Tăng giá dịch vụ y tế từ 1/6: “Chuyện nhỏ” với người có bảo hiểm

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Từ 1/6, 1.900 dịch vụ y tế (DVYT) sẽ được tính theo giá cao hơn trước với những người không có thẻ bảo hiểm y tế (BHYT).

Thế nên, trong khi những người đã có thẻ BHYT “ung dung” đón nhận thông tin này, thì những người chưa có thẻ lại vội vàng tìm hiểu thủ tục mua thẻ để giảm bớt gánh nặng tài chính khi không may mắc bệnh.

Tăng 2 - 3 lần giá cũ

Theo Thông tư 02/2017 do Bộ Y tế ban hành, từ 1/6/2017, các cơ sở y tế công lập sẽ áp bảng giá viện phí mới với hơn 1.900 DVYT cho nhóm đối tượng không có thẻ BHYT và một số dịch vụ khám chữa bệnh không thuộc phạm vi thanh toán của quỹ BHYT. Theo đó, giá khám bệnh sẽ tăng từ 29.000 - 39.000 đồng; giá ngày giường điều trị nội trú theo từng hạng bệnh viện; giá ngày điều trị hồi sức tích cực tăng từ 568.000 - 677.000 đồng; một số thủ thuật, phẫu thuật được điều chỉnh tăng 20 - 30%... Phó Trưởng ban Thực hiện chính sách BHYT, Bảo hiểm xã hội (BHXH) Việt Nam Lê Văn Phúc nhận định, với việc kết cấu thêm chi phí tiền lương, phụ cấp đặc thù của nhân viên y tế vào giá DVYT, đồng thời điều chỉnh chi phí 3 yếu tố trực tiếp, nhiều DVYT có mức tăng 2 - 3 lần giá cũ và sẽ do người bệnh trả 100%. Như vậy, bệnh nhân không có thẻ BHYT sẽ bất lợi trong việc chi trả viện phí.

Điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh viện Xanh Pôn. Ảnh: Phạm Hùng

Thực tế, ngay cả khi Thông tư này chưa có hiệu lực, nhiều bệnh nhân không có thẻ BHYT đã chật vật xoay xở tiền mỗi khi đến viện. Gần đây nhất, Bệnh viện (BV) Đa khoa Xanh Pôn (Hà Nội) tiếp nhận bệnh nhân Trương Văn Th. (28 tuổi, Nghĩa Đàn, Nghệ An) bị vỡ lún nhiều mảnh đốt sống L1, chèn ép tủy, trật đốt sống T12, L1. Với tình trạng này, bệnh nhân cần mổ giải phóng chèn ép tủy và cố định cột sống càng sớm càng tốt để tránh bị liệt. Nhưng bệnh nhân lại không có BHYT nên chi phí mổ lên tới 70 triệu đồng. Nhà nghèo, không đủ tiền chi trả, đích thân bác sĩ điều trị và BV Xanh Pôn đã phải đứng lên kêu gọi các nhà hảo tâm chung tay giúp đỡ anh Th. Tại BV Bạch Mai, mỗi năm cũng ghi nhận hàng trăm ca mắc bệnh hiểm nghèo đột ngột, không có thẻ BHYT phải nhờ đến sự giúp đỡ của cộng đồng.

Kích cầu người dân tham gia bảo hiểm y tế

Theo ông Phúc, trước đó, từ 1/7/2016, giá viện phí đã tăng với những người có thẻ BHYT, nên việc điều chỉnh giá DVYT lần này nhằm tạo sự bình đẳng giữa người có thẻ BHYT và người không có thẻ BHYT, đồng thời khuyến khích người dân tham BHYT, hướng tới BHYT toàn dân. Nhận thức được gánh nặng tài chính khi vào viện nếu không có thẻ BHYT, anh Lương Văn T. (Sóc Sơn, Hà Nội) đã tìm đến đại lý bán thẻ BHYT cấp xã để hỏi thủ tục mua thẻ. Trước kia, anh T. chỉ mua BHYT cho 2 đứa con đang đi học, nhưng sau lần mổ cấp cứu đau ruột thừa gần đây, anh mới thấm được giá trị của “tấm bùa hộ mệnh” này. “Mỗi năm bỏ ra hơn 600.000 đồng nhưng đổi lại khi đến viện lại đỡ đến tiền triệu viện phí cũng đáng phải mua” – anh T. bày tỏ.

Vừa làm cộng tác viên dân số, vừa làm cộng tác cho điểm bán BHXH, BHYT cấp xã, bà Nguyễn Thị Phượng (Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, gần một tuần nay, số người dân tự nguyện tìm đến bà hỏi thủ tục tham gia BHYT đã tăng lên. “Khi đi tuyên truyền với các hộ gia đình về công tác dân số, tôi luôn hỏi xem trong gia đình còn ai chưa tham gia BHYT không để tư vấn. Đợt này, thấy tôi thông báo thêm về giá viện phí tăng với người không có BHYT nên mọi người cũng đã để ý hơn” – bà Phượng cho biết. Về phía quản lý, Phó Giám đốc BHXH TP Hà Nội Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh, trong thời gian tới, BHXH TP sẽ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến từng người dân, phấn đấu đạt chỉ tiêu 82,9% dân số Thủ đô tham gia BHYT mà TP đã đặt ra. “Nếu tất cả người dân đều tham gia BHYT thì việc tăng giá DVYT sẽ chỉ là chuyện nhỏ, bởi đã có quỹ BHYT hỗ trợ từ 80% - 100% tùy từng đối tượng” – ông Hòa nhấn mạnh.