Tăng cường quản lý, giám sát vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều 23/5, trình bày Báo cáo thẩm tra Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh trước Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc Hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, việc tăng cường quản lý, giám sát đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp có ý nghĩa quan trọng đối với quá trình tái cơ cấu DNNN.

Những năm qua, cùng với việc phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, hoạt động của doanh nghiệp nói chung và DNNN nói riêng đã phát sinh những yêu cầu quản lý mới như việc không dàn trải mà tập trung vào các ngành then chốt, các địa bàn gắn với kinh tế an ninh - quốc phòng tạo động lực phát triển cho xã hội đảm bảo an ninh quốc phòng; cơ cấu lại vốn nhà nước đầu tư tại DNNN bằng biện pháp tổng thể, phù hợp với kế hoạch và tình hình kinh tế - xã hội; vai trò, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước đối với các hoạt động đầu tư của DNNN.
Tăng cường quản lý, giám sát vốn đầu tư nhà nước tại doanh nghiệp - Ảnh 1
Chính phủ cho rằng, trong khi các văn bản quy phạm pháp luật về DNNN đang được sửa đổi, bổ sung hoặc xây dựng mới, đang triển khai thực hiện, thì một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước sử dụng vốn, tài sản không hiệu quả, chưa chú trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh chính, sử dụng vốn để đầu tư vào những lĩnh vực có rủi ro cao (chứng khoán, ngân hàng, bất động sản...), đặc biệt một số tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước quản lý yếu kém, hiệu quả kinh doanh thấp, thua lỗ, làm thất thoát vốn, tài sản của doanh nghiệp. Xuất phát từ tình hình đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 23/2012/QH13 ngày 12/6/2012 giao Chính phủ xây dựng dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh là phù hợp với thực tế của giai đoạn này nhằm mục tiêu khắc phục những bất cập về chính sách pháp luật và để quản lý, giám sát DNNN sử dụng vốn, tài sản đầu tư vào sản xuất kinh doanh.

Tờ trình dự án Luật của Chính phủ nêu rõ thời điểm hiện nay, pháp luật về quản lý nhà nước nói chung và quản lý hoạt động tài chính doanh nghiệp nhà nước nói riêng đang gồm nhiều Nghị định, Quyết định và chưa có Luật để điều chỉnh. Để bảo đảm đồng bộ pháp luật, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước bằng pháp luật, phát huy vai trò nòng cốt của kinh tế nhà nước, việc ban hành Luật Đầu tư và quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp là cần thiết.

Để đảm bảo mục tiêu đầu tư vốn, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát vốn nhà nước, thực hiện đúng quyền hạn, trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, của đại diện chủ sở hữu nhà nước và đồng thời để doanh nghiệp được quyền tự chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dự án Luật quy định một số hành vi bị cấm trong lĩnh vực đầu tư và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp như: Đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp không đúng thẩm quyền; can thiệp, giám sát, kiểm tra thanh tra, tiết lộ thông tin về doanh nghiệp không đúng quy định. Dự án Luật cũng quy định hành vi bị cấm khi thực hiện không đúng quy định về quản lý, sử dụng vốn, tài sản của doanh nghiệp và quản lý phần vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp khác.

Về nguyên tắc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp đáng chú ý, dự án Luật quy định đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp để hình thành và duy trì doanh nghiệp ở những khâu, công đoạn then chốt trong một số ngành, lĩnh vực mà các thành phần kinh tế khác không tham gia, hoặc thuộc diện Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, duy trì cổ phần, vốn góp chi phối; đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp phải đúng mục tiêu, tránh dàn trải, lãng phí, thất thoát, bảo toàn, có hiệu quả và gia tăng giá trị vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp và phải đảm bảo công khai, minh bạch.

Đặc biệt, dự án Luật quy định, để thành lập doanh nghiệp đầu tư vốn nhà nước chỉ trong lĩnh vực: Doanh nghiệp cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; Doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; Doanh nghiệp thuộc lĩnh vực độc quyền Nhà nước; Doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao, đầu tư lớn, tạo động lực phát triển nhanh cho các ngành, lĩnh vực khác và toàn bộ nền kinh tế; Doanh nghiệp thuộc những ngành, lĩnh vực phục vụ cho việc ổn định và phát triển kinh tế xã hội của đất nước trong từng thời kỳ.

Về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dự thảo quy định: đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp: tránh việc đầu tư dàn trải, phù hợp với quyền chủ động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, dự án Luật quy định việc sử dụng vốn, tài sản, quyền sử dụng đất của doanh nghiệp để đầu tư ra ngoài doanh nghiệp phải tuân thủ theo quy định của Luật này, pháp luật về đầu tư, pháp luật về đất đai và các quy định khác của pháp luật có liên quan. Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty quyết định từng dự án đầu tư ra ngoài doanh nghiệp không vượt quá 50% vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp.

Về vấn đề này, Ủy ban Kinh tế đề nghị Cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định tỷ lệ cụ thể về phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp phải thống nhất với các quy định pháp luật về quản lý ngân sách nhà nước; quy định tỷ lệ phù hợp đối với thẩm quyền trong việc huy động vốn; quyết định dự án đầu tư, xây dựng, mua, bán tài sản cố định của doanh nghiệp và quyết định đầu tư vốn ra ngoài doanh nghiệp của Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty.

Về xác định nguyên tắc phân phối lợi nhuận của doanh nghiệp, dự thảo đề ra theo hướng: Thu một phần lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp để đảm bảo lợi ích của Nhà nước từ việc đầu tư vốn vào doanh nghiệp; để lại doanh nghiệp một phần lợi nhuận sau thuế để doanh nghiệp sử dụng đầu tư phát triển doanh nghiệp; sử dụng một phần lợi nhuận sau thuế trích quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi cho người lao động tại doanh nghiệp và quỹ thưởng người quản lý doanh nghiệp.

Nhằm tăng cường vai trò giám sát của nhà nước, bảo đảm công khai, minh bạch thông tin về doanh nghiệp, xác định trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước và Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, dự án Luật quy định việc công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp trên Trang chủ Cổng thông tin điện tử của doanh nghiệp và công khai trong doanh nghiệp. Dự án Luật cũng quy định cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp, Bộ Tài chính thực hiện công khai thông tin về doanh nghiệp thuộc quyền quản lý trên Cổng thông tin điện tử của cơ quan đại diện chủ sở hữu của doanh nghiệp và của Bộ Tài chính.