Tăng giá trị cho hàng Việt

Thu Hương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2017, xuất khẩu (XK) Việt Nam đã có sự bứt phá khi kim ngạch XK lần đầu tiên vượt mốc 200 tỷ USD.

Điều đó cho thấy hàng Việt đã chiếm được cảm tình của người tiêu dùng thế giới. Tuy nhiên, để nâng cao giá trị gia tăng cho hàng XK đòi hỏi DN phải xây dựng thương hiệu cho sản phẩm Việt.
Xuất khẩu tăng trưởng ngoạn mục

Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, nhiều mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam đều có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Chẳng hạn, mặt hàng điện thoại và linh kiện đạt kim ngạch XK 45,27 tỷ USD, tăng 31,9% so với năm trước. Mặt hàng dệt may đạt kim ngạch 26,04 tỷ USD, tăng 9,3% so với năm 2016... Nhiều mặt hàng cũng ghi nhận XK tăng trưởng cao như cao su đạt 2,26 tỷ USD, XK sắn và các sản phẩm từ sắn ước đạt 1,04 tỷ USD; hạt điều đạt 3,52 tỷ USD; cao su đạt 2,26 tỷ USD.
 Vải thiều Lục Ngạn bày bán tại thị trường Úc. Ảnh: Thu Hương
Điều đáng nói hơn cả là việc kim ngạch XK hàng nông - thủy sản đạt gần 37 tỷ USD, trong đó riêng nông sản đạt hơn 19 tỷ USD, cao hơn kim ngạch XK dầu thô… Ấn tượng mạnh nhất vẫn là XK thủy sản khi lần đầu tiên đạt mức kỷ lục 8,32 tỷ USD. Xuất khẩu ngành hàng rau quả cũng bứt tốc đầy ấn tượng khi đạt 3,45 tỷ USD, tăng 40,5%. Trái cây Việt Nam đã thâm nhập được vào nhiều thị trường có yêu cầu chất lượng cao như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand, Australia…

Theo đánh giá của Bộ Công Thương, trong bối cảnh tăng trưởng thương mại toàn cầu vẫn đang ở mức thấp, nhiều thị trường đang có xu hướng bảo hộ hàng hóa trong nước, hạn chế nhập khẩu, tăng trưởng XK ấn tượng của Việt Nam trong năm 2017 là yếu tố quan trọng góp phần đảm bảo cân đối các yếu tố vĩ mô khác của nền kinh tế.

Nâng cao chất lượng

Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) dự báo, năm 2018 kim ngạch XK mặt hàng nông nghiệp đạt 40 tỷ USD, dệt may đạt 34 tỷ USD, da giày đạt 20 tỷ USD... Với lĩnh vực thủy sản, dự báo năm nay, tổng giá trị xuất khẩu thủy sản tiếp tục tăng trưởng tích cực, đạt trên 8,5 tỷ USD nhờ sản phẩm tôm và sự linh hoạt XK sang các thị trường lớn như Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu này đòi hỏi DN phải nâng cao chất lượng, xây dựng thương hiệu cho sản phẩm.

Thực tế cho thấy, các mặt hàng XK chủ lực của Việt Nam như gạo, cà phê, hạt điều, hồ tiêu, thủy sản… hầu như chưa có thương hiệu trên thị trường quốc tế, chủ yếu XK nguyên liệu thô, giá trị gia tăng thấp cho các tập đoàn chế biến quốc tế. Chủ tịch HĐQT Intimex Group Đỗ Hà Nam thẳng thắn nhìn nhận: Mặc dù các DN XK Việt Nam đã chú ý đến đầu tư công nghệ để cho ra những sản phẩm có giá trị cao, nhưng không phải DN nào cũng đủ nguồn lực thực hiện. Khi nói về vấn đề xây dựng thương hiệu cho hàng Việt để XK thông qua hệ thống bán lẻ quốc tế, Phó Tổng Giám đốc Big C Thăng Long, đại diện cho Central Group Việt Nam Nguyễn Thái Dũng cho rằng: Hàng nông sản XK nếu chưa xây dựng được thương hiệu, chỉ dẫn địa lý thì không thể khẳng định được tính đặc sắc. “Hiện công tác sơ chế và bảo quản sau thu hoạch của nhiều sản phẩm còn chưa đáp ứng được tiêu chuẩn các thị trường khó tính như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản… Nhiều sản phẩm có bao bì chưa hấp dẫn và tiện lợi cho người tiêu dùng thế giới. Để nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm XK đòi hỏi DN Việt Nam cần chú trọng cải thiện về vấn đề này” - ông Dũng nhìn nhận.

Chủ tịch Hiệp hội các nhà bán lẻ Việt Nam Đinh Thị Mỹ Loan cho rằng: Trong bối cảnh thương hiệu Việt Nam chưa có chỗ đứng trên thị trường thế giới, việc hợp tác giữa Nhà nước và cộng đồng DN xây dựng một hình ảnh chung cho hàng hóa XK Việt Nam và quảng bá mạnh mẽ hình ảnh đó là hết sức cần thiết. Cách làm này tiết kiệm thời gian, chi phí và đem lại hiệu quả cao hơn so với việc xây dựng chỗ đứng trên thị trường cho từng thương hiệu nhỏ lẻ. Về phía DN muốn xây dựng, bảo vệ thương hiệu một cách bền vững cần cập nhật thông tin về thị trường, xu hướng tiêu dùng, chính sách pháp luật liên quan. Đồng thời kết nối với cộng đồng DN, hiệp hội ngành hàng để có được sự hỗ trợ trong sản xuất, kinh doanh.