Tăng hiệu quả cho đồng vốn

Trần Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đầu tư công hiện nay đang là nút thắt trong phát triển kinh tế, cần phân cấp, phân quyền, rõ trách nhiệm, đảm bảo kế hoạch đầu tư công linh hoạt, sát thực tế. Đó là quan điểm được đưa ra khi Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) tiếp tục được Quốc hội cho ý kiến trước khi thông qua.

 Dự án đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông sau 8 lần vỡ tiến độ nhưng vẫn chưa thể về đích. Ảnh: Thanh Hải
Tuy vẫn còn những quan điểm khác nhau về một số quy định cụ thể, nhưng hầu hết ý kiến đều khẳng định việc cần thiết phải sửa đổi Luật để thúc đẩy phát triển, tháo gỡ vướng mắc thực tế, xóa bỏ tình trạng trì trệ hiện nay.
Việc ban hành Luật Đầu tư công năm 2014 đến thời điểm này được nhận định đã khắc phục được nhiều bất cập lớn trong quản lý đầu tư công là dàn trải, thất thoát, lãng phí, nợ đọng, giúp kiểm soát từng đồng tiền thuế của dân, giảm tình trạng cứ ghi tên dự án, công trình nhưng không có vốn. Các quy định của luật cũng được đánh giá là tiến bộ, nhưng quá trình thực thi lại vướng mắc, trình tự thủ tục hành chính, thẩm quyền giao cho địa phương hay bộ ngành, việc phân quyền chưa rõ, nên quy trình phân bổ vốn đầu tư công vẫn “quá ôm đồm”.
Dự Luật được sửa đổi lần này tập trung vào tháo gỡ những vấn đề khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn quản lý vốn đầu tư công; thúc đẩy, nâng cao hiệu quả hoạt động đầu tư công; tăng cường cải cách hành chính và đẩy mạnh phân cấp. Bởi một trong những vướng mắc bị kêu nhiều nhất trong 3 năm triển khai Luật là thủ tục giao vốn còn rất rườm rà. Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến dự án bị chậm tiến độ triển khai. “Nếu không sửa kịp thời thì việc áp dụng Luật Đầu tư công sẽ khiến ngày càng có nhiều bất cập khi ngày càng xuất hiện nhiều dự án mới, trong đó có cả các dự án không sử dụng vốn ngân sách”, đó là quan điểm nhận được nhiều sự đồng tình.
Nhưng sửa như nào để gỡ được những điểm vướng trong thực thi vẫn có những ý kiến trái chiều. Một số quan điểm cho rằng, điểm gốc rễ cần gỡ là đầu tư công chưa phân cấp, phân quyền đúng mức cho cấp dưới và quản lý ngân sách Nhà nước còn phân tán. Do đó, trên cơ sở khung vững chắc của Luật Đầu tư công, cần tăng cường phân cấp, phân quyền cho chính quyền địa phương một cách rõ nét trong quyết định, phê duyệt đầu tư. Nên giao cho một đơn vị đầu mối quyết định và chịu trách nhiệm đến cùng.
Một vấn đề nữa là cần mổ xẻ xem đầu tư công thời gian qua chậm do vướng quy định pháp luật hay do khâu tổ chức thực hiện chưa đạt yêu cầu, thiếu đồng bộ, nhất quán, tập trung. Nếu do vướng quy định của pháp luật, cần sửa luật, nhưng nếu pháp luật đã phù hợp, không có cản trở mà là do khâu tổ chức thiếu đồng bộ, nhất quán, thiếu sự tập trung, làm chậm trễ thì phải điều chỉnh ở khâu này. Đặc biệt, phải xác định rõ trách nhiệm của những cá nhân, đơn vị khi sử dụng vốn đầu tư công không hiệu quả. Bên cạnh đó, đơn giản hoá các khâu trong quy trình thực hiện dự án, bởi đây cũng là nơi phát sinh nhiều điểm quá phức tạp.
Từ những vướng mắc thực tiễn đã được đưa ra tranh luận tại nghị trường, hy vọng việc sửa đổi luật lần này sẽ giúp tăng quyền chủ động cũng như phát huy được trách nhiệm của cấp, cơ quan quản lý Nhà nước trong sử dụng hiệu quả, đúng mục tiêu nguồn vốn. Đồng thời việc tập trung mạnh vào công tác hậu kiểm, sẽ tránh tình trạng dàn trải, lãng phí, gây thất thoát trong lĩnh vực đầu tư công và kiên quyết thu hồi, xử lý trách nhiệm nếu sử dụng sai mục đích.