Tăng phí dịch vụ ngân hàng gây ức chế cho thượng đế

Trâm Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Các ngân hàng (NH) đang “đẻ” ra nhiều loại phí để thu. Điều đáng nói là việc thu phí trở nên khó biết hơn, không công khai hoặc thông báo trước cho khách hàng.

Khách hàng bức xúc vì phí đè phí
Ngày 8/5, NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) bất ngờ thông báo áp dụng biểu phí mới đối với dịch vụ NH điện tử. Theo đó, phí chuyển dưới 10 triệu đồng tăng từ 6.600 đồng lên 7.000 đồng. Mức phí cho số tiền chuyển đến 500 triệu đồng cũng tăng từ 12.000 đồng lên 15.000 đồng... Với vai trò là một NH lớn nhất, nhì trên thị trường, việc BIDV thay đổi chính sách phí giao dịch chuyển tiền trực tuyến khiến nhiều người lo ngại sẽ tác động dây chuyền đến mức phí dịch vụ ở các ngân hàng khác.
 Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Trước đó, một số ngân hàng khác như TP Bank cũng tiến hành tăng phí dịch vụ thông báo số dư qua tin nhắn SMS Banking lên 11.000 đồng mỗi tháng (trước đó là 8.800 đồng). Tại Eximbank, phí này còn cao hơn TP Bank, khi mỗi thuê bao phải đóng 50.000 đồng mỗi quý, tức trên 16.000 đồng một tháng. Từ đầu tháng 5 này, Sacombank cho biết tăng phí dịch vụ Internet Banking của khách hàng cá nhân từ 33.000 đồng lên 44.000 đồng một quý.
Trên các diễn đàn gần đây, nhiều topic xoay quanh chủ đề thu phí. facebooker V.T.N chia sẻ, một người đồng nghiệp qua dịch vụ NH điện tử của NH TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (Eximbank) chuyển 2 triệu cho chị nhưng tài khoản của chị bị trừ ngay 1.100 đồng phí dịch vụ dù chuyển cùng hệ thống, cùng tỉnh, TP. Hoặc Facebooker V.K.D đã lên tiếng về những bất cập trong thu phí tại Vietcombank: “Khi thực hiện giao dịch chuyển tiền nội bộ cùng NH, Vietcombank có thông báo giao dịch "nộp tiền mặt vào tài khoản người khác" trong cùng hệ thống, cùng tỉnh, TP là miễn phí nhưng thực tế, khách hàng chỉ được miễn phí khi sử dụng Mobile Banking còn khi dùng Internet Banking sẽ mất 3.300 đồng/lần. Hoặc nếu nộp tiền mặt vào tài khoản cá nhân mới miễn phí còn tài khoản công ty thì không, trong khi biểu phí của NH không hề ghi rõ điều này”… Sự khác biệt giữa hai hình thức này là gì mà lại chỉ tính phí với một hình thức? Nếu là giao dịch liên ngân hàng thì việc tính phí cũng có thể chấp nhận được nhưng đây là giao dịch nội bộ tại sao cũng tính phí?” … Rất nhiều câu hỏi được đặt ra liệu phí có “đè” phí trong giao dịch từ ngân hàng có thương hiệu số 1 Việt Nam…
Phí cao, dịch vụ chưa cao
Hiện nay khách hàng phải chịu nhiều loại phí khác nhau cho dịch vụ Internet banking: Ngoài phí cho các lần giao dịch chuyển khoản, thanh toán hóa đơn khách hàng còn phải chịu phí gia nhập, phí thường niên, phí sử dụng thiết bị bảo mật… Lý giải cho việc tăng phí này, các NH đều đưa ra lý do chi phí xây dựng hệ thống lớn đó là, vốn đầu tư ban đầu khá lớn để lựa chọn được một công nghệ hiện đại, đúng định hướng, chưa kể tới các chi phí cho hệ thống dự phòng, chi phí bảo trì, duy trì và phát triển hệ thống, đổi mới công nghệ sau này… Tại TP Bank, NH này đang phải trả nhà mạng (telco) 800 đồng trên mỗi tin nhắn SMS. Mới đây, TP Bank đã đưa vào ứng dụng eToken có tính bảo mật hơn, an toàn hơn lại hoàn toàn miễn phí để thay thế. Do vậy, nếu khách hàng nào vẫn dùng SMS OTP thì phải trả phí để bù chi phí", đại diện TP Bank chia sẻ.
Chuyên gia ngân hàng Huỳnh Trung Minh nhận xét, nếu nhìn vào biểu phí dịch vụ thanh toán thẻ mà các NH phải công khai cho khách hàng sẽ gồm rất nhiều loại phí cho nhiều loại dịch vụ khác nhau. NH giải thích thu phí khi cung ứng dịch vụ để bù đắp phần nào chi phí đầu tư nghe có vẻ hợp lý. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là giá không đi kèm chất lượng. Nhất là gần đây, tính an toàn và bảo mật của hệ thống liên tục gặp vấn đề. Ngoài dịch vụ NH trực tuyến, khách hàng cũng bức xúc nhiều về thu phí dịch vụ chung của NH, bao gồm cả phí các loại thẻ. Trong khi tính an toàn, bảo mật, chất lượng dịch vụ thẻ chưa tốt và các sự cố như ATM hết tiền, nghẽn mạng, trả tiền rách, máy quẹt thẻ POS gặp sự cố... vẫn thường xuyên diễn ra.
Vào tháng 2/2017 vừa qua, khách hàng của Vietinbank phiền lòng vì hệ thống Core Banking, theo đó Vietinbank nâng cấp hệ thống yêu cầu khách hàng cập nhật phiên bản ứng dụng VietinBank iPay Mobile mới nhất để sử dụng dịch vụ, tuy vậy, khách không thể thực hiện giao dịch bằng phần mền iPay trên di động và một số giao dịch trên website.
Box: Phải minh bạch các khoản phí
Theo Vụ Thanh toán – Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tương ứng với mỗi loại sản phẩm dịch vụ mới NH cũng tính toán, xác định loại, mức phí phù hợp trên cơ sở cân đối với chi phí bỏ ra để cung ứng dịch vụ và phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Theo đó, mỗi loại phí dịch vụ luôn đi kèm với một loại dịch vụ mà NH cung cấp tới khách hàng và khách hàng chỉ phải trả phí cho dịch vụ mà mình sử dụng. Theo quy định của NHNN, nếu thay đổi phí các NH phải thông báo công khai trên website và trên máy ATM. Hiện nay, rất nhiều khách hàng phản ánh chỉ biết NH thu phí khi thấy tài khoản bị trừ tiền và NHNN sẽ rà soát, xem xét cơ sở pháp lý của những loại phí mà NHTM áp dụng.