tăng chế tài xử phạt đối với hành vi vi phạm ATGT đường sắt. Theo ông Thanh, để giảm TNGT đường sắt cần phải biết “gãi đúng chỗ ngữa” và “chỗ ngứa” đó là những vấn đề bất cập, xuống cấp của hạ tầng đường sắt. Đây mới là nguyên nhân chính khiến TNGT đường sắt trở nên nhức nhối trong thời gian qua. “Khi có kết cấu hạ tầng tốt thì tự nhiên sẽ giảm bớt được TNGT. Cải tạo, nâng cấp hạ tầng đường sắt là việc cấp bách phải làm ngay. Bởi nếu bây giờ không đầu tư cho đường sắt thì ngành này sẽ càng trì trệ và tai nạn sẽ liên tục xảy ra” – ông Thanh nhận định.

Bên cạnh đó, nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho rằng, ngành đường sắt cần phải được “cải tổ” về vấn đề con người, từ trình độ chuyên môn cho tới vấn đề thu nhập của công nhân viên đều cần được nâng lên. Bởi thực tế, doanh thu sụt giảm nên người lao động vào làm không được đảm bảo thu nhập, nảy sinh tâm lý chán nản, bỏ bê hoặc thiếu trách nhiệm với công việc.
Vấn đề cải tạo, nâng cao hạ tầng ngành đường sắt bắt buộc Nhà nước phải vào cuộc mới giải quyết được. Nếu để ngành đường sắt “tự bơi”, tự đối chọi với những ngành vận tải đang phát triển khác như đường bộ hay hàng không thì chắc chắn họ sẽ không thể nào tự xoay xở được.

Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam Nguyễn Văn Thanh