Tăng cơ hội tiêu thụ sản phẩm

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tháng 12/2014, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông...

Kinhtedothi - Đầu tháng 12/2014, dưới sự hỗ trợ của Trung tâm Xúc tiến thương mại (XTTM) nông nghiệp Hà Nội, gần 50 nông dân sản xuất rau an toàn (RAT) của thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ đã được tập huấn kỹ năng liên kết sản xuất theo tổ, nhóm hộ. Qua gần 4 tháng triển khai, chương trình đã bước đầu giúp thay đổi nhận thức của người nông dân.

Giám sát, hỗ trợ lẫn nhau

Có lẽ gần 50 học viên tham gia lớp học không ai là không nhớ bài học về vai trò của sự liên kết trong sản xuất mà Ths Đặng Đức Hạnh – giảng viên trường Cao đẳng Nông nghiệp Bắc Bộ đã truyền dạy trong khóa học. Thông qua một trò chơi đơn giản là "cầm phao bước qua sông", Ths Đặng Đức Hạnh đã chỉ ra cho bà con biết một điều hết sức thực tế là nếu chỉ một người thì mãi mãi không thể qua sông đúng luật được, mà cần sự liên kết đồng đội của cả nhóm. Trong nông nghiệp cũng vậy, cũng đòi hỏi sự phải có sự liên kết giữa các hộ, nhóm hộ mới tiến tới nền sản xuất hàng hóa, có chất lượng cao và đảm bảo tính bền vững. Là một trong những học viên tham gia lớp tập huấn, anh Hoàng Văn Vương (thôn Giáp Ngọ, thị trấn Chúc Sơn) chia sẻ, sau khóa học, các hộ dân đã tích cực hỗ trợ nhau về kỹ thuật, đảm bảo sản xuất RAT theo đúng quy trình. Cụ thể là từ cách chọn giống, thời vụ gieo trồng đến sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật đúng loại, đúng cách. Bên cạnh đó, các hộ sản xuất còn thông tin cho nhau biết về cơ cấu chủng loại rau định gieo trồng, tránh tình trạng nhiều hộ trồng ồ ạt cùng một loại rau dẫn tới nguồn cung lớn, ảnh hưởng tới đầu ra và giá bán sản phẩm.
Sản xuất rau an toàn tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. 	Ảnh: Quang Thiện
Sản xuất rau an toàn tại thị trấn Chúc Sơn, huyện Chương Mỹ. Ảnh: Quang Thiện
Theo thống kê, thị trấn Chúc Sơn có 90ha sản xuất rau màu, trong đó vùng quy hoạch sản xuất RAT chiếm 65ha. Ông Hoàng Văn Toàn – Chủ nhiệm HTX Nông nghiệp Chúc Sơn cho biết, trước đây, bà con nông dân chủ yếu sản xuất đơn lẻ, thiếu sự liên kết nên chất lượng và đầu ra của sản phẩm phần nào bị hạn chế. Tuy nhiên, sau khóa học về liên kết tổ, nhóm sản xuất do Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội triển khai, bà con bước đầu đã thay đổi nhận thức và tập quán canh tác. Ngoài trao đổi thông tin mùa vụ, các hộ sản xuất còn giám sát lẫn nhau trong sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật nên chất lượng RAT được nâng cao.

Quan trọng là đầu ra
Một trong những nhiệm vụ của Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội đề ra trong năm 2015 là tiếp tục tổ chức các lớp tập huấn về liên kết tổ, nhóm sản xuất và xây dựng các mô hình chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.
Tính đến nay, diện tích rau của thị trấn Chúc Sơn được Sở NN&PTNT cấp chứng nhận vùng sản xuất RAT là 62,5ha. Sản lượng cung ứng bình quân trên 20 tấn/ngày với hơn 20 chủng loại rau, chủ yếu là su hào, bắp cải, súp lơ, cải ngồng… Hiện tại, Chúc Sơn đang được Trung tâm Phân tích và Chứng nhận sản phẩm nông nghiệp Hà Nội khảo sát, tổ chức sản xuất rau theo hướng VietGAP với diện tích từ 5 - 10ha. Dự kiến đến cuối năm 2015 sẽ đánh giá và cấp nhãn hiệu cho sản phẩm. Tuy nhiên, một trong những khó khăn hiện nay của vùng RAT này là đa số bà con nông dân phải tự tiêu thụ sản phẩm ở các chợ. Thời gian qua, đã có DN đến đặt vấn đề tiêu thụ rau cho nông dân nhưng sản lượng còn hạn chế. Định hướng của HTX Nông nghiệp cũng như UBND thị trấn Chúc Sơn là sản xuất RAT hướng mạnh vào thị trường nội đô. Khi sản phẩm đảm bảo an toàn, có thương hiệu, có đầu ra ổn định sẽ góp phần nâng cao thu nhập cho người nông dân. Theo ông Toàn, hiện nay, bà con đã bước đầu được trang bị kiến thức sản xuất RAT và có sự liên kết với nhau, song câu chuyện về đầu ra cho sản phẩm vẫn cần được sự hỗ trợ của các ngành, đơn vị. Do đó, ngoài việc tăng cường liên kết xã viên trong HTX, ông Toàn bày tỏ mong muốn Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội tiếp tục hỗ trợ kết nối DN có đủ năng lực về tiêu thụ sản phẩm RAT cho nông dân.

Về vấn đề này, ông Đỗ Hoàng Thạch – Trưởng phòng Thông tin truyền thông - Tư vấn (Trung tâm XTTM nông nghiệp Hà Nội) chia sẻ, hiện nay, trong sản xuất, người nông dân chưa liên kết với nhau tạo thành vùng nguyên liệu lớn nên DN chưa mặn mà vào thu mua, tiêu thụ sản phẩm. Bên cạnh đó, liên kết giữa DN và nông dân cũng thiếu bền chặt nên chuỗi giá trị sản xuất - tiêu thụ chưa bền vững. Bởi vậy, theo ông Thạch, việc liên kết sản xuất lớn theo mô hình chuỗi có vai trò rất quan trọng và bản thân người nông dân phải liên kết với nhau, quản lý tốt từ khâu đầu vào để kéo DN vào bao tiêu sản phẩm.